In bài viết

Thời tiết thay đổi, trẻ nhập viện gia tăng

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia y tế, do thời tiết nóng lạnh bất thường hiện nay, không chỉ bệnh dịch sởi, thủy đậu đang có diễn biến khó lường mà ngay cả những bệnh thông thường liên quan tới hô hấp, tiêu hóa cũng đang có xu hướng gia tăng ở trẻ nhỏ.

11/02/2014 16:26

Nóng lạnh bất thường, trẻ nhập viện gia tăng. Ảnh: VGP/Thúy Hà

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ ngày 9/2 đến nay, do thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng ấm sang lạnh, số lượng bệnh nhân nhi nhập viện tăng 10% so với thời điểm trước đó.

Không chủ quan với các bệnh về hô hấp

Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là viêm đường hô hấp cấp, viêm phế quản, viêm phổi nặng, một số trẻ sốt cao, sốt virus co giật hoặc biến chứng viêm màng não.

Ông Dũng cho hay, do sức đề kháng của trẻ còn yếu nên các loại vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chủ quan với các bệnh thông thường này, dù bản chất bệnh rất nguy hiểm, dễ gây biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm đường hô hấp, PGS Dũng lưu ý các bậc phụ huynh, nếu thấy trẻ bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc thở nhanh, thấy rõ 2 cánh mũi phập phồng, nhịp thở nhanh bất thường thì cần đưa trẻ đi khám sớm vì đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của viêm phổi.

Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ sử dụng khi chưa được sự tư vấn của bác sỹ để tránh được những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết thất thường không chỉ gây ra các bệnh về đường hô hấp mà còn gia tăng các bệnh về đường tiêu hóa. Cụ thể, trẻ thường gặp các triệu chứng như: Đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, đi cầu phân sống, tiêu chảy, táo bón… Nếu để các bệnh về đường tiêu hóa kéo dài lâu ngày, trẻ sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng thể chất và trí tuệ của trẻ.

Vì vậy, việc phòng bệnh cho trẻ là một điều hết sức quan trọng. Theo đó, cha mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất như sắt, kẽm một cách hợp lý. Đồng thời, cha mẹ cũng nên chú ý tới giấc ngủ của bé, một giấc ngủ sâu sẽ khiến bé khỏe mạnh hơn, sức đề kháng được cải thiện.

Lo ngại dịch sởi, thủy đậu

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, riêng trong tháng 1/2014, cả nước đã có 241 trường hợp mắc sởi ở 24 tỉnh/thành phố, tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội (1) và Yên Bái (2).

Trước đó, năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm: Trên 30% số mắc tại các địa phương chưa được tiêm vaccine, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có trên 89% số mắc chưa được tiêm vaccine sởi.

Theo các chuyên gia y tế nhận định, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương trong một vài tháng tới, chủ yếu sẽ ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vaccine sởi hoặc tiêm vaccine chưa đủ mũi, đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi đạt thấp trong những năm trước đây, những vùng có biến động dân cư cao.

Mặt khác, hiện nay đang là mùa đông xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus sởi lưu hành và gây bệnh. Biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi hiện nay là tiêm vaccine.

Với dịch thủy đậu, tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương đều tiếp nhận một số ca bị mắc. Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh thủy đậu vào mùa dịch từ tháng 2-5 hằng năm. Bệnh thường biểu hiện qua các ban sần, mụn nước gây khó chịu và ngứa toàn thân kèm theo sốt. Biểu hiện ban đầu của bệnh là phát ban, mọc khắp nơi.

Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ làm mủ, sưng to và rất ngứa khiến người bệnh gãi trầy da, để lại sẹo sâu. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nhanh. Đến ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6, nốt đậu đóng vẩy. Sau khoảng 1 tuần, bệnh khỏi và không để lại sẹo.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn trẻ mắc thủy đậu nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng do bội nhiễm vi khuẩn liên cầu, tụ cầu. Nguyên nhân do trẻ gãi nhiều và không được chăm sóc vệ sinh chu đáo... các nốt phỏng bị bội nhiễm khiến trẻ viêm da nặng, biến chứng viêm cầu thận cấp tính hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thủy đậu là một bệnh nhẹ, lành tính nhưng cần phải được phát hiện sớm và chăm sóc chu đáo, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và màng não…

Thúy Hà