Dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Nam Định; lãnh đạo các huyện nơi dự án đi qua.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng được thực hiện theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 2 km đi qua 2 xã Khánh Cường, Khánh Trung thuộc địa phận huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình và 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định. Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, gồm các hạng mục: cầu vượt sông dài khoảng 1,36 km với mặt cắt ngang cầu rộng 19,5 m; đường dẫn dài khoảng 0,64 km, rộng 19 m và các nhánh (đoạn từ Km 17+300 đến Km 17+495,5) trên tuyến đường cao tốc và 2 nhánh nút giao thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình; đoạn từ Km18+856 đến Km 19+300/lý trình cao tốc và 2 nhánh nút giao, thuộc địa phận tỉnh Nam Định.
Hạng mục cầu vượt sông Đáy tại Km18+116/lý trình đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng. Cầu gồm 29 nhịp; trong đó cầu chính gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, sơ đồ (80+130+80)m; cầu dẫn vượt đê hữu sông Đáy phía Ninh Bình gồm 3 nhịp liên tục dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực sơ đồ (46+70+46)m, các nhịp dẫn còn lại dùng kết cấu dầm Super T bê tông cốt thép dự ứng lực.
Phía tỉnh Ninh Bình, cầu kết nối với đường Bái Đính-Kim Sơn bằng 2 nhánh với quy mô nền rộng 12m; phía tỉnh Nam Định tuyến giao vượt khác mức với Quốc lộ 37B và giao khác mức liên thông với tuyến đường tỉnh 490, kết nối bằng 2 đường nhánh, quy mô nền đường rộng 8 m.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục có liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Yêu cầu UBND huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu rõ về lợi ích của dự án, qua đó ủng hộ, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án. Nhà thầu thi công tập trung huy động nguồn lực, có kế hoạch thi công phù hợp, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo hợp đồng.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh-chủ đầu tư chỉ đạo rà soát, thực hiện đầy đủ các thủ tục triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên theo dõi, giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai dự án, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư của dự án theo đúng kế hoạch.
theo Báo Nam Định