Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm EPWG diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, trong đó thiên tai đang là hiểm họa đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đang gia tăng về tần suất và cường độ, gây ra tổn thất ngày càng lớn về người và tài sản.
Sau Diễn đàn quan chức cấp cao về thiên tai trong khuôn khổ APEC 2015 tại Philippines, thuật ngữ “New Normal - Bình thường mới” cũng đã được phổ biến và sử dụng để nhấn mạnh sự gia tăng về cường độ và tần suất xuất hiện của thiên tai tại Việt Nam nói riêng và cộng đồng các nền kinh tế APEC nói chung.
Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thiệt hại trung bình mỗi năm là trên 300 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại vật chất lên đến hàng tỷ đô la Mỹ.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thiên tai tại Việt Nam đang ngày càng ảnh hưởng khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng. Năm 2016, Việt Nam phải hứng chịu tình trạng hạn hán, lũ lụt, bão… gây thiệt hại nặng nề cho đất liền; sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn…
Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của toàn dân và chính quyền các cấp, Việt Nam đã từng bước chủ động, triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhất là hoàn thiện, bổ sung hệ thống luật pháp, chính sách về phòng, chống thiên tai.
Theo thống kê, thiệt hại về người và tài sản trong 5 năm 2011-2015 đã giảm đáng kể, số người chết và mất tích giảm 53%, thiệt hại vật chất giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang điều chỉnh Chiến lược quốc gia về Phòng, chống thiên tai giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2030, trong đó định hướng nhiều vấn đề nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, giảm thiểu tác hại của thiên tai, hỗ trợ người dân thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, đại diện Việt Nam kiến nghị Nhóm EPWG cần ưu tiên tăng cường thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác ứng phó khẩn cấp liên vùng đối với hiện tượng thiên tai "Bình thường mới - New Normal Natural Disaster" tại các nền kinh tế APEC.
Nhóm EPWG tập trung vào thúc đẩy đổi mới ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm tăng cường khả năng chống chịu thiên tai cho các nền kinh tế APEC. Ngoài các nội dung chia sẻ thông tin về thiên tai trong khu vực, năm 2017, Nhóm dự kiến sẽ thảo luận để đóng góp các khuyến nghị vào Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời dự kiến xây dựng sáng kiến chung về “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai “Bình thường mới” thông qua thúc đấy đổi mới khoa học-công nghệ trong phòng, chống thiên tai trình lãnh đạo các nền kinh tế năm 2017.
Cùng ngày, tại cuộc họp của Nhóm chuyên gia về Chống khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan, các đại biểu tiếp tục trao đổi nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác APEC trên các lĩnh vực di chuyển của người lao động, tăng cường sự tham gia của người dân vào chống tham nhũng, bảo đảm thương mại hợp pháp của các sản phẩm gỗ… và đã thống nhất các ưu tiên hợp tác của các nhóm trong năm 2017.
Trong ngày 19/2, có hoạt động của 10 nhóm công tác và tiểu ban APEC trên các lĩnh vực Ứng phó với tình trạng khẩn cấp (EPWG), Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), Chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG), Nhóm chuyên gia về chống khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan (EGILAT), Nhóm chuyên gia về sở hữu trí tuệ (IPEG), Di chuyển doanh nhân (BMG), Đối thoại hóa chất (CD), Diễn đàn khoa học đời sống và đổi mới (LSIF), Đối tác chính sách về khoa học, công nghệ và sáng tạo (PPSTI) và Tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC).
Sau 2 ngày làm việc, cuộc họp của các Nhóm đã thống nhất nội dung then chốt để chuẩn bị Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào tháng 8/2017; xây dựng chiến lược đáp ứng nhu cầu sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm nâng cao năng lực chống chịu thiên tai, tăng cường hợp tác giữa nhà sản xuất và chính phủ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng an toàn hoá chất, tạo dựng môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết của khu vực. Riêng Nhóm Di chuyển doanh nhân đã dành thời gian cho trao đổi song phương giữa các thành viên.
Cũng trong ngày 19/2, các hoạt động của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) đã được khởi động; Ủy ban chỉ đạo về hài hòa hóa quy định thủ tục của Diễn đàn khoa học đời sống và đổi mới (LSIF) cũng bắt đầu ngày làm việc đầu tiên.
Hồng Phong