Tính đến giữa năm 2025, thị trường tài sản mã hóa toàn cầu đã vượt mốc 2.000 tỷ USD
Đây không chỉ là một chỉ đạo hành chính, mà là một thông điệp chính trị mạnh mẽ về quyết tâm cải cách thể chế và chủ động đón đầu tương lai.
Tài sản mã hóa – hình thái sở hữu của kỷ nguyên số
Khi thế giới bước vào kỷ nguyên của blockchain, Web3 (Web3 là internet phi tập trung, do người dùng làm chủ) và trí tuệ nhân tạo, khái niệm tài sản cũng đang được tái định nghĩa. Không gian số đang sản sinh ra một hình thức sở hữu hoàn toàn mới: tài sản mã hóa – các dòng mã lệnh có thể ghi nhận, xác thực và giao dịch trên nền tảng phi tập trung. Đây không còn là xu hướng, mà đang trở thành nền tảng vận hành của kinh tế số toàn cầu.
Tài sản mã hóa gồm nhiều hình thức khác nhau, nhưng phổ biến nhất là năm loại: tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum – hoạt động như vàng số hoặc phương tiện thanh toán xuyên biên giới; các loại token (Token là đơn vị tài sản số được tạo ra trên nền tảng blockchain, đại diện cho một giá trị, quyền lợi hoặc tài sản nào đó) gồm token tiện ích – như phiếu sử dụng dịch vụ kỹ thuật số; token chứng khoán – đại diện cho quyền sở hữu tài chính như cổ phần, trái phiếu; token gắn với tài sản thật – như bất động sản, vàng, tín chỉ carbon; và NFT (Non-Fungible Token) – tài sản số độc nhất đại diện cho sở hữu tác phẩm nghệ thuật, bản quyền, hay vật phẩm trong không gian số.
Tính đến giữa năm 2025, thị trường tài sản mã hóa toàn cầu đã vượt mốc 2.000 tỷ USD. Nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc, châu Âu... đang thí điểm phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC), thể hiện quyết tâm kiểm soát dòng giá trị mới trong không gian số.
Không có tài sản mã hóa, kinh tế số sẽ thiếu một hạ tầng cốt lõi để xác lập quyền sở hữu, phân phối tài sản và giao dịch giá trị một cách minh bạch, tức thời và xuyên biên giới. Nếu chỉ chuyển đổi số trong quản lý mà không số hóa hình thức sở hữu và vận hành tài sản, thì chúng ta vẫn chỉ đứng bên rìa của nền kinh tế số thực sự.
Đặc biệt với Việt Nam – một quốc gia đông dân, có nền tảng công nghệ đang phát triển và cộng đồng startup năng động – chậm trễ trong xây dựng thể chế cho tài sản mã hóa sẽ đồng nghĩa với việc bỏ lỡ hàng loạt mô hình kinh tế đang làm thay đổi trật tự toàn cầu.
Chẳng hạn, token chứng khoán đang giúp startup gọi vốn trực tiếp từ cộng đồng toàn cầu, không cần niêm yết lên sàn truyền thống. Singapore và Thụy Sĩ đã áp dụng cơ chế sandbox để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn lực tài chính mới một cách minh bạch và hợp pháp. Nếu Việt Nam kịp thời mở cửa, các startup trong nước hoàn toàn có thể huy động hàng triệu USD từ nhà đầu tư toàn cầu mà không phụ thuộc vào ngân hàng.
Bất động sản cũng đang được số hóa thông qua token. Ở Mỹ, UAE hay Đức, nhà đầu tư cá nhân có thể mua một phần căn hộ chỉ với vài trăm USD nhờ công nghệ chia nhỏ giá trị tài sản thành token. Với thị trường bất động sản Việt Nam còn thiếu minh bạch và thanh khoản yếu, token hóa tài sản sẽ mở rộng cơ hội sở hữu, giảm chi phí giao dịch và tạo động lực mạnh mẽ cho số hóa đất đai.
Thị trường tín chỉ carbon – một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược đạt Net Zero – cũng có thể được minh bạch hóa nhờ blockchain. Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang thí điểm token hóa tín chỉ carbon để giao dịch minh bạch, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường toàn cầu. Nếu Việt Nam không triển khai công nghệ này, sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước sẽ khó cạnh tranh, khó kiểm soát và kém hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.
