Xung quanh chuyên án này có nhiều “bí mật” lần đầu tiết lộ qua loạt bài “Những chuyện chưa kể về cuộc truy lùng 2 tên tử tù trốn trại” của báo Công an nhân dân.
Rạng sáng 17/9, tên tử tù Nguyễn Văn Tình đã bị lực lượng của Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Sơn La và Công an TP Hà Nội bắt giữ tại một lán trồng nương ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Trước đó, khoảng 17h30’ ngày 16/9, Lê Văn Thọ, tên tử tù cùng đào tẩu khỏi Trại giam với Nguyễn Văn Tình bị bắt ở Nam Sách, Hải Dương.
Như vậy sau 6 ngày đêm gian nan vất vả, lực lượng Công an đã bắt trọn vẹn cả 2 tên tử tù trốn trại về quy án.
Kế hoạch hoàn hảo của Ban chuyên án
Vụ 2 tử tù Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình trốn thoát khỏi trại giam giam T16 đã gây chấn động dư luận. Bởi 2 đối tượng này, đặc biệt là Thọ “sứt” là đối tượng giang hồ có số má cực kỳ nguy hiểm.
Trung tướng Trần Văn Vệ, Trưởng Ban chuyên án. Ảnh CAND |
Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã thành lập Ban chuyên án truy bắt 2 đối tượng do Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban; Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Phó Ban.
Theo tài liệu và nhận định của Ban chuyên án, sau khi trốn thoát khỏi Trại tạm giam T16, ngay chiều 11/9, hai đối tượng sẽ mỗi đứa một ngả chạy trốn.
Đối tượng Nguyễn Văn Tình với “sở trường” buôn ma túy có nhiều mối quan hệ với các trùm buôn lậu ma túy ở khu vực biên giới Sơn La giáp Lào sẽ theo đường rừng chạy trốn lên đó.
Còn đối tượng Thọ “sứt”, vốn quê Hải Dương thì lại chạy về quanh khu vực Quảng Ninh, Hải Dương, nơi có nhiều mối quan hệ.
Căn cứ vào nhận định đó, Ban chuyên án đã chia thành 2 cánh quân chính. Cánh quân thứ nhất do Cục Cảnh sát hình sự (C45) đảm nhiệm, phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh thu thập thông tin và truy bắt Lê Văn Thọ; cánh quân thứ hai do Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47) phối hợp với Công an TP Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La truy đuổi Nguyễn Văn Tình.
Trung tướng Trần Văn Vệ đang tham gia Hội nghị Aseanpol lần thứ 37 tại Singapore đã tạm dừng chuyến công tác để về nước chỉ đạo các lực lượng phá án...
Đêm 15/9, trời mưa như trút do ảnh hưởng của cơn bão số 10, Trung tướng Trần Văn Vệ trực tiếp chỉ đạo cánh quân thứ 2 vây bắt tên Nguyễn Văn Tình ở một khu vực rừng núi thuộc khu Hòa Lạc (Sơn Tây).
Hơn trăm CBCS trắng đêm hôm đó vây bắt nhưng không thành công. Sáng sớm hôm sau, Tư lệnh Cảnh sát lại lên đường đi Quảng Ninh để chỉ đạo mũi công tác bắt tên Thọ. Và khi tên Thọ bị di lý về Trại tạm giam T16, người đầu tiên đợi hắn trong phòng hỏi cung là Trung tướng Trần Văn Vệ...
Chưa bắt được đối tượng thì chưa quay về
Được lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát giao nhiệm vụ cầm đầu cánh quân truy bắt Lê Văn Thọ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục C45 khi phê duyệt Kế hoạch đánh án đã in đậm dòng chữ: “Chưa bắt được đối tượng Lê Văn Thọ, tổ công tác chưa quay về Hà Nội”.
Lực lượng tinh nhuệ của C45 đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh và Công an tỉnh Hải Dương lập các chốt chặn trên đường, lật xới từng điểm nghi vấn đối tượng sẽ đến hoặc cư trú tạm, phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến: Chưa bắt được đối tượng thì chưa quay về. Ảnh CAND |
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chỉ đạo chia cánh quân làm 2 mũi: Một mũi do Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó Phòng 5, Cục C45 phụ trách xác minh và truy lùng đối tượng ở tỉnh Quảng Ninh; mũi thứ 2 do Thiếu tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng 5, rà soát tất cả các điểm nghi vấn ở Hải Dương.
Theo hướng chạy của đối tượng, các trinh sát đã phát hiện Lê Văn Thọ liên tục bắt taxi, hắn đã ra phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), vào 3 quán karaoke liên tiếp nhưng mỗi quán chỉ ở chốc lát rồi lại đi ngay. Hắn di chuyển liên tục ra Quảng Ninh, quay về Hải Dương và ngược lại...
Chiều 16/9, các trinh sát xác định được thông tin Thọ sẽ về Nam Sách (Hải Dương) để gặp một cô bạn gái. Ngay lập tức, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến huy động mũi quân ở Quảng Ninh quay về, cùng với mũi ở Hải Dương tạo thành gọng kìm xiết chặt đối tượng.
17h30’, chiếc xe ô tô của Thiếu tá Đỗ Minh Phương cùng 3 trinh sát đã bắt kịp xe taxi chở tên Thọ “sứt” ở khu vực phố Hóp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách (Hải Dương).
