Ảnh minh họa |
Quy chế này nhằm quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, cơ quan, địa phương) trong việc trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức khác thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội bao gồm: Các kiến nghị do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phân công cho các bộ, cơ quan, địa phương giải quyết, trả lời; kiến nghị do Ban Dân nguyện trực tiếp chuyển đến các bộ, cơ quan, địa phương.
Theo dự thảo, kiến nghị của cử tri thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ, cơ quan, địa phương giải quyết, trả lời thì bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết và trả lời cử tri, báo cáo kết quả giải quyết đến các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trong trường hợp này, khi nhận được kiến nghị của cử tri, trong thời hạn 15 ngày làm việc, các bộ, cơ quan, địa phương phải có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri. Kết quả giải quyết được trả lời, thông báo bằng văn bản đến cử tri và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trường hợp kiến nghị của cử tri có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều bộ, cơ quan, địa phương được giao cho một bộ, cơ quan, địa phương chủ trì xử lý, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức có liên quan giải quyết, trả lời cử tri, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị đến cơ quan, tổ chức có liên quan.
Đối với trường hợp này, trong thời hạn 20 ngày làm việc, bộ, cơ quan, địa phương được giao chủ trì phải có văn bản thông báo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dự thảo, trường hợp nội dung các kiến nghị của cử tri Văn phòng Chính phủ hoặc Ban Dân nguyện chuyển đến chưa chính xác hoặc không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết, trả lời của bộ, cơ quan, địa phương mình thì phải trao đổi, nêu rõ lý do và trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, bộ, ngành, địa phương phải chuyển lại Văn phòng Chính phủ hoặc Ban Dân nguyện để điều chỉnh, chuyển đến Bộ, cơ quan, địa phương khác giải quyết theo quy định.
Đối với trường hợp kiến nghị của cử tri có nội dung chưa rõ ràng; trùng lặp với các kiến nghị khác hoặc có nội dung đã được giải quyết, trả lời, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, bộ, ngành, địa phương phải chuyển lại Văn phòng Chính phủ hoặc Ban Dân nguyện đề nghị làm rõ nội dung hoặc thông báo bằng văn bản kiến nghị đã được giải quyết, trả lời và nêu rõ văn bản, thông báo giải quyết, trả lời của cơ quan, đơn vị.
Theo dự thảo, “kiến nghị của cử tri” bao gồm: Các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Đại biểu Quốc hội thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri (tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn); thông qua gặp gỡ với cá nhân hoặc nhóm cử tri; hoạt động tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội hoặc thông qua đơn thư kiến nghị của cử tri gửi đến Đại biểu Quốc hội. Các ý kiến, kiến nghị này được Đại biểu Quốc hội tập hợp gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội để tổng hợp, phân loại và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời hoặc gửi trực tiếp đến địa phương để giải quyết, trả lời theo thẩm quyền. |
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn