Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định cho phép chín trường đại học trọng điểm trong cả nước thí điểm đào tạo mười chương trình tiên tiến (CTTT) của nước ngoài từ năm học 2006. Đây được coi là bước đột phá đầu tiên trong lộ trình thực hiện Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt.
Nếu triển khai tốt, sinh viên trong nước sẽ được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại của thế giới mà không phải tốn công sức, tiền của ra nước ngoài như trước.
Thí điểm tại các trường trọng điểm
Thời gian qua, giáo dục đại học (GD-ĐH) đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, nhất là yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Trong bối cảnh đó, không có cách nào khác, phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là một số ngành mũi nhọn. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc chọn chín trường trong số 14 trường đại học trọng điểm giao nhiệm vụ đào tạo một số chuyên ngành theo chương trình tiên tiến "nhập khẩu" từ nước ngoài cũng không ngoài mục đích nói trên.
Theo đó, Trường đại học Bách khoa Hà Nội là trường duy nhất được giao đào tạo hai ngành cơ điện tử và khoa học vật liệu. Các trường còn lại, mỗi trường đào tạo một ngành. Trường đại học Kinh tế Quốc dân đào tạo ngành tài chính - ngân hàng. Trường đại học Cần Thơ đào tạo ngành Công nghệ sinh học. Đại học Đà Nẵng đào tạo ngành điện tử - viễn thông. Trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) đào tạo ngành hóa học. Đại học Huế đào tạo ngành vật lý, Trường đại học Nông nghiệp 1 đào tạo ngành bảo vệ thực vật. Hai trường thành viên của ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh là Trường đại học Khoa học Tự nhiên đào tạo ngành công nghệ thông tin và Trường đại học Bách khoa đào tạo ngành hệ thống năng lượng. Như vậy, lần đầu, các trường đại học trọng điểm được giao nhiệm vụ tiên phong trong việc đào tạo các ngành mũi nhọn thuộc các khối ngành: khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và quản lý kinh tế.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường triển khai đào tạo CTTT phải đạt các tiêu chí về số lượng và chất lượng. Đó là đủ số lượng cán bộ có năng lực và trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ để tham gia giảng dạy. Ngoài ra, trường phải có ít nhất 30% số giảng viên trẻ (dưới 40 tuổi) được đào tạo ở nước ngoài (ưu tiên khối tiếng Anh) trong tổng số giảng viên tham gia giảng dạy; 100% số giảng viên có khả năng sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại. Nếu giảng dạy bằng tiếng nước ngoài thì phải đủ lực lượng giảng viên có khả năng giảng dạy tiếng nước ngoài; ưu tiên chọn chương trình có giảng viên là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia giảng dạy.
GS, TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Việc giao cho các trường đào tạo CTTT của nước ngoài là chuẩn bị điều kiện để đến năm 2020, giáo dục đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới theo mục tiêu chung của Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam. Cũng theo cách này, các trường sẽ triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động dạy và học. Nếu triển khai việc này sớm, chúng ta sớm có được các chương trình đào tạo và bằng cấp được quốc tế thừa nhận gắn với tên tuổi những trường đại học của Việt Nam. Đặc biệt đây không phải là các chương trình liên kết đào tạo. Các chương trình liên kết đào tạo có đối tác nước ngoài, có thể giảng dạy theo chương trình của họ, do trường nước ngoài hoặc hai trường cùng cấp bằng. Còn các CTTT là những chương trình hoàn toàn của Việt Nam có sử dụng chương trình, giáo trình, công nghệ đào tạo tiên tiến của nước ngoài, các trường đại học Việt Nam thực hiện đào tạo và cấp bằng.
Về thi tuyển, thí sinh vẫn tham gia thi theo phương thức "ba chung" bình thường. Sau khi thi tuyển nhà trường thông báo tuyển sinh đào tạo theo chương trình tiên tiến, kèm theo những tiêu chí điều kiện để sinh viên đăng ký. Những tiêu chí cụ thể gồm: ngoại ngữ điểm thi đầu vào, kinh phí... Kinh phí đào tạo các trường có thể lấy từ nhiều nguồn: học phí, Nhà nước cấp hằng năm (5,9 triệu đồng/sinh viên/năm), kinh phí từ các chương trình hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí cho chương trình đào tạo này.
Nỗi lo còn lớn
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chọn chín trong số 20 trường đại học, có uy tín đăng ký giao nhiệm vụ đào tạo chương trình tiên tiến thuộc mười chuyên ngành nhưng xem ra mọi việc không phải đã suôn sẻ. Sự thiếu thốn, lạc hậu về cơ sở vật chất - kỹ thuật đang là thách thức không nhỏ đối với nhiều trường.
