Tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/5, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã thông tin về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trong 4 tháng và giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Theo ông Hải, 4 tháng đầu năm và nửa tháng 5/2023, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, do tăng trưởng chậm lại của các thị trường mà Việt Nam luôn có thế mạnh xuất khẩu (như Mỹ, EU, Anh).
Nguyên nhân là do tình hình nội tại các nước trên còn khó khăn nên đầu tư ra bên ngoài cũng chậm lại, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng giảm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 11 địa phương, trong đó có cả những địa phương đầu tàu của cả nước, như TPHCM.
Về xuất khẩu, qua 4 tháng đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%). Xuất khẩu sang Mỹ giảm 21%, Trung Quốc giảm 7,9%, EU giảm 14,1%, ASEAN giảm 1,3%, Hàn Quốc giảm 6,9%, Nhật Bản giảm 0,9%. Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD, giảm 14,1%...
"Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Ngoài sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hóa đi xuống cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm.
Những mặt hàng có mức giảm giá sâu từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước, gồm: Hạt tiêu giảm 34,3%, cao su giảm 21,2%, dầu thô giảm 15,9%, quặng và khoáng sản khác giảm 18,9%, sắt thép giảm 25,2%...
"Tính đến nửa đầu tháng 5, doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực từ điện tử, giày dép, dệt may vẫn đối mặt với thiếu đơn hàng, trong khi với các ngành hàng này, chỉ 10% sản lượng tiêu thụ nội địa, 90% phụ thuộc xuất khẩu. Khi tổng cầu sụt giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam", Thứ trưởng cho hay.
Nói về con số xuất siêu 7,55 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, xuất siêu tăng cao một mặt góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng trong tình hình hiện nay, cần đánh giá kỹ lại con số xuất siêu này. Nếu xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm do thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực. Ngược lại, trong một số trường hợp, nhập siêu chưa chắc đã không tốt. Do vậy, cần đánh giá lại kỹ hơn, để có các giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, dù xuất khẩu đi xuống, song thị trường trong nước đã phát huy vai trò trụ đỡ, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%). Nếu so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.
Dự báo thời gian tới, dù tình hình thế giới vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, nhiều nước đang có xu hướng dựng lên các rào cản để ngăn sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu, cùng đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng cạnh tranh của hàng hóa tại nhiều thị trường... song trước những kết quả tháng 4 đã có sự phục hồi tốt hơn so với 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu, đầu tư công ở trong nước đã dần phát huy tác dụng, tạo đà cho việc phục hồi sản xuất-kinh doanh cũng như tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng cho hay, cơ quan này sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường ngoài nước, xuất khẩu, đổi mới xúc tiến thương mại, hướng tới các thị trường tiềm năng và thị trường ít tác động như ASEAN, quyết liệt tiến vào các thị trường mới nổi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng giữa các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức xúc tiến thương mại nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung các giải pháp phát triển thị trường nội địa như trụ đỡ khi xuất khẩu gặp khó khăn, triển khai kịp thời các chương trình kích cầu, phát triển mạnh thương mại điện tử và hạ tầng thương mại vùng sâu, cùng xa, khu vực miền núi, hải đảo.
Phan Trang