Mũi Quảng Ninh chưa kịp đến nơi tiếp viện, có bắt luôn hay không? Bên trong xe, liệu đối tượng có vũ khí hay không? Bài toán ấy được giải đáp rất nhanh.
Được sự nhất trí của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Thiếu tá Phương cùng các trinh sát quyết định bắt giữ ngay đối tượng. Bởi chiếc xe taxi chở đối tượng đang chạy với tốc độ đến 90km/h trong phố, nếu không bắt giữ luôn thì rất dễ bị đối tượng cắt đuôi. Đến khu vực đèn xanh, đèn đỏ, chọn đúng thời điểm xe taxi chở Thọ “sứt” buộc phải đi chậm lại, xe ô tô của Cảnh sát lập tức ép xe taxi vào vệ đường. Thọ “sứt” đang ngơ ngác chưa biết việc gì thì đã bị Thiếu tá Phương và các trinh sát nhanh chóng khống chế, lôi ra khỏi taxi.
Đối tượng Lê Văn Thọ khi bị bắt. Ảnh CAND |
“Quán triệt chỉ đạo của Ban chuyên án khi bắt giữ các đối tượng phòng khi chúng có vũ khí nóng, chúng tôi cũng đã tính toán kỹ từng động tác, hành động để Thọ “sứt” không kịp trở tay. Vả lại, lúc đó cũng không kịp nghĩ đến sự nguy hiểm cho bản thân, chỉ nghĩ làm thế nào không thể để cho nó chạy thoát”- Thiếu tá Phương chia sẻ.
Trên đường dẫn giải đối tượng về Trại tạm giam T16 ở Hà Nội, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến hỏi Thọ “sứt”: “Mày có nhớ chú không?”. Thọ lí nhí: “có ạ”. Tên tử tù này không thể quên được, vì Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chính là người đã 3 lần chỉ đạo bắt giữ các vụ án liên quan đến hắn (lần đầu tiên trong vụ bắt cóc cháu bé ở Sơn La, lần 2 là vụ hắn gây án khi đang thụ án tại Trại giam Nam Hà và lần này).
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn chỉ huy cánh quân truy bắt Nguyễn Văn Tình. Ảnh CAND |
Sau khi được lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát giao nhiệm vụ truy bắt tên tử tù thứ hai Nguyễn Văn Tình, cánh quân thứ hai do Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy chỉ huy đã phối hợp với Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an Sơn La tổ chức lực lượng chốt chặn, rà từng vị trí đối tượng có thể chạy qua.
Ban chuyên án nhận định, đối tượng Tình sẽ di chuyển lên trốn tại Tà Dê, Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La). Đây là địa bàn "làm ăn" trước đây của Tình, có một số đối tượng đang bị truy nã về ma túy ẩn náu.
Các điểm chốt của lực lượng Công an với hơn 100 cán bộ chiến sĩ đã được lập ra theo dọc tuyến đường lên Tà Dê để chốt chặn và kiểm soát các phương tiện giao thông qua lại. Trong đó Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức 5 chốt chặn, Công an tỉnh Sơn La tổ chức 9 chốt chặn ở các khu vực trọng yếu.
Đêm 15/9, trời mưa như trút do ảnh hưởng của cơn bão số 10, Trung tướng Trần Văn Vệ trực tiếp chỉ đạo cánh quân thứ 2 vây bắt tên Nguyễn Văn Tình ở một khu vực rừng núi thuộc khu Hòa Lạc (Sơn Tây). Tuy nhiên đêm hôm đó, hơn trăm CBCS trắng đêm hôm đó vây bắt nhưng không thành công.
Tiếp đó, ngày 16/9, các trinh sát xác định đối tượng đã di chuyển lên khu vực Mai Châu (Hòa Bình), chỉ cách xã Loóng Luông không xa. Tình thế rất cấp bách, vì nếu đối tượng di chuyển được đến khu vực các đối tượng truy nã ma túy đang ở sát biên giới thì rất khó cho việc truy bắt của lực lượng chức năng. Ngay lập tức, toàn bộ cánh quân thứ 2 đã có mặt tại huyện Mai Châu.
Lực lượng chức năng bắt đối tượng Nguyễn Văn Tình. Ảnh CAND |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến 22h30’, cánh quân thứ 2 này phát hiện đối tượng Tình xuất hiện tại khu vực lán nương của một gia đình thuộc xã Pà Cò. Các lực lượng truy bắt xiết chặt dần vòng vây, đến khoảng 1h20 ngày 17/9 thì đã khống chế, bắt giữ thành công đối tượng.
Như vậy, sau 6 ngày đêm, các lực lượng của Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã bắt giữ trọn vẹn được cả 2 tên tử tù nguy hiểm trốn trại.
Ngày 17/9, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an các đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc trong truy bắt thành công 2 đối tượng tử tù trốn trại bị truy nã đặc biệt. Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm nhiệt liệt biểu dương chiến công, thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương, đặc biệt là Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm; một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục An ninh; Công an TP Hà Nội và Công an các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Dương. Đồng chí Bộ trưởng mong muốn, cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương phát huy kết quả đạt được, tiếp tục lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. |
Theo CAND