Ảnh minh hoạ |
Lần thứ nhất, bà Hằng ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/11/2009 đến ngày 1/11/2010. Lần thứ 2, ký HĐLĐ có thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/11/2010 đến ngày 1/11/2013. Lần thứ 3 ký HĐLĐ không xác định thời hạn kể từ ngày 1/11/2013.
Vì lý do theo chồng ra nước ngoài định cư, ngày 16/12/2013, bà Hằng viết đơn xin nghỉ việc, đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận cho chấm dứt HĐLĐ từ ngày 20/12/2013.
Bà Hằng có đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã trả lời bà không được hưởng trợ cấp thôi việc. Bà Hằng hỏi, Ngân hàng Phát triển Việt Nam trả lời như vậy có đúng quy định pháp luật không?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Hằng như sau:
Thời gian đóng BHTN không tính hưởng trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 41, Điều 43, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì việc tham gia, đóng BHTN được thực hiện kể từ ngày 1/1/2009. Thời gian người lao động đóng BHTN, không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức. Thời gian người sử dụng lao động đóng BHTN cho người lao động được tính để miễn trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.
Thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc
Điều 48 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định, khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này (trong đó có trường hợp thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Trường hợp bà Văn Thị Lệ Hằng đã giao kết và thực hiện 3 HĐLĐ (2 HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm và 1 HĐLĐ không xác định thời hạn) với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 1/11/2009 đến ngày 20/12/2013 thì chấm dứt HĐLĐ, thôi việc theo thỏa thuận.
Căn cứ khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 và khoản 1, khoản 3 Điều 41 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thì thời gian bà Hằng làm việc tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam từ ngày 1/11/2009 đến ngày 20/12/2013, bà Hằng đã đóng BHTN và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đóng BHTN cho bà Hằng. Cho nên thời gian làm việc đó bà Hằng không được tính hưởng trợ cấp thôi việc; Ngân hàng Phát triển Việt Nam không phải trả trợ cấp thôi việc cho bà Hằng.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật