In bài viết

Thị trường năng lượng ‘rực đỏ’ kéo chỉ số MXV-Index quay đầu suy yếu

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày 8/10.

09/10/2024 09:04
Thị trường năng lượng ‘rực đỏ’ kéo chỉ số MXV-Index quay đầu suy yếu- Ảnh 1.

Đáng chú ý, sau nhiều phiên liên tiếp tăng giá, lực bán mạnh đã quay trở lại thị trường dầu thô khiến giá cả hai mặt hàng quay đầu lao dốc. Diễn biến cùng chiều, trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương cũng suy yếu trong bối cảnh hoạt động thu hoạch tại Mỹ đang đẩy mạnh cùng triển vọng thời tiết thuận lợi cho mùa vụ mới ở Brazil. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index đánh mất 2,24% xuống 2.209 điểm.

Giá dầu thế giới lao dốc sau khi EIA hạ dự báo về thâm hụt nguồn cung

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, thị trường năng lượng chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giá dầu thế giới quay đầu giảm mạnh xóa sạch mức tăng thiết lập đầu tuần trước sau khi Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hạ dự báo về tình trạng thâm hụt nguồn cung. Kết thúc phiên, giá dầu WTI và Brent cùng giảm 4,63%, lần lượt xuống còn 73,57 USD/thùng và 77,18 USD/thùng.

Thị trường năng lượng ‘rực đỏ’ kéo chỉ số MXV-Index quay đầu suy yếu- Ảnh 2.

Bất chấp những lo ngại về rủi ro địa chính trị tại Trung Đông, EIA khẳng định dòng chảy dầu thô tại khu vực vẫn chưa và có thể sẽ không bị ảnh hưởng trong tương lai gần. Trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 10, EIA nâng dự báo sản lượng dầu toàn cầu thêm 300.000 thùng/ngày so với báo cáo trước, lên mức 102,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu năm 2024 được giữ nguyên ở mức 1,1 triệu thùng/ngày, với tổng nhu cầu ước tính đạt 103,1 triệu thùng/ngày, trước khi giảm xuống 104,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025.

Mặc dù EIA vẫn dự báo thị trường sẽ thâm hụt khoảng 600.000 thùng/ngày trong năm 2024, mức thâm hụt này đã giảm đáng kể so với dự báo trước đó. Đồng thời, cơ quan này cho rằng cán cân cung - cầu sẽ trở lại trạng thái tương đối cân bằng vào năm sau. Theo đó, EIA hạ dự báo giá dầu Brent trong năm nay và năm sau xuống lần lượt 80,89 USD/thùng và 77,59 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 84,09 USD/thùng dự báo trong tháng 9.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Nga tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7, với trung bình 4 tuần đạt 3,32 triệu thùng/ngày tính đến ngày 6/10, tăng 60.000 thùng/ngày. Theo Bloomberg, nguồn cung xuất khẩu dồi dào của Nga đến từ việc các nhà máy lọc dầu bước vào giai đoạn bảo trì theo mùa.

Thêm vào đó, phát biểu của Naim Qassem, Phó lãnh đạo Hezbollah, cũng tác động tiêu cực lên thị trường. Ông Naim Qassem bất ngờ ủng hộ nỗ lực của Chủ tịch Quốc hội Lebanon, đồng minh của Hezbollah, trong việc đạt được thỏa thuận ngừng giao tranh tại quốc gia này mà không đề cập đến điều kiện ngừng bắn ở Gaza. Điều này có thể báo hiệu một bước tiến trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng của thế giới.

Thị trường năng lượng ‘rực đỏ’ kéo chỉ số MXV-Index quay đầu suy yếu- Ảnh 3.

Giá nông sản lao dốc trước áp lực thu hoạch tại Mỹ và Brazil

Phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường nông sản chứng kiến giá ngô và đậu tương sụt giảm. Giá ngô kỳ hạn tháng 12 quay đầu giảm mạnh hơn 1% về mức 165,64 USD/tấn, trong khi đậu tương kéo dài chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp với mức giảm hơn 1,72% về mức 373,41 USD/tấn.

Nguyên nhân chính khiến giá ngô lao dốc là do hoạt động thu hoạch tại Mỹ đang đẩy mạnh, cùng với triển vọng thời tiết thuận lợi cho mùa vụ mới ở Brazil.

Tương tự, thị trường đậu tương cũng hứng chịu áp lực từ đà thu hoạch nhanh chóng tại Mỹ. USDA ghi nhận 47% diện tích đậu tương trên cả nước đã được thu hoạch, tăng vọt so với mức 26% của tuần trước, và cao hơn nhiều so với trung bình 34% của 5 năm gần đây. Sự gia tăng của nguồn cung sẽ là yếu tố then chốt định hình xu hướng giá đậu tương trong ngắn hạn.

Với tốc độ thu hoạch như hiện tại cùng triển vọng nguồn cung tại các nước xuất khẩu lớn đều rất khả quan, giá ngô và đậu tương nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp khó trong những phiên tới. Tuy nhiên, các yếu tố như nhu cầu tiêu thụ, tình hình xuất khẩu và biến động tỷ giá vẫn cần được theo dõi chặt chẽ, do có thể tạo nên những điểm xoay chuyển bất ngờ trên thị trường.