![]() |
CSGT trực tiếp kiểm tra và giải thích cho các phương tiện không đủ điều kiện và yêu cầu quay đầu tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng (Hà Nội). Ảnh: Nam Khánh |
Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm.
Văn bản nêu rõ việc yêu cầu các địa phương không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng các phương tiện "chôn chân" hàng giờ đồng hồ để qua chốt kiểm dịch trên các tuyến đường vào các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng dù có thẻ ưu tiên “luồng xanh" và giấy xét nghiệm COVID-19 vẫn diễn ra.
Thời hạn giấy xét nghiệm: Mỗi nơi một kiểu
Tại Hải Phòng, trong 3 ngày (18-20/7) vừa qua, 3 cửa ngõ đi vào Thành phố bị ùn tắc nhiều giờ đồng hồ bởi quy định áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe, trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin.
Hay tại các cửa ngõ vào Hà Nội, từ khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 24/7), toàn bộ QL1B hướng về Thủ đô ken kín phương tiện chờ duyệt qua chốt kiểm dịch, nhiều lái xe phải xếp hàng chờ từ 4h sáng đến 12h trưa vẫn chưa qua được chốt. Ô tô vận tải hàng hóa nối đuôi nhau kéo dài khoảng 3-4 km.
Nhiều phương tiện từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh... không đủ điều kiện di chuyển đến/qua Hà Nội nhưng không di chuyển vào QL18 theo hướng dẫn mà vẫn cố tình vào QL1B, trong khi tuyến QL1B chỉ có điểm quay đầu ngay tại chốt kiểm dịch. Đáng nói, trong dòng xe ùn tắc có nhiều phương tiện mặc dù đã có thẻ nhận diện "luồng xanh" nhưng vẫn phải "chôn chân" vì không có đường ưu tiên di chuyển...
Ở khu vực phía nam, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có hàng trăm chốt kiểm soát, kiểm dịch liên tỉnh tại các cửa ngõ ra vào các địa phương. Tuy nhiên, vướng mắc nhiều nhất trong lưu thông vận tải tại đây là yêu cầu về giấy xét nghiệm y tế âm tính với COVID-19 có thời hạn khác nhau, chưa thống nhất. Đơn cử, Bình Dương, TPHCM quy định 3 ngày; Long An quy định 5 ngày và Đồng Nai quy định 7 ngày... Việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên (test nhanh) và PCR cũng chưa thống nhất gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hóa.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ đình trệ cho vận tải hàng hóa do COVID-19” do Báo Giao thông tổ chức ngày 26/7, ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, trong thời gian vừa qua, khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp vận tải.
"Chúng tôi đang ở trong tình trạng kiệt quệ, hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh thu suy giảm, chi phí tăng lên. Chẳng hạn một công ty có 150 lái xe, hiện hằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp", ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, ông Trần Đức Nghĩa nêu ra vấn đề "không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối, thống nhất các biện pháp phòng dịch" dẫn tới khó khăn khắp mọi nơi cho doanh nghiệp. Ví dụ như trên địa bàn Quảng Ninh, "không hiểu lý do vì sao khi vào khu vực cửa khẩu phải test COVID-19 trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải test PCR", ông Nghĩa thắc mắc.
"Tại Hải Dương khi dịch bùng phát lần thứ ba, UBND tỉnh cho đóng QL18 và 52. Trong khi đó, tại lần dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hóa QL1A và 18 bình thường. Mới đây nhất, cũng có thể thấy sự khác biệt giữa TPHCM và Hà Nội. Trong khi QL1A qua địa bàn TPHCM không bị đóng khi áp dụng Chỉ thị 16 nhưng tại Hà Nội lại đóng QL1A để phong tỏa địa bàn", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết.
Ngoài sự khác biệt khi áp dụng các quy định phòng, chống dịch COVID-19 giữa các địa phương, ông Trần Đức Nghĩa còn nêu vấn đề khác biệt trong thời hạn và cách thức xét nghiệm COVID-19 với lái xe. Chưa kể, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp.
"Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày", ông Trần Đức Nghĩa chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, quy trình vận tải hàng hóa lưu thông trên đường những ngày qua của doanh nghiệp và lái xe gặp nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát phòng dịch với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên. Nhiều xe vận chuyển rau củ quả tươi sống, với áp lực thời gian vận tải nhanh, hàng hóa nhiều khi chưa được bao gói theo đúng quy cách, chưa được kiểm soát tận gốc, do đó cũng phát sinh khó khăn...
"Vận tải hàng hóa hiện vẫn có thể hoạt động được, nhưng doanh nghiệp và lái xe cần được tạo điều kiện hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi từ địa phương vùng dịch", ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Xét nghiệm chỉ là một giải pháp phòng dịch, không phải là giải pháp duy nhất
Bộ Y tế đã có công văn khẩn hướng dẫn các địa phương test nhanh trong vòng 72 giờ nhưng một số địa phương chỉ công nhận giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ, sự không thống nhất trong áp dụng của các địa phương đang tiếp tục gây khó khăn trong công tác lưu thông hàng hóa. Với tình trạng này, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Một số địa phương đang áp dụng các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19 quá máy móc bởi, xét nghiệm chỉ là một trong số các giải pháp, không phải trên hết và con số 72 giờ cũng chỉ là tương đối".
Lý giải rõ hơn, PGS. TS. Trần Đắc Phu cho biết, xét nghiệm cho kết quả âm tính căn bản chỉ đánh giá tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, người được xét nghiệm không bị nhiễm COVID-19. Thực tế, nếu mới mắc bệnh 1-2 ngày thì virus chưa đủ mạnh nên xét nghiệm có thể chưa chính xác. Đây là rủi ro thứ nhất.
Rủi ro thứ 2, không phải xét nghiệm nào cũng đạt kết quả mỹ mãn. Ví dụ test nhanh chỉ cho kết quả khi người xét nghiệm mắc sau 2-5 ngày, còn từ ngày 6-14, xét nghiệm cho kết quả có thể chưa chuẩn xác. Còn xét nghiệm PCR cho kết quả chính xác nhưng lại mất thời gian lâu. Tuy nhiên, sau khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính, nhiều lái xe lại chủ quan, đi trên đường không bảo đảm phòng dịch, lại nhiễm lại, trở thành nguồn lây nhiễm bệnh.
"Con số 72 giờ chỉ là tương đối vì nếu người bị nhiễm nhưng chưa đủ ngày phát bệnh, xét nghiệm không ra kết quả, đến ngày thứ 3-4 là ngày virus phát ra nhiều nhất lại là lúc lái xe đang di chuyển trên đường. Như vậy, giấy xét nghiệm 24 giờ cũng không có ý nghĩa gì so với 72 giờ. Nhưng nếu công nhận giấy xét nghiệm quá dài cũng sẽ gây ra ảnh hưởng như đã nói ở trên. Do đó, con số 72 giờ chỉ là tương đối. Nhưng không thể phủ nhận, đây cũng là biện pháp sàng lọc để phát hiện được nhiều ca dương tính", PGS. TS. Trần Đắc Phu chia sẻ.
Với việc các địa phương áp dụng quy định chấp nhận giấy xét nghiệm COVID-19 khác nhau, PGS. TS. Trần Đắc Phu cho rằng, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Công Thương chấp nhận phương pháp test nhanh vì phương pháp PCR cho kết quả chính xác nhưng mất thời gian, gây ách tắc giao thông.
"Các địa phương nên thống nhất áp dụng đồng bộ kết quả xét nghiệm trong 72 giờ bởi chúng ta muốn sản xuất, muốn phát triển, muốn bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Đồng thời, ý thức phòng bệnh của lái xe là điều quan trọng nhất. Nếu lái xe nghĩ rằng xét nghiệm âm tính là xong rồi mà không tập trung phòng bệnh tiếp theo thì có xét nghiệm âm tính cũng sẽ rất nguy hiểm", PGS. TS. Trần Đắc Phu nói.