Tiếp đến là trình độ ngoại ngữ và trình độ chuyên môn của giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường còn nhiều hạn chế. Đó là chưa kể đến sự nhanh nhạy trong việc cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, quản lý chương trình sao cho phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Một trong những khó khăn không nhỏ khác chính là cơ chế về tài chính quy định việc thu chi học phí và sử dụng kinh phí, chế độ lương, phụ cấp giảng dạy cho các giảng viên.
Chính Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng đã thừa nhận: Thù lao cho các giảng viên giảng dạy CTTT như thế nào để tương xứng với trình độ chuyên môn đang là một câu hỏi lớn. Để đầu tư đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo theo chuẩn mực quốc tế, đòi hỏi cần có những cơ chế chính sách phù hợp để các trường có thể thực hiện được.
Mặc khác, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí cho việc thực hiện các CTTT dự kiến lấy từ ba nguồn: thu học phí trường và Bộ hỗ trợ. Cụ thể hơn Bộ hỗ trợ một phần kinh phí lấy từ kinh phí xây dựng chương trình khung hằng năm. Đó cũng chỉ là đề xuất, còn thực tế, việc đầu tư kinh phí và chi tiêu cụ thể như thế nào, cần có văn bản hướng dẫn.
Vấn đề là làm sao để các trường thực hiện CTTT không vấp phải những quy định hiện hành về mức thu học phí đối với sinh viên nói chung, chi trả thù lao cho giảng viên... Do vậy, có ý kiến cho rằng: Để thực hiện thuận lợi, Chính phủ cần cho các trường thực hiện theo một cơ chế đặc biệt.
Có thế, mới có thể trả lương cho giảng viên gấp từ ba đến bốn lần mức quy định chung, mới có thể thu học phí của người học khác với mức hiện hành. Vấn đề bất cập khác là, CTTT sẽ giải quyết như thế nào đối với các môn khoa học Mác - Lê-nin, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất... Rồi cả việc phải thay đổi tư duy học và nghiên cứu một cách thụ động bằng các biện pháp học và nghiên cứu chủ động hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức mới.
PGS, TS Ngô Doãn Đại, Phó trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng: Để áp dụng CTTT như ở nước ngoài kéo theo rất nhiều điều kiện. Kinh phí đầu tư hạn hẹp, cho nên chắc chắn cơ sở đào tạo phải tìm nguồn tài trợ hoặc nguồn thu từ đào tạo tại chức, quỹ phúc lợi... Rồi việc CTTT phải nêu ra tiêu chí đào tạo theo học chế tín chỉ. Tuy nhiên, lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng để chuyển đổi mô hình từ niên chế sang tín chỉ quá chậm. Để khắc phục, ĐHQG Hà Nội phải tiến hành đồng thời cả hai, để sau này khớp vào là vừa.
Cũng xoay quanh những vấn đề khó khăn nói trên, nhà giáo Hoàng Thắng, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa Hà Nội, một trong chín trường thí điểm CTTT cho biết: Khóa đầu đào tạo theo CTTT sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 9-2006. Các CTTT đều thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và kinh tế, cơ bản giảng dạy bằng tiếng nước ngoài phù hợp. Với "nguồn" chương trình được sử dụng, chủ yếu là tiếng Anh. Do vậy, nếu CTTT bắt buộc phải dạy bằng tiếng nước ngoài ngay trong năm đầu sẽ rất khó thực hiện. Mặt khác, nhà trường rất lo lắng về cơ sở vật chất, nhất là thư viện và phòng thí nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu. Đây là vấn đề sống còn đối với khối kỹ thuật và khoa học công nghệ, nhưng hiện tại chưa có kinh phí đầu tư và trang bị thêm.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những khó khăn tạm thời, trước mắt khi việc triển khai CTTT, giáo trình tiên tiến được Chính phủ cũng như toàn xã hội ủng hộ, khuyến khích. Các trường đại học cũng đã chủ động chuẩn bị điều kiện cần thiết để "nhập cuộc". Nếu triển khai tốt, chắc chắn chỉ khoảng trong vòng 10 - 15 năm tới, chúng ta sẽ có được những trường đại học mang đẳng cấp quốc tế và đó sẽ là động lực lôi kéo toàn hệ thống giáo dục đại học nước nhà phát triển.
(Nhân dân)