Theo ghi nhận từ MXV, sắc đỏ bao trùm thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua khi mà những lo ngại xoay quanh các chính sách thuế quan của Nhà Trắng vẫn đang hiện hữu. Trong đó, giá của cả hai mặt hàng dầu thô đều giảm hơn 2%. Cụ thể, giá dầu Brent lại rơi khỏi ngưỡng 70 USD/thùng, dừng ở mốc 68,64 USD/thùng, tương ứng với mức giảm 2,21%. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm tới 2,65%, rơi xuống mốc 66,57 USD/thùng.
Những lo ngại mới nhất trên thị trường quốc tế hiện vẫn đang tập trung vào diễn biến căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin. Trong động thái mới đây, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã bày tỏ mong muốn đối thoại, khẳng định sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với phía Mỹ nhằm tháo gỡ các bất đồng hiện tại.
Tuy nhiên, ông Lula cũng không quên cảnh báo về khả năng Brazil sẽ có các biện pháp đáp trả tương xứng nếu Chính phủ Mỹ chính thức áp đặt các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Brazil hiện giữ vai trò là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, thịt bò, đường và các nguyên liệu sản xuất ethanol.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục công bố các biện pháp thuế quan mới áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Philippines, Iraq, cũng như nhiều mặt hàng cụ thể như dược phẩm và vật liệu bán dẫn. Động thái này không chỉ làm gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn khiến thị trường quốc tế thêm phần thận trọng trước nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang.
Tình hình hiện tại cũng khiến viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất cơ bản đang dần trở nên xa vời. Theo biên bản cuộc họp mới nhất vừa được Fed công bố ngày 9/7, phần lớn các quan chức đều nhất trí rằng mức lãi suất cao hiện tại, dao động trong khoảng 4,25–4,5% là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế khỏi nguy cơ lạm phát quay trở lại, đổi lại là khả năng thu hẹp các hoạt động kinh tế tại Mỹ và kéo giảm nhu cầu năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng tiếp tục chịu áp lực từ khả năng gia tăng nguồn cung từ nhóm OPEC+. Sau khi quyết định về mức tăng sản lượng trong tháng 8 đã được đưa ra; trên thị trường lại xuất hiện thông tin mới về khả năng OPEC+ sẽ tăng sản lượng trong tháng 9 ở mức lên tới 550.000 thùng/ngày, dấy lên lo ngại về viễn cảnh dư thừa nguồn cung thế giới.
Ở chiều ngược lại, thị trường kim loại trong phiên hôm qua chứng kiến giá của 9/10 mặt hàng đồng loạt khởi sắc. Trong đó, giá quặng sắt bật tăng 3% lên mức 99 USD/tấn, đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại gia tăng do tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ trong ngắn hạn.