DeFi (tài chính phi tập trung) đang giúp người dân ở những vùng xa, không tiếp cận được ngân hàng, có thể vay vốn, gửi tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm qua điện thoại di động
Ở góc độ tài chính toàn diện, DeFi (tài chính phi tập trung) đang giúp người dân ở những vùng xa, không tiếp cận được ngân hàng, có thể vay vốn, gửi tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm qua điện thoại di động. Ở châu Phi, hơn 30% dân số đã tiếp cận tài chính nhờ DeFi. Việt Nam, với khoảng 30% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, hoàn toàn có thể tận dụng tài sản mã hóa để mở rộng dịch vụ tài chính đến mọi người dân, nếu được triển khai hợp lý và có kiểm soát.
Ngay cả văn hóa và nghệ thuật cũng đang bước vào thời đại tài sản số. Với NFT, các nghệ sĩ Việt có thể bán tranh, nhạc, video trên thị trường toàn cầu với quyền sở hữu được xác lập rõ ràng và không thể sao chép. Đây là cách để bảo vệ sở hữu trí tuệ, nâng cao thu nhập cho giới sáng tạo và đưa văn hóa Việt lan tỏa toàn cầu.
Và quan trọng không kém, tài sản công như đất đai, rừng, hạ tầng... hoàn toàn có thể được mã hóa để quản lý minh bạch, chia nhỏ quyền sử dụng, đấu giá tự động và huy động vốn xã hội hóa. Estonia, Dubai, Hàn Quốc đã đi đầu trong việc này. Nếu chậm chân, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nghẽn trong thu hút đầu tư, thất thoát tài sản công và lãng phí nguồn lực quốc gia.
Tài sản mã hóa là nền tảng không thể thiếu để vận hành kinh tế số. Nó giúp xác lập quyền sở hữu minh bạch, cho phép phân phối giá trị công bằng, và mở ra kỷ nguyên tài sản thông minh. Nếu không có nó, kinh tế số chỉ là vỏ rỗng. Và nếu chậm trễ, Việt Nam không chỉ đánh mất cơ hội phát triển, mà còn bỏ lỡ khả năng xác lập chủ quyền trong một thế giới đang chuyển dần sang không gian số.
Thí điểm là cần thiết để đi đến đúng đích
Triển khai thí điểm sẽ giúp Nhà nước nhận diện chính xác rủi ro trên nền dữ liệu thực tế, thay vì dựa vào giả định
Trong bối cảnh thế giới đang điều chỉnh thể chế để quản lý tài sản mã hóa một cách chủ động và hiệu quả, việc Việt Nam lựa chọn tiếp cận bằng hình thức "thí điểm có kiểm soát" là một bước đi đúng đắn và khôn ngoan. Thí điểm chính là cây cầu trung gian giữa khoảng trống pháp lý và khát vọng đổi mới sáng tạo. Đó là cách quản trị linh hoạt, dựa trên thực tiễn, vừa quan sát, vừa điều chỉnh, vừa hoàn thiện thể chế từng bước. Quan trọng hơn, nếu không thí điểm, chúng ta đang để hàng triệu người Việt tham gia thị trường tài sản mã hóa mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào từ pháp luật quốc gia.
Theo khảo sát của Statista (Statista là một nền tảng thông tin và dữ liệu thị trường toàn cầu) năm 2023, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ dân số sở hữu tiền mã hóa, với khoảng 20,5% người trưởng thành từng giao dịch tài sản dạng này. Báo cáo từ Chainalysis, một công ty hàng đầu về phân tích blockchain, cũng nhiều lần xếp Việt Nam vào nhóm dẫn đầu toàn cầu về mức độ phổ cập crypto, đặc biệt trong các hoạt động đầu tư nhỏ lẻ, giao dịch ngang hàng (P2P) và tài chính phi tập trung (DeFi).
