Vậy hiểu thế nào cho đúng quy định "thời hiệu về thừa kế"?
Xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận thì việc viện dẫn hết thời hiệu khởi kiện thuộc quyền của đương sự trong vụ án. Vì vậy, việc hết thời hiệu khởi kiện không có nghĩa là mất quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án như trước đây.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã tiếp cận theo xu hướng hội nhập về thời hiệu nói chung và thời hiệu về quyền thừa kế nói riêng.
Quy định hiện hành khó xác định chủ thể trong quan hệ thừa kế
Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Những quy định nêu trên trong BLDS hiện hành là không còn phù hợp với xu hướng lập pháp. Thời hiệu được các chủ thể viện dẫn như một biện pháp “tự vệ”. Các đồng thừa kế không viện dẫn thời hiệu thì việc giải quyết về thừa kế không hạn chế về thời gian.
Quy định cũng chưa bảo đảm đặc thù của quan hệ thừa kế gắn liền với phong tục tập quán. Trường hợp tài sản chung của vợ chồng, khi một bên chết trước thì người vợ hoặc người chồng còn sống quản lý tài sản chung đó đến khi họ chết. Sau khi hết thời hiệu khởi kiện theo pháp luật thì người vợ, người chồng mới chết tạo nên sự thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Mặt khác, theo tập quán thì khi cha mẹ chết, người con thờ cúng đương nhiên quản lý di sản và khai thác nên những người khác không yêu cầu chia di sản ngay là không hiểu biết quy định của pháp luật về thừa kế hoặc e ngại dư luận xã hội lên án. Do vậy, khi hết thời hiệu khởi kiện thì xác lập quyền sở hữu tài sản như thế nào chưa có cách giải quyết cụ thế.
Đồng thời, cũng chưa có quy định xác lập quyền đối với di sản sau khi đã hết thời hiệu. Có trường hợp người thừa kế đang quản lý di sản đã làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đối với di sản đó và chờ đến khi hết thời hiệu mới tuyên bố bán hoặc sang nhượng. Đến khi các đồng thừa kế khác biết được việc này thì thời hiệu khởi kiện đã hết.
Chủ thể trong quan hệ thừa kế khác với quan hệ hợp đồng hay bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong quan hệ hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng việc xác định các bên bao gồm bên có nghĩa vụ và bên có quyền rất cụ thể, nhưng trong quan hệ thừa kế, việc xác định chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ rất khó vì những người thừa kế đều có quyền thừa kế.
Có những trường hợp tất cả các đồng thừa kế đều yêu cầu chia di sản, lại có trường hợp chỉ một số người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản hoặc thỏa thuận giao cho một người thừa kế quản lý di sản (bằng văn bản)… Vì vậy, quy định thời hiệu trong BLDS thường sử dụng thuật ngữ “các bên” là không phù hợp với quan hệ thừa kế.
BLDS (sửa đổi) cần khắc phục những hạn chế này để quy định cụ thể hơn về thời hiệu nói chung và thời hiệu về quyền thừa kế nói riêng.
Bổ sung “sự thỏa thuận” của các chủ thể là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Dự thảo BLDS (sửa đổi) không quy định thời hiệu khởi kiện như BLDS 2005. Khi hết thời hiệu mà cá nhân, tổ chức mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu như quy định hiện hành, Tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.
Các quy định nêu trên về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng lập pháp. Tuy nhiên, theo người viết, một số điều trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) cần trao đổi, hoàn thiện thêm như sau:
Về quy định bắt đầu thời hiệu (Thời điểm bắt đầu thời hiệu được tính từ thời điểm người có quyền hoặc người có nghĩa vụ biết hoặc phải biết về quyền hoặc nghĩa vụ của mình) lại mâu thuẫn với Điều 175 (Dự thảo), thời hiệu về quyền thừa kế bắt đầu từ thời điểm mở thừa kế. Vậy thời hiệu bắt đầu từ thời điểm mở thừa kế hay thời điểm mà người thừa kế biết được thời điểm mở thừa kế (quyền thừa kế phát sinh) chưa được nói rõ.
Về quy định bắt đầu lại thời hiệu “Thời hiệu bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với bên có quyền; b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với bên có quyền” rất khó áp dụng trong quan hệ thừa kế, việc xác định chủ thể (bên có nghĩa vụ và bên có quyền) không thể dễ dàng thực hiện được.
Trong trường hợp khi đang còn thời hiệu hoặc đã hết thời hiệu theo quy định của pháp luật mà các đồng thừa kế thống nhất thỏa thuận bằng văn bản giao cho một người thừa kế quản lý di sản, thực hiện việc thờ cúng… có được xác định là căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện hay không? Thực tế đã phát sinh những trường hợp tương tự nhưng Tòa án không xem xét là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Do vậy, nên bổ sung “sự thỏa thuận” của các chủ thể là căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.
Đối với thời hiệu yêu cầu về thừa kế, về cơ bản, người viết thống nhất với phương án 1, nhưng nên điều chỉnh tên gọi của điều luật vì “thời hiệu yêu cầu về thừa kế” nhưng lại chỉ bao gồm thời hiệu để người thừa kế xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác (loại trừ yêu cầu chia di sản) trong phương án này dễ đẫn đến sự hiểu lầm bao gồm cả yêu cầu chia di sản.
Nên có riêng điều luật về yêu cầu chia di sản
Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế áp dụng theo Điều 169 và Điều 171 của Dự thảo mà không có điều luật riêng về yêu cầu chia di sản (cách hiểu là thời hạn yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó).
Xuất phát từ đặc thù của quan hệ thừa kế, nên tách thành điều khoản về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế (đây là quan hệ phát sinh khá phổ biến).
Ngoài ra, cần dự liệu một số vấn đề khác như, thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện về thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đối với di sản là tài sản chung của vợ chồng (một bên chết trước), những người thừa kế có thể thỏa thuận xác nhận di sản thừa kế nhưng chưa chia thì thời hiệu khởi kiện tính từ thời điểm thỏa thuận hoặc từ khi người sau cùng chết.
Đối với người hưởng di sản khi hết thời hiệu cần quy định cụ thể, hết thời hiệu yêu cầu chia di sản mà không có yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Có nhiều người quản lý di sản thì thuộc về tất cả những người đó, trừ trường hợp những người thừa kế có thỏa thuận khác.
PGS.TS Đoàn Đức Lương
Trưởng Khoa Luật, Đại học Huế