![]() |
Nhiều lái xe từ các tỉnh phía nam đã kịp thời nhận thẻ ưu tiên "luồng xanh" của đơn vị để xuất trình cho lực lượng chức năng kiểm tra. Ảnh: Nam Khánh |
Ý thức của lái xe sẽ là biện pháp phòng dịch hiệu quả
Đánh giá cao việc Bộ GTVT, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế tạo ra "luồng xanh" vận tải hàng hóa, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho rằng, bên cạnh việc các cơ quan có thẩm quyền liên tục tạo điều kiện bằng cơ chế cho lái xe, doanh nghiệp lưu thông hàng hóa thì các cơ quan cũng cần nâng cao hướng dẫn, giám sát và kiểm tra việc chấp hành của tài xế trong phòng bệnh. Bao gồm cả những việc như: Bố trí nơi ăn nghỉ, tạm dừng nếu lái xe chạy đường dài, thực hiện giải pháp khác để lái xe không tiếp xúc với những người xung quanh...
PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng gợi ý với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lái xe không thực hiện bốc xếp hàng hóa hai đầu mà chỉ ngồi trong cabin, không tiếp xúc với người khác sẽ không gây ra lây nhiễm. Hoặc, người bốc vác, xếp dỡ hàng hóa ở hai đầu bảo đảm sử dụng găng tay, bốc dỡ xong thì khử khuẩn tay, không đưa tay lên mũi miệng, cũng không tiếp xúc gần với lái xe thì cũng sẽ không gây ra lây nhiễm chéo. Có thể thực hiện phun khử khuẩn xe tại nơi nhận hàng, nơi dỡ hàng.
"Tôi rất ủng hộ khi chúng ta đã tạo được "luồng xanh", đã có công nghệ thông tin... thì không cần quy định lái xe phải có giấy xét nghiệm 72 giờ nữa. Nếu cứ yêu cầu 3 ngày phải xét nghiệm lại một lần như hiện nay thì quá tốn kém. Xét nghiệm xong mà lái xe đi lung tung bị lây nhiễm thì cũng không kiểm soát được. Hoặc lái xe vừa nhiễm bệnh xong thì xét nghiệm cũng không thể hiện được kết quả dương tính", PGS. TS. Trần Đắc Phu phân tích.
Lắng nghe những góp ý của PGS. TS. Trần Đắc Phu, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cũng cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị vận tải đã tổ chức quản lý lái xe trước và sau chuyến đi. Một số doanh nghiệp gom chung lái xe lại, thực hiện “3 tại chỗ" (trước, trong và sau vận chuyển) nhằm hạn chế lái xe tiếp xúc với người bên ngoài để phòng ngừa dịch bệnh cho lái xe cũng như để lái xe nếu có mầm bệnh không lây lan ra cộng đồng.
"Hiện nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang soạn thảo quy định tạm thời về vận tải cho các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16 cũng như phòng chống dịch bệnh. Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế với tài xế, chúng tôi cũng hướng dẫn những việc tài xế phải làm trước, trong và sau mỗi chuyến đi. Quy định tạm thời này đang được nghiên cứu gấp rút để các địa phương có hành lang pháp lý thống nhất bảo đảm vận tải thông suốt và phòng chống dịch.
"Tôi cũng xin nhắc lại, tài xế và người ngồi trên xe phải bảo đảm mọi quy định về phòng chống dịch, không phải cứ xe "luồng xanh" là không kiểm tra, không xét nghiệm, không chấp hành các quy định 5K", bà Hiền lưu ý.
Thông tin thêm về những tính năng mới của phần mềm "luồng xanh" mà Tổng cục Đường bộ đang triển khai, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, chỉ trong 4 ngày, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai xây dựng phần mềm với sự hỗ trợ không lợi nhuận của Công ty An Vui để thực hiện cấp mã QR trên toàn quốc, phần mềm vẫn đang cập nhật, hoàn thiện dần.
Hiện nay, Sở GTVT TPHCM đã thực hiện cấp mã QR trên phần mềm chung toàn quốc mà không thực hiện riêng phần mềm của TPHCM nữa để thống nhất cấp nhận diện cho xe đi "luồng xanh".
Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện cũng đã làm việc với Bộ TT&TT thống nhất việc mã hóa cấp thẻ nhận diện để đồng bộ với mã QR xét nghiệm và mã QR tiêm vaccine. Khi có mã QR của xét nghiệm/vaccine cũng như mã QR nhận diện phương tiện ưu tiên, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu các lái xe không thực hiện quy định phòng chống dịch.
Phan Trang