Điều này sẽ có tác động đáng kể tới giá hàng hóa, bởi lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế đang ngày càng gia tăng và khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc mở vị thế. Tuy vậy, các thông tin về tình hình lạm phát và lãi suất cũng đã được phản ánh vào giá trong tuần trước, do đó áp lực trong tuần này cũng sẽ giảm bớt.
Thị trường hàng hóa cũng mong đợi vào dữ liệu tích cực từ phía Trung Quốc, đặc biệt là chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất, phản ánh hoạt động từ các nhà máy. Nhu cầu tại Trung Quốc vẫn đang được kỳ vọng sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho xu hướng giá hàng hóa trong dài hạn, dưới bối cảnh các quốc gia Bắc Mỹ và Tây Âu liên tục gặp áp lực. Trong trường hợp dữ liệu sản xuất tiếp tục biểu thị sự mở rộng, giá hàng hóa, đặc biệt là nhóm nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như dầu thô, hay kim loại sẽ đón nhận lực mua tích cực.
Riêng đối với thị trường nông sản, vào lúc 23h00 đêm thứ sáu, Bộ nông nghiệp Mỹ sẽ phát hành cùng lúc 2 báo cáo cực kỳ quan trọng, đó là báo cáo Tồn kho hàng quý và Triển vọng gieo trồng mùa vụ 2023/24 tại Mỹ.
Như mọi năm, các số liệu này sẽ có tác động rất lớn tới giá các mặt hàng nông sản như đậu tương, ngô và lúa mì. Thậm chí các số liệu trong báo cáo Triển vọng gieo trồng có thể sẽ tạo ra 1 xu hướng lớn, kéo dài trên thị trường nông sản.
Theo MXV, các nhà đầu tư cần đặc biệt theo sát các thông tin trước, trong và sau báo cáo để nâng cao hiệu quả trong hoạt động giao dịch.
Cà phê Robusta tăng mạnh 6%
Kết thúc tuần giao dịch 20/03-26/03, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa giữa 2 sắc xanh và đỏ. Trong đó, hai mặt hàng cà phê đồng loạt đón nhận lực mua rất tích cực.
Arabica hợp đồng tháng 5 khởi sắc sau 3 tuần giảm liên tiếp với mức tăng 1,50%, tuy vậy diễn biến trong tuần khá biến động do tác động từ việc nguồn cung chưa chắc chắn tại Brazil. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York giảm liên tiếp 5 phiên với 28.475 bao, về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2022, trong khi hoạt động xuất khẩu tại Brazil đang dần hồi phục nhưng chưa thực sự ổn định với tổng lượng hàng đẩy đi trong 24 ngày đầu tháng 03/2023 đạt 2,22 triệu bao, tăng mạnh so với mức 1,78 triệu bao của cùng kỳ tháng trước nhưng vẫn kém xa mức 3,31 triệu bao của tháng 03/2022.
Chính điều này đã hỗ trợ giá Arabica hồi phục nhẹ trong tuần qua. Bên cạnh đấy, Ngân hàng Trung ương Brazil quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao, ở mức 13,75% và lạm phát trên cơ sở hàng tháng ở mức 0,69%, cao hơn so với mức 0,65% dự kiến, củng cố lập trường "diều hâu". Điều này khiến đồng Real bật tăng mạnh, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm sâu phiên cuối tuần, từ đó hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân nước này và góp phần thúc đẩy đà tăng cho giá Arabica.
Trong khi đó, cà phê Robusta hợp đồng tháng 05 bật tăng mạnh hơn 6% sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó khi thị trường lo ngại nông dân vẫn chưa thực sự đẩy mạnh việc bán hàng
Đường thô hợp đồng tháng 05 ghi nhận một tuần giao dịch khá phân hóa, đóng cửa giá tăng nhẹ 0,73%. Sự trái chiều về nguồn cung tại các quốc gia cung ứng hàng đầu là nguyên nhân chính tạo nên thế trận giằng co trong tuần qua.
Ở chiều ngược lại, bất chấp nhu cầu nhập khẩu bông đã hồi phục trong thời gian gần đây, giá mặt hàng này vẫn giảm 1,66%, khiến bông hợp đồng tháng 05 mang sắc đỏ trong 4 tuần liên tiếp.
Theo báo cáo bán hàng bông của Mỹ tính đến ngày 16/3, đã có 310.200 kiện bông được bán trong tuần với nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh từ các nước nhập khẩu chính như Việt Nam, Trung Quốc. Điều này cho thấy dấu hiệu về sự phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ và theo lẽ thường sẽ là nhân tố thúc đẩy giá bông khởi sắc.
Dầu cọ thô ghi nhận một tuần lao dốc với mức giảm tới 10,41% so với mức tham chiếu. Bất chấp việc xuất khẩu vẫn tăng mạnh và tồn kho ở mức thấp, giá dầu cọ thô trong tuần qua chịu áp lực từ sự suy yếu từ các loại dầu khác như dầu đậu tương và dầu hướng dương.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)