Theo báo cáo tổng kết cuối năm 2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá trị giao dịch tại MXV đạt trung bình hơn 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi sụt giảm nhẹ trong quý I/2023, khối lượng giao dịch tại MXV đã có sự hồi phục và ổn định trở lại trong nửa cuối năm.
Tính đến hết năm 2023, toàn thị trường đang có gần 30.000 tài khoản giao dịch active, tăng 20% so với năm ngoái. Ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Về cơ bản, hoạt động giao dịch liên thông với thế giới đã đi vào ổn định, thông suốt, không gặp bất kỳ sự cố nào trong năm 2023. Thị trường sẽ tiếp tục lan tỏa, phát triển theo xu hướng tất yếu của thế giới”.
Hiện nay, MXV đang niêm yết giao dịch 45 sản phẩm liên thông với hầu hết các sở giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới, chia làm 4 nhóm: Nông sản, năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp.
Từ tháng 6/2023, MXV đã niêm yết giao dịch các hợp đồng quyền chọn hàng hóa. Sau hơn 6 tháng triển khai, hợp đồng quyền chọn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng trưởng đều mỗi tháng. “Các sản phẩm quyền chọn được giao dịch tại MXV đều có tính thanh khoản cao, giúp các doanh nghiệp có thêm công cụ bảo hiểm giá rất hiệu quả, đồng thời giúp các nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư”, ông Đặng Việt Hưng cho biết thêm.
Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, trong năm 2023, MXV đã tập trung nghiên cứu và tạo nền móng xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt đối với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Đây là một trong những kế hoạch trọng tâm của MXV trong giai đoạn 2023 – 2028, giúp phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt sẽ giúp giải quyết nhiều bài toán đối với từng mặt hàng cụ thể. Nhưng tựu chung lại, sẽ giúp hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam trở nên minh bạch, hiện đại, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tương lai”, ông Đặng Việt Hưng khẳng định.
Sau thời gian dài cùng nghiên cứu và hợp tác, MXV và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã đi đến giai đoạn thử nghiệm hệ thống Sàn Giao dịch cao su Việt Nam. Sàn Giao dịch cao su sẽ giúp giá mua bán được minh bạch, công khai; giúp các doanh nghiệp mở rộng, tạo thêm các mối liên kết trong ngành; nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm cao su Việt Nam. Phương thức giao dịch hiện đại, nhanh chóng, chính xác sẽ từng bước giúp thị trường cao su trong nước bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường thế giới.
Cũng trong năm 2023, đoàn làm việc của Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Dubai Chambers đã tới Việt Nam, có chuyến thăm và làm việc tại MXV. Trước đó, hai bên đã có nhiều buổi làm việc tích cực, nhằm xây dựng Sàn Giao dịch cà phê đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. Với vị thế là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, việc xây dựng Sàn Giao dịch cà phê là xu thế tất yếu của thị trường Việt Nam, sẽ hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Trong tầm nhìn 2050, dịch chuyển xanh sẽ là xu thế của nền kinh tế thế giới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong tiến trình này, Sàn Giao dịch tín chỉ carbon sẽ đóng vai trò rất quan trọng, giúp kết nối những người mua, người bán với nhau. MXV đã và đang nghiên cứu để xây dựng Sàn Giao dịch tín chỉ carbon phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, để mang lại lợi ích cao nhất cho các bên tham gia thị trường.
Ngoài ra, kể từ tháng 8/2023, MXV đã phối hợp cùng Sở Công Thương, Sở NN&PTNN, cùng các sở, ngành khác tại TPHCM để xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo TPHCM. Ông Đặng Việt Hưng cho biết: “Mô hình Sàn giao dịch với công nghệ và cách vận hành hiện đại này được kỳ vọng sẽ giúp cả người chăn nuôi và người tiêu dùng không bị thao túng giá, quyền lợi được bảo vệ; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Đồng thời quy mô ngành công nghiệp chăn nuôi của TPHCM sẽ từng bước đi vào chiều sâu”.
Kể từ sau Nghị định 51/2018/NĐ-CP, thị trường giao dịch hàng hóa đã có những bước phát triển đáng khích lệ, được ghi nhận bởi các cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước; và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo quá trình phát triển của thị trường Việt Nam, cùng với những biến đổi không ngừng của thị trường thế giới, trong năm 2024, MXV sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng để xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý, giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.
“Đây sẽ là tiền đề giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển ổn định và bền vững, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới”, ông Đặng Việt Hưng khẳng định.
Bên cạnh đó, MXV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, trọng tâm là các sở giao dịch hàng hóa và các đối tác công nghệ lớn trên thế giới. Theo kế hoạch, trong quý I/2024, MXV sẽ hoàn thành việc liên thông giao dịch với các sở giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc, tiến tới mục tiêu niêm yết chéo các sản phẩm giao dịch. Bên cạnh đó, việc liên thông với thị trường tỉ dân sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có đối các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, để tối ưu hóa hiệu quả trong nghiệp vụ bảo hiểm giá và đầu tư.
MXV sẽ tích cực phối hợp với các đối tác để từng bước đưa các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt vào vận hành. Dự kiến trong năm 2024, các Sàn Giao dịch cao su và Sàn Giao dịch thịt heo TPHCM sẽ bước đầu đi vào hoạt động. Các Sàn Giao dịch cà phê và tín chỉ carbon dự kiến sẽ vận hành vào năm 2025.
Với lịch sử hơn 13 năm hình thành và phát triển, MXV đã và đang là đầu tàu của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư truyền thống có dấu hiệu chững lại, giao dịch hàng hóa đang là điểm sáng trong hoạt động thương mại nói riêng và trong nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tăng cường hợp tác quốc tế toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Giao dịch, công nghệ thông tin, đào tạo, truyền thông… sẽ giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới, góp phần vào quá trình hội nhập kinh tế của đất nước.