Phản hồi về kiến nghị đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 4H đoạn qua tỉnh Lai Châu, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 4H có tổng chiều dài khoảng 400km, đoạn qua tỉnh Lai Châu có chiều dài khoảng 170km, quy mô đường cấp 4 với 2 làn xe.
Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của tỉnh Lai Châu về sự cần thiết đầu tư Quốc lộ 4H đoạn qua tỉnh Lai Châu, tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận do khó khăn về nguồn lực nên Bộ chưa thể bố trí vốn để đầu tư đoạn tuyến trong giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, Bộ GTVT đang thực hiện đầu tư dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, dự kiến hoàn thành năm 2025; chuẩn bị đầu tư công trình hầm Khau Co và cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 4D và Quốc lộ 12 kết nối thành phố Lai Châu đến cửa khẩu Ma Lù Thàng để tìm kiếm, huy động nguồn vốn để đầu tư vào thời điểm thích hợp.
Tương tự, với Quốc lộ 34 và Quốc lộ 280 đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Giang, Bộ GTVT thông tin: Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 34 có tổng chiều dài 265km, đoạn qua tỉnh Hà Giang dài khoảng 72km, quy mô đường cấp 4, có 2-4 làn xe; Quốc lộ 280 có tổng chiều dài 173km, đoạn qua tỉnh Hà Giang dài khoảng 28km, quy mô đường cấp 4 và 2 làn xe. Các tuyến quốc lộ nêu trên nhằm kết nối tỉnh Hà Giang với Cao Bằng và Tuyên Quang để đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ và quy hoạch các tỉnh.
"Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên Bộ GTVT chưa thể bố trí vốn để đầu tư các tuyến quốc lộ trong giai đoạn 2021-2025", lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc nối đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai với Hà Giang; đã hoàn thành đưa vào khai thác Quốc lộ 279 đoạn Việt Vinh-Nghĩa Đô.
Với kiến nghị cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 48D đoạn qua tỉnh Nghệ An từ cảng Đông Hồi đến huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An dài 166km, quy mô cấp 3-4, với 2-4 làn xe, Bộ GTVT cũng trả lời "do khó khăn về nguồn lực nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư Quốc lộ 48D trong giai đoạn 2021-2025".
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường này, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam triển khai sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông... trong các năm 2022-2023 với kinh phí khoảng 160 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 50 tỷ đồng để tiếp tục duy tu, sửa chữa, bảo đảm khai thác an toàn và tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.
Bộ GTVT cũng khẳng định: Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trước mắt, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa các tuyến quốc lộ nêu trên để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Đồng thời, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2026-2030, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, nguyên tắc bố trí vốn theo quy định, Bộ GTVT sẽ xem xét để sớm đầu tư các quốc lộ này.
PT