Theo phản ánh của bà Mai Thị Thu Hằng (TP. Hà Nội), Công ty của bà quy định thời gian làm việc cụ thể cho từng bộ phận khác nhau, bộ phận sản xuất làm việc từ 20 giờ 30 đến 5 giờ 00 sáng hôm sau, trong đó nghỉ ngơi từ 23h00 đến 23h10 (không tính vào thời gian làm việc), từ 1 giờ 00 đến 2 giờ 00 (50 phút tính vào thời gian làm việc, 10 phút không tính vào thời gian làm việc), từ 4 giờ 00 đến 4 giờ 10 không tính vào thời gian làm việc.
Bà Hằng hỏi, Công ty quy định thời gian làm việc như vậy có đúng quy định không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Về thời giờ làm việc bình thường theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày. Thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Do nội dung câu hỏi bà chưa có đầy đủ thông tin nên không có cơ sở để xác định về thời giờ làm việc bình thường của Công ty đã đúng theo quy định của pháp luật chưa.
Về thời giờ nghỉ ngơi khi làm việc ban đêm: Khoản 2, Điều 108 Bộ luật Lao động quy định trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc. Khoản 3, Điều 108 Bộ luật Lao động quy định ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 2, Điều 108 nêu trên người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì thời gian nghỉ giải lao theo tính chất của công việc hoặc nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người thì phải tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương.
Để thuận lợi, đề nghị bà liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của địa phương để được hướng dẫn chi tiết và trợ giúp pháp lý.
Chinhphu.vn