Nếu coi tài sản mã hóa là một dòng tài sản đã hiện hữu và có quy mô hàng tỷ USD, thì việc chậm thiết lập cơ chế thí điểm không chỉ khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội phát triển, mà còn đồng nghĩa với buông bỏ trách nhiệm bảo vệ công dân số. Ngược lại, triển khai thí điểm sẽ giúp Nhà nước nhận diện chính xác rủi ro trên nền dữ liệu thực tế, thay vì dựa vào giả định. Đây cũng là cơ hội để xác lập các tiêu chuẩn pháp lý và kỹ thuật rõ ràng cho từng loại token – đâu là tài sản tài chính, đâu là tiện ích, đâu là đầu cơ trá hình. Trên cơ sở đó, cơ chế giám sát giao dịch, phòng chống rửa tiền, kê khai và thu thuế cũng sẽ được xây dựng vững chắc hơn, đồng thời góp phần củng cố niềm tin thị trường và tạo nền móng cho các doanh nghiệp Việt bước vào lĩnh vực tài sản số một cách chính danh, minh bạch và có quy chuẩn.
Thực tiễn quốc tế cho thấy, không một quốc gia nào bắt đầu quản lý tài sản mã hóa bằng một bộ luật hoàn chỉnh. Singapore, Thụy Sĩ, Nhật Bản, UAE… đều bắt đầu bằng sandbox pháp lý và các chương trình thí điểm. Họ coi thí điểm là phòng thí nghiệm thể chế, nơi công nghệ và luật pháp có thể tương tác linh hoạt mà không làm đảo lộn trật tự chung. Việt Nam, với việc Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết thí điểm cũng đang đi theo con đường đó – con đường của những quốc gia biết tiến chậm mà chắc, biết quản lý để dẫn dắt thay vì cấm đoán để tụt lại phía sau.
Thí điểm, nếu được triển khai nghiêm túc và có chiến lược, sẽ là bước chuyển quan trọng từ quản lý bị động sang chủ động, từ phản ứng sang kiến tạo. Đó là một cách đi giữa, mềm dẻo nhưng dứt khoát – không vội vàng hợp pháp hóa tất cả, nhưng cũng không quay lưng với xu thế không thể đảo ngược. Trong một thế giới nơi dòng vốn, tài sản và quyền sở hữu đang dịch chuyển mạnh mẽ sang không gian số, thì chậm ra quyết định không còn là thận trọng, mà là rủi ro.
Một phần cấu thành của chủ quyền số
Trong thế kỷ XXI, chủ quyền quốc gia không còn chỉ nằm ở biên giới địa lý, mà ngày càng được xác lập trong không gian số: ai làm chủ dữ liệu, công nghệ, tài sản và dòng tiền số – người đó nắm quyền kiểm soát thực chất đối với tương lai phát triển. Trong bối cảnh đó, thị trường tài sản mã hóa chính là một phần cấu thành thiết yếu của chủ quyền số quốc gia – nơi thể hiện năng lực của Nhà nước trong việc xác lập quyền sở hữu, quản lý luồng giá trị và kiểm soát các hạ tầng tài chính mới.
Nếu chúng ta không chủ động định hình và quản trị thị trường tài sản mã hóa, thì chính không gian đó sẽ bị các thế lực xuyên quốc gia chiếm lĩnh. Khi đó, người dân Việt Nam sử dụng sàn giao dịch nước ngoài, đầu tư vào token phát hành bởi công ty ngoại, lưu trữ tài sản trong ví kỹ thuật số đặt máy chủ tại nước khác – và toàn bộ tài sản số của người Việt sẽ nằm ngoài sự điều tiết, bảo hộ và định hình của thể chế Việt Nam.
Nguy cơ không chỉ là thất thoát thuế hay mất an toàn tài chính, mà sâu xa hơn là đánh mất năng lực điều tiết thị trường trong không gian tài sản số, cũng như suy yếu vị thế của Việt Nam trong trật tự kinh tế mới.
Chính vì thế, việc Việt Nam chủ động xây dựng và thí điểm thị trường tài sản mã hóa không chỉ là một chính sách phát triển kinh tế – đó còn là một hành động kiến tạo chủ quyền số có tính chiến lược.
Một số khuyến nghị
Cần thiết lập cơ chế liên ngành để phối hợp và chia sẻ dữ liệu trong quá trình thí điểm
Tuy nhiên, để Nghị quyết thật sự hiệu quả, phù hợp với cả yêu cầu hội nhập và đặc thù thể chế trong nước, cần cân nhắc một số khuyến nghị thiết thực sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ phạm vi thí điểm và phân loại tài sản mã hóa ngay từ đầu. Việc phân biệt rành mạch giữa các loại token – như tiền mã hóa, token tiện ích, token chứng khoán, token gắn với tài sản thật, và NFT – sẽ giúp định hình đúng khung pháp lý, tránh nhầm lẫn và mâu thuẫn khi triển khai. Mỗi loại tài sản cần có hướng dẫn riêng về quản lý, kế toán, thuế và giám sát.
