Ngày 5/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội) tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển hệ sinh thái Halal: Chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trên thế giới và Việt Nam”.
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, chủ đề nghiên cứu về Halal là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, nhằm triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, tiềm năng thị trường Halal rất rộng với dân số dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và quy mô dự báo sẽ đạt mức tối đa 3 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Chính vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ, tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về các cơ hội đối với Việt Nam trong việc khai mở xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư và du khách Hồi giáo, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và các quốc gia khác trên thế giới; đánh giá khả năng tiếp cận thị trường Halal trên bình diện toàn cầu bảo đảm hiệu quả, bền vững.
Tại Hội thảo, chia sẻ những nghiên cứu về phát triển hệ sinh thái Halal trên thế giới, PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi cho biết, tại Thái Lan, người Hồi giáo chiếm từ 8-12%, được mệnh danh là "công xưởng gia công sản phẩm Halal".
Thái Lan đã xây dựng Hệ sinh thái ngành công nghiệp thực phẩm Halal, du lịch Hồi giáo phát triển. Đến tháng 4/2023, Thái Lan có 160.000 sản phẩm, 33.000 thương hiệu và 14.000 công ty được nhận chứng chỉ Halal.
Hay tại Australia, người Hồi giáo chỉ chiếm 2,4% nhưng thị trường phát triển ngành Halal nhanh nhất thế giới, với mức tiêu thụ trung bình đạt hơn 13 tỷ đô la Úc mỗi năm phục vụ cho hơn 500.000 người Hồi giáo trong nước và quốc tế.
Với khẩu hiệu về tính toàn vẹn của Halal "Từ trang trại đến bàn ăn", quốc gia này dẫn đầu thế giới về hệ sinh thái chế biến, sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt Halal (thịt bò và thịt cừu cung cấp cho hơn 100 quốc gia trên thế giới).
Tại Australia, khách hàng phi Hồi giáo trong nước và quốc tế tiêu dùng sản phẩm Halal do đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, khách du lịch Hồi giáo cũng ngày càng tăng đến Australia.
Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành Halal khi có vị trí địa lý gần thị trường Halal, 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á. Nguyên liệu thuỷ sản, rau quả, trái cây, gạo, cà phê, trà, hồ tiêu, gia vị, cao su, điều... là các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam
Bên cạnh đó, 17 FTA "thế hệ mới", chất lượng cao với các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...), đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp cận thị trường Halal thế giới.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay không có nhiều người Việt Nam kể cả doanh nghiệp có hiểu biết về Halal. Quá trình chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa được hài hòa với quốc tế.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao khi đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal (chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản...) và tuân theo các tiêu chuẩn Halal.
Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu vắng một hệ sinh thái Halal đầy đủ (gồm hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, hạ tầng cơ sở và hỗ trợ của Nhà nước) để phát triển ngành Halal bền vững.
Đề xuất một số giải pháp phát triển hệ sinh thái Halal ở Việt Nam, PGS.TS Đinh Công Hoàng cho rằng, trước hết Việt Nam cần triển khai hiệu quả Đề án quốc gia “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, Chính phủ, địa phương tại Việt Nam về tiềm năng của thị trường Halal.
Đồng thời, đẩy mạnh “ngoại giao kinh tế” với các nước Hồi giáo, nghiên cứu ký kết FTA giữa Việt Nam và các thị trường Halal tiềm năng, tận dụng lợi thế từ các hiệp định khu vực…
Ngoài ra, Việt Nam cần thành lập Cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam (HALCERT) và triển khai các hoạt động tiêu chuẩn hóa, thử nghiệm, cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp và chuyên gia, ký kết các hiệp định công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau với các quốc gia Hồi giáo (Arab Saudi, Malaysia, Indonesia, Pakistan...).
Thiết lập chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và hệ sinh thái Halal, thu hút cả FDI và đầu tư Halal trong nước, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu Halal trong các lĩnh vực ưu tiên (thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, du lịch, may mặc, giày dép...); thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu sang thị trường Halal.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam có năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu chỉ khoảng 20 sản phẩm Halal, chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal...
Với những cơ hội và thách thức hiện nay, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương đề xuất 2 nhóm giải pháp.
Đối với phía Nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý thúc đẩy phát triển các sản phẩm Halal. Đồng thời quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Halal ở các tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu, tích hợp mọi dịch vụ liên quan đến sản xuất, đóng gói, lưu kho, marketing, thẩm định, cấp chứng chỉ, chuẩn hóa và lưu thông, thương mại hóa sản phẩm Halal.
Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách giúp ngành công nghiệp Halal Việt Nam đủ nội lực về tài chính, công nghệ và sức cạnh tranh về mẫu mã sản phẩm. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, hệ thống giám sát chặt chẽ, hiệu quả đối với các sản phẩm Halal...
Việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp Halal cần được thiết kế dựa trên các nền tảng công nghệ cao như: Blockchain, thương mại điện tử, tự động hóa để quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối với khả năng truy xuất cao để sớm tiếp cận thị trường Halal toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn và chứng nhận Halal; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp; tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm Halal; nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ Halal và chấp nhận/thừa nhận kết quả chứng nhận của các tổ chức chứng nhận nước ngoài...
Hoàng Giang