Một số ý kiến cho rằng nên để thí sinh lựa chọn thi viết hoặc phỏng vấn để đánh giá toàn diện hơn |
Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ để lấy ý kiến nhân dân.
Nên để thí sinh chọn lựa chọn giữa thi viết hoặc phỏng vấn
Góp ý cho Dự thảo, ông Trần Minh Sơn (Quảng Ngãi) cho rằng, khi thi nâng ngạch chuyên viên chính, đối với thi môn chuyên ngành nên áp dụng 2 hình thức là phỏng vấn hoặc thi viết để thí sinh lựa chọn. Bởi đối với thi chuyên viên chính hoặc cao hơn, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng quát, hiểu sâu vấn đề, mà phỏng vấn sẽ giúp tìm ra được điểm mạnh, toàn diện của thí sinh để chấm điểm.
Đồng quan điểm với ông Trần Minh Sơn, ông Võ Minh Sơn (Hà Nội) cũng kiến nghị nên để thí sinh chọn lựa chọn giữa thi viết hoặc phỏng vấn khi thi chuyên ngành. Việc này sẽ giúp người phỏng vấn chấm điểm sâu hơn, nhận thấy rõ hơn khả năng am hiểu lĩnh vực công việc chuyên môn, vị trí việc làm của thí sinh dự thi.
Ngoài ra, theo ông Võ Minh Sơn, hiện nay thi nâng ngạch chuyên viên chính phải thi qua 2 vòng, đỗ vòng 1 thì mới thi vòng 2. Ông Sơn kiến nghị xem xét bổ sung quy chế thi theo hướng: Trường hợp thí sinh đỗ vòng 1 mà trượt vòng 2 thì khi thi lại chuyên viên chính chỉ thi vòng 2 (không thi lại vòng 1), giống như thi các môn ở cấp phổ thông, đại học, học chính trị.., tức là thi trượt môn nào thì chỉ thi lại môn đó. Điều này sẽ giúp cho thí sinh tập trung chuyên môn nghiên cứu, học bài để thi lại vòng 2.
Còn theo ông Lục Văn Luật (Thanh Hóa), nên quy định thi vòng 2 gồm cả thi viết và phỏng vấn, phần phỏng vấn có thể chiếm 1/3 điểm. Việc áp dụng như vậy có thể phát sinh nhiều kinh phí, nhưng sẽ chất lượng hơn, tránh trường hợp thi viết thì chỉ cần chăm chỉ ôn luyện là khả năng đỗ cao, trong khi hình thức phỏng vấn rất dễ phát sinh tiêu cực, nhất là không có phúc khảo.
Ông Nguyễn Văn Điệp cũng ủng hộ việc áp dụng hình thức phỏng vấn để là giảm bớt sự phiền hà về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ông Điệp đề xuất cần có hình thức ghi âm, ghi hình trong quá trình phỏng vấn để tránh tiêu cực, hiện tượng không trung thực, khách quan.
Tổ chức thi trên máy vi tính
Trong khi nhiều ý kiến cho rằng thi nâng ngạch chuyên viên chính vẫn áp dụng thi viết thì ông Phan Mai (Quảng Bình), ông Nguyễn Đình Trung (Đắk Lắk) đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức thi trắc nghiệm trên máy vi tính, đảm bảo nghiêm túc, công bằng.
Cùng chung quan điểm, ông Đồng Tiến Quân (Nam Định) đề xuất việc thi nâng ngạch nên bắt buộc thi bằng máy vi tính để bảo đảm tính khách quan, tính hội nhập cộng đồng quốc tế tiến tới thời đại 4.0, đòi hỏi những người làm công chức phải luôn cập nhật sự phát triển trong thời đại công nghệ thông tin, thủ tục hành chính trực tuyến,...
Quy định tiêu chuẩn đối tượng dự thi cần đơn giản hơn
Theo ông Nguyễn Đình Trung (Đắk Lắk), trong quy định về tiêu chuẩn để được thi chuyên viên chính ngoài các chứng chỉ, bằng cấp còn phải có đề tài, hoặc tham gia đề tài khoa học tại địa phương... Tuy nhiên đối với thí sinh có bằng thạc sĩ thì ông Trung cho rằng không cần đề tài nữa, bởi để có bằng thạc sĩ thì thí sinh đó đã có đề tài rồi. Để mở rộng đối tượng dự thi, ông Trung kiến nghị nên quy định tiêu chuẩn được dự thi đơn giản hơn.
Còn ông Lục Văn Luật (Thanh Hóa) đề xuất bỏ các quy định về chứng chỉ, nhất là chứng chỉ tiếng Anh, tránh hình thức, nếu có thể thì nên bỏ thi trắc nghiệm tiếng Anh và Tin học.
Cần quy định tách rời về hoạt động giám sát
Dự thảo Thông tư quy định các đơn vị thành tự thành lập Ban Giám sát để giám sát chính công tác tuyển dụng của đơn vị mình. Theo ông Nguyễn Văn Điệp, quy định này là hình thức, không hiệu quả, không thể giám sát được chính thủ trưởng của mình thực thi nhiệm vụ, vì có rất nhiều đơn vị, người đứng đầu cũng là Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng nên không thể giám sát một cách công bằng và trung thực.
Ông Điệp cho rằng Thông tư mới cần quy định tách rời hoạt động giám sát. Đối với tuyển dụng viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp hoặc các nội dung khác của các đơn vị đã được UBND tỉnh phân cấp thì cấp tỉnh phải thành lập Ban Giám sát để đảm bảo sự công bằng, khách quan. Đối với việc tuyển dụng công chức hoặc các nội dung khác mà tỉnh chưa phân cấp thì Bộ Nội vụ thành lập Ban Giám sát để thực hiện.
Xét thăng hạng viên chức hành chính
Bà Nguyễn Thị Hình Hòa (Hà Tĩnh) đề nghị xem xét về việc thăng hạng với viên chức làm việc ở bộ phận hành chính của các đơn vị sự nghiệp được xếp ngạch lương như công chức hành chính. Hiện nay Bộ Nội vụ chưa có quy chế xét thăng hạng dành cho đối tượng này, viên chức hành chính chỉ có hình thức thi thăng hạng.
Bà Hòa cho rằng nên có ưu tiên trong việc xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III đối với viên chức hành chính, vì những viên chức này đa số làm việc đã lâu năm, có kinh nghiệm công tác, nghiệp vụ vững vàng, nhưng lâu nay nhiều tỉnh không tổ chức thi thăng hạng, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho viên chức, nhiều người gần đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa được thăng hạng từ hạng IV lên hạng III. Bà Hòa đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm đến đối tượng này khi xây dựng Thông tư ban hành Quy chế, Nội quy tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp; Nội quy kỳ tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Thu Hằng