![]() |
TS Vũ Tiến Lộc |
Thưa ông, dường như khái nhiệm “văn hóa kinh doanh” vẫn chưa thật quen thuộc với xã hội, thậm chí với cộng đồng DN?
TS. Vũ Tiến Lộc: Phải thấy rằng nhận thức của xã hội về văn hóa trong kinh doanh đã có những bước tiến dài. Trước đây, người kinh doanh được gọi là “con buôn”, “con phe”. Xã hội chưa coi trọng đã đành, ngay cả nhiều người kinh doanh cũng nghĩ rằng kinh doanh, kiếm tiền là một cái gì không thể dung hòa, thậm chí trái ngược với văn hóa.
Nhưng đến nay, rõ ràng cách nhìn đó đã hoàn toàn thay đổi. Cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chọn ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Rồi đến năm 2013, lần đầu tiên, DN, doanh nhân được hiến định trong Khoản 3 Điều 51 của Hiến pháp. Tôi cho rằng đó là những ghi nhận chính thức về vai trò của doanh nhân Việt Nam, về đạo đức, trách nhiệm, văn hóa kinh doanh.
Bản thân quan niệm của giới doanh nhân cũng thay đổi. Có thể nói trước đây, trong hoạt động của DN, có xu hướng đầu cơ, chụp giật, bất chấp tất cả. Chúng ta đã có những DN tương đối lớn, những thương nhân tương đối giàu có, nhưng vẫn chưa phải là niềm tự hào của đất nước. Rất mừng là đến giờ, DN đã có xu hướng làm ăn bài bản, đàng hoàng hơn, đổi mới, hội nhập, vươn tới chuẩn mực của khu vực và thế giới.
Doanh nhân lớn phải có nhân cách lớn
Vậy ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của văn hóa kinh doanh:“Nên có” hay “bắt buộc phải có”?
TS. Vũ Tiến Lộc: Muốn thành công, trước hết anh phải có sản phẩm, dịch vụ tốt. Văn hóa trong kinh doanh trước hết là như vậy. Nếu sản phẩm của anh nguy hại cho người tiêu dùng, đương nhiên anh sẽ thất bại.
Nhưng thế giới ngày nay còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Một sản phẩm tử tế, đàng hoàng không chỉ có chất lượng tốt và giá cả phù hợp, mà còn phải là một sản phẩm “đẹp”. Cái áo mà nàng Bân may cho chồng chất chứa tình yêu là một sản phẩm đẹp. Tôi cũng nghĩ rằng mình ăn đồ ăn do một người độc ác nấu thì dù món ăn có ngon, có bổ, sự độc ác đó cũng sẽ dần dần tích tụ lại thành chất độc trong người mình.
Nói cách khác, từng sản phẩm phải được làm ra một cách nhân văn. Nếu quá trình sản xuất không quan tâm đến môi trường, quan tâm không đầy đủ đến người lao động thì những người tiêu dùng sẽ cảm thấy hổ thẹn khi sử dụng và họ sẽ nói không với sản phẩm đó. Trên thế giới, rất phổ biến chuyện người tiêu dùng lên án việc sử dụng áo lông thú, nhất là động vật hoang dã, hay tẩy chay sản phẩm hàng hóa do lao động trẻ em làm ra. Nếu kinh doanh thiếu văn hóa theo tư duy “con buôn”, anh sẽ bị trả giá đắt. Tôn trọng văn hóa, theo tôi, cũng là tôn trọng sức mạnh của thị trường - một thị trường ngày càng nghiệt ngã nhưng cũng văn minh hơn, nhân bản hơn.
Tóm lại, văn hóa kinh doanh không chỉ là “nên có” mà là “bắt buộc phải có”. Thiếu văn hóa, DN của chúng ta sẽ vĩnh viễn không lớn nổi, Việt Nam sẽ không bao giờ có được những DN, doanh nhân có tầm vóc toàn cầu.
Nhưng văn hóa kinh doanh liệu có xa xỉ quá trong bối cảnh “người khôn, của khó” hiện nay?
Tôi và nhiều doanh nhân vẫn thường tự hỏi mình câu hỏi đó? Cuối cùng, tôi thấy văn hóa DN không những không xa xỉ, mà còn là một trong những “lối thoát”, một hướng đi lên của DN Việt Nam trong gian khó. Các cụ nhà ta nói “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”, đủ thấy tính tiết kiệm, giản dị, chừng mực là vô cùng quan trọng với doanh nhân.
Hơn thế, khi đất nước còn nghèo, trước cửa nhà còn những người ăn xin, lam lũ bán vé số… mà đi xe siêu sang, dát vàng dát bạc, vào nhà như cung vua, phủ chúa thì là một sự phản cảm, thậm chí vô cảm. Không chỉ thay đổi cách làm ra đồng tiền, mà cách tiêu tiền cũng phải thay đổi. Anh làm từ thiện là tốt, nhưng nếu anh làm ra đồng tiền một cách thiếu đạo đức, thờ ơ với những mảnh đời quanh mình trong cuộc sống thường ngày, thì từ thiện để làm gì?
Người lao động chỉ lo cho gia đình mình. Doanh nhân thì phải lo cho một tập thể hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người, nên doanh nhân có sứ mệnh xã hội, và trước hết anh phải có nhân cách. Doanh nhân lớn phải có nhân cách lớn. Giá trị của một con người là ở chỗ anh ta đóng góp gì cho xã hội. Đây không phải là lý thuyết, mà hết sức thực tế với sự thành bại của DN.