Thứ hai, lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để thí điểm có kiểm soát. Có thể tập trung vào các lĩnh vực ít nhạy cảm nhưng giàu tiềm năng như: token chứng khoán cho startup gọi vốn; token hóa bất động sản; tín chỉ carbon; hoặc NFT cho sở hữu trí tuệ. Việc giới hạn phạm vi sẽ giúp tránh rủi ro lan rộng, đồng thời tạo tiền lệ tốt cho thể chế.
Thứ ba, cần thiết lập cơ chế liên ngành để phối hợp và chia sẻ dữ liệu trong quá trình thí điểm. Thị trường tài sản mã hóa liên quan đến nhiều cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… Vì vậy, cần có cơ chế điều phối thống nhất, bảo đảm quản trị rủi ro tổng thể và liên thông dữ liệu giữa các bên.
Thứ tư, đừng bỏ qua yếu tố người dùng và công nghệ Việt. Nghị quyết nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số trong nước tham gia phát triển nền tảng, ví điện tử, hạ tầng lưu trữ, định danh số, mã hóa dữ liệu… từ đó tăng cường năng lực nội sinh và giảm lệ thuộc công nghệ nước ngoài. Đồng thời, cần có nội dung về phổ cập kiến thức cho người dân, bảo vệ người tiêu dùng số và xây dựng văn hóa pháp lý mới cho tài sản số.
Thứ năm, quy định rõ các cơ chế giám sát, kê khai và đánh thuế tài sản mã hóa trong khuôn khổ thí điểm. Chậm ban hành khung thuế không chỉ gây thất thu ngân sách, mà còn khiến thị trường phát triển thiếu bền vững. Tuy nhiên, mức thuế và cách tính cần hợp lý, có lộ trình, khuyến khích người dân chuyển tài sản mã hóa ra "ánh sáng" thay vì tiếp tục giao dịch trong vùng xám.
Thứ sáu, thiết lập các chuẩn mực kỹ thuật, bảo mật và lưu ký. Thí điểm không thể thành công nếu không bảo đảm được an toàn hệ thống, bảo vệ dữ liệu cá nhân, ví cá nhân và phòng chống đánh cắp tài sản. Những tiêu chuẩn về lưu ký token, định danh số, xác thực chủ sở hữu… cần được quy định rõ để thị trường vận hành an toàn và có thể mở rộng về sau.
Việt Nam phải đi cùng thời đại – nhưng bằng bản lĩnh riêng
Nếu kinh tế số là không gian phát triển mới của quốc gia, thì tài sản mã hóa chính là hạ tầng quyền lực mới của nền kinh tế ấy. Thiết lập và kiểm soát được thị trường tài sản mã hóa là điều kiện cần để Việt Nam giữ vững chủ quyền số, khơi thông nguồn lực đổi mới sáng tạo và bước vào kỷ nguyên tài sản thông minh bằng năng lực thể chế của chính mình.
Tài sản mã hóa là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng để biến xu thế đó thành động lực phát triển thay vì mối đe dọa, Việt Nam cần một tinh thần thể chế mới: thay vì sợ rủi ro mà cấm đoán, hãy quản trị rủi ro bằng sự hiểu biết và chủ động.
Việc Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị quyết thí điểm là lời khẳng định cho tinh thần ấy.
Thí điểm thị trường tài sản mã hóa không phải là chuyện riêng của giới công nghệ hay tài chính. Đó là một vấn đề của tương lai đất nước. Đó là phép thử về năng lực quản trị của Nhà nước, về mức độ sẵn sàng của hệ thống pháp luật và cả về bản lĩnh của một quốc gia đang bước vào cuộc chơi toàn cầu với những luật lệ hoàn toàn mới.
Chúng ta không thể đi sau để rồi bị dẫn dắt. Việt Nam cần đi trước, thí điểm để hiểu, hiểu để quản trị và quản trị để dẫn dắt.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng