Dòng tiền đầu tư cũng tăng mạnh so với ngày trước đó, lên trên 3.600 tỷ đồng, đưa giá trị giao dịch toàn Sở dần trở về mức trung bình kể từ đầu năm nay.
Nhóm năng lượng đóng góp mạnh nhất vào đà hồi phục chung của toàn thị trường với toàn bộ 5 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, 2 mặt hàng dầu thô là tâm điểm thu hút sự quan tâm của thị trường với mức tăng đều trên 2%. Nguồn cung tại một số quốc gia xuất khẩu hàng đầu có dấu hiệu thu hẹp, làm dấy lên lo ngại thâm hụt đã hỗ trợ trực tiếp cho giá dầu trong ngày hôm qua.
Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,52% lên mức 74,83 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt phiên tại mức giá 79,40 USD/thùng, cao hơn 2,2% so với mức giá tham chiếu phiên trước đó.
Sau nhiều tháng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển ở mức cao, các chuyến hàng của Nga đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu suy giảm đầu tiên khi giảm xuống dưới mức trung bình của tháng 2, tháng tham chiếu cho cam kết cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga giảm mạnh 0,93 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 9/7. Như vậy, tính trung bình, xuất khẩu dầu đường biển từ Nga hiện đang thấp hơn khoảng 205.000 thùng/ngày so với mức trung bình 3,38 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 2.
Sự sụt giảm bất ngờ trong hoạt động xuất khẩu dầu thô từ Nga đã thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong phiên, nhất là khi Nga đã thông báo sẽ cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng dầu/ngày vào tháng 8.
Thêm vào tâm lý lạc quan là tin tức cho rằng Trung Quốc, quốc gia tiêu thị dầu lớn thứ 2 trên thế giới sẽ thực hiện nhiều biện pháp kích thích bổ sung hơn để phục hồi nền kinh tế.
Trong Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 7, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo nhu cầu nhiên liệu lỏng toàn cầu trong năm 2023 thêm 150.000 thùng/ngày lên mức 101,16 triệu thùng/ngày trong năm 2023, sau khi điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu trong cả 4 quý năm nay so với báo cáo trước, với mức tăng trong khoảng 130.000 thùng/ngày đến 150.000 thùng/ngày. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là 2 quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Trong khi đó, về phía nguồn cung, EIA đã hạ dự báo sản lượng 0,3% cho năm 2023 so với báo cáo trước xuống còn 101,1 triệu thùng/ngày, tương đương mức giảm 270.000 thùng/ngày, do sự sụt giảm sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và việc Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8.
Như vậy, EIA đã điều chỉnh giảm sản lượng dầu thô toàn cầu trong tất cả các quý trong năm nay, đặc biệt là trong quý III và quý IV, qua đó chính thức đưa thị trường vào trạng thái thâm hụt nửa cuối năm và trung bình toàn năm 2023. Trong đó, quý III ghi nhận mức thâm hụt gần 1 triệu thùng/ngày, cao hơn nhiều so với mức 0,2 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 6.
Tính trung bình cả năm 2023, EIA lần đầu tiên ước tính thị trường sẽ thâm hụt 0,15 thùng/ngày, sau nhiều tháng dự báo thặng dư nhẹ.
Về yếu tố ngắn hạn hơn, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/7, sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 1 triệu thùng và 2,9 triệu thùng, trái ngược với dự đoán giảm của thị trường, có thể sẽ khiến giá dầu gặp áp lực nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay.
Thị trường nguyên liệu công nghiệp đóng cửa ngày 11/7 với diễn biến phân hoá. Trong đó, đáng chú ý, giá bông đảo chiều tăng mạnh 3,62% nhờ hỗ trợ kép từ sự suy yếu của đồng USD và sự khởi sắc của giá dầu.
Chỉ số Dollar Index giảm 0,24% đã giúp chi phí nắm giữ và giao dịch bông Mỹ trở nên rẻ hơn, từ đó kích thích lực mua trên thị trường. Đồng thời, giá dầu tăng hơn 2%, khiến Polyester, nguyên liệu thay thế chính của bông đắt hơn, từ đó tạo nên làn sóng nhu cầu đối với bông, thúc đẩy đà tăng mạnh của giá.
Giá đường trắng đón nhận lực mua tích cực, đóng cửa hôm qua tăng 1,38%, trong khi đó, giá đường 11 tăng nhẹ 0,38% so với tham chiếu khi nguồn cung đường tại Brazil không tích cực như những gì thị trường kỳ vọng.