Tôi ủng hộ cách tiếp cận coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Không chỉ là thiếu văn hóa thì sự phát triển sẽ không còn ý nghĩa, mà phải nói rằng, nếu thiếu văn hóa thì kinh tế cũng không thể phát triển được.
![]() |
Ảnh minh họa |
“Chỉ có lòng yêu nước”
Quay trở lại với Việt Nam. Theo ông, đâu sẽ là cốt lõi của văn hóa kinh doanh Việt Nam, là động lực cho doanh nhân Việt Nam?
TS. Vũ Tiến Lộc: Tôi không thích sử dụng từ “sẽ”, bởi cái “cốt lõi” ấy của văn hóa kinh doanh Việt đã có từ rất lâu rồi và nó nằm trong dòng mạch chung của văn hóa dân tộc. Như tôi đã nói ở trên, đó là yêu lao động, tiết kiệm, khiêm nhường, biết chia sẻ với đồng loại. Nhưng cái quan trọng nhất là gì? Tại một diễn đàn của VCCI, khi được hỏi doanh nhân Việt Nam có điều gì, truyền thống gì quý nhất, là động lực lớn nhất thì nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói là chỉ có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tôi tin rằng nhiều người sẽ đồng tình với quan điểm đó. Đó phải chăng là hành trang lớn nhất, quý giá nhất của DN Việt Nam trên đường ra biển lớn?
Hơn 100 năm trước, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã nói thay thế hệ doanh nhân đầu tiên, rằng “tôi chọn con đường trở thành doanh nhân để làm sao Hà Nội đẹp như Paris”. Nhiều doanh nhân cũng chia sẻ với tôi, họ làm việc là vì muốn làm một cái gì đó cho đất nước, chứ để giàu có thì nhiều người đã thấy đủ rồi.
Tôi tin họ nói thật. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, lòng yêu nước của doanh nhân nên được thể hiện theo đúng cách doanh nhân, nghĩa là làm tốt việc kinh doanh của mình. Các DN, doanh nhân phải làm ra những sản phẩm tốt để những sản phẩm “made in Việt Nam” trở nên đồng nghĩa với sự tử tế, đàng hoàng, đáng tin cậy.
Điều đó không chỉ quyết định thành bại của việc kinh doanh mà còn là cách anh chứng tỏ tầm văn hóa của mình, cũng là cách thiết thực nhất để thể hiện lòng yêu nước. Đã qua rồi cái thời mà oai phong, sĩ diện, giá trị của doanh nhân thể hiện ở cách khoe của. Vẫn có những doanh nhân như vậy nhưng tôi nghĩ rằng thiểu số đó sẽ không thể tồn tại lâu dài và không đáng để nói đến.
![]() |
Ảnh minh họa |
Vậy theo ông, chúng ta có thể làm gì để cho văn hóa kinh doanh của Việt Nam ngày càng phát triển và định hình rõ nét?
TS. Vũ Tiến Lộc: “Làm gì” là câu hỏi không dễ trả lời, bởi văn hóa là thứ quá quan trọng và quá rộng lớn với chúng ta. Truyền thống, bản sắc văn hóa phải được bồi đắp, tích tụ qua một quá trình lịch sử lâu dài. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn thụ động, không thể làm gì.
Trước hết, mỗi doanh nhân phải nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh. Như tôi đã nói ở trên, sự thành công của mỗi doanh nhân trong thế giới ngày nay không chỉ phụ thuộc vào vốn liếng kinh tế mà còn gắn chặt với “vốn liếng” văn hóa của người đó: Từ tri thức, tầm nhìn đến trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh… Vừa rồi có thông tin rất nhiều DN chưa biết gì về TPP hay Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tôi nghĩ Nhà nước có phần trách nhiệm, nhưng các doanh nhân cũng phải xem lại mình. Không lẽ doanh nhân không nghe, không đọc, không nhìn gì? Anh chỉ cần vào google là tìm thấy rất nhiều thông tin cơ bản về những nội dung đó rồi.
Về phía Nhà nước, tôi tin rằng cách tốt nhất để thúc đẩy văn hóa kinh doanh là tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy cạnh tranh, để những người làm ăn chân chính có thể tồn tại, còn những kiểu làm giàu “trọc phú”, “giàu xổi” sẽ ngày càng ít có cơ hội. Trên thực tế, trong năm 2014 vừa qua, Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc để tạo lập môi trường kinh doanh như vậy và điều đó khiến cộng đồng DN rất hứng khởi.
Bản thân VCCI cũng rất quan tâm đến vấn đề văn hóa kinh doanh. VCCI từ lâu đã thành lập Trung tâm Văn hóa Doanh nhân. Tại Diễn đàn Doanh nhân cuối năm 2014, tôi đã đại diện cho VCCI cùng đại diện các hiệp hội DN cùng ký Tuyên bố về chương trình hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Một trong bốn giải pháp được xác định trong bản Tuyên bố này là nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh và xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nhân Việt. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều giải pháp cụ thể được VCCI triển khai để thực hiện mục tiêu này.
Xin cảm ơn ông!
Hà Chính (thực hiện)