Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP |
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) liên quan đến Nghị định 100 của Chính phủ về cho vay nhà ở xã hội, Thông đốc Lê Minh Hưng cho biết theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100 năm 2015, ngân sách nhà nước sẽ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.
Thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 25 quy định về hướng dẫn cho vay nhà ở xã hội đồng thời chỉ định 4 ngân hàng thương mại tham gia cho vay nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, việc cho vay đến nay vẫn chưa thực hiện được do trong thời gian qua ngân sách nhà nước còn khó khăn trong việc bố trí cấp vốn. Theo kế hoạch đầu tư trung hạn và vốn ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phê duyệt thì mới chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí 1.062 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội nhưng cho đến nay chưa được cấp. Còn 4 ngân hàng thương mại chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù chênh lệch lãi suất.
Để thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ứng trước vốn 500 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tự huy động 500 tỷ đồng cho kế hoạch năm 2018 triển khai việc cho vay thực hiện nhà ở xã hội.
Đến nay, NHNN đang đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn theo đề nghị, đồng thời NHNN chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội trong khi chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động xây dựng phương án tự huy động khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện ngay chương trình này trong năm 2018.
“Chúng tôi rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thực hiện việc bố trí vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn cho vay thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100 về cho vay nhà ở xã hội’, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Về ý kiến đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (đoàn Hòa Bình) liên quan đến chi phí cho chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, Thống đốc nêu rõ chương trình này được áp dụng cho các hộ gia đình tại các địa bàn xã trên toàn quốc và mức cho vay hiện nay tối đa là 6 triệu đồng/ công trình và thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng.
Hiện nay có 2,6 triệu hộ còn dư nợ và đề xuất của đại biểu nâng mức cho vay là vấn đề vừa qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng làm việc với nhiều địa phương kiến nghị. Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ nâng mức cho vay các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ mức 6 triệu lên 12 triệu. Trên cơ sở tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành trình Chính phủ sớm phê duyệt nâng mức cho vay này.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) đối với chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, liên quan đến nội dung này, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cũng có ý kiến về việc nâng mức vay và kéo dài thời hạn cho vay đối với học sinh, sinh viên.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên. Hiện nay có khoảng 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, với tổng dư nợ khoảng 15.600 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 10% tổng dư nợ của các khoản tín dụng chính sách. Doanh số cho vay từ trước đến nay đạt gần 60.000 tỷ.
Về đề xuất nâng mức cho vay, mức cho vay đối với học sinh, sinh viên kể từ khi thực hiện từ năm 2007 đến nay, đã có 7 lần điều chỉnh tăng mức cho vay. Thời gian gần đây nhất là 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức cho vay học sinh, sinh viên lên mức 1.500.000/tháng. Như ý đại biểu nói, mức cho vay này chưa đáp ứng được đủ các nhu cầu về sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên.
Thống đốc tiếp thu ý kiến của đại biểu, xin ghi nhận. Tuy nhiên, trong điều kiện của ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí những nguồn ngân sách nhất định cũng là quy mô khá lớn để cho học sinh, sinh viên vay, đây là cố gắng lớn của Chính phủ và bộ, ngành. Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ xem xét việc nâng mức cho học sinh, sinh viên vay lên mức cao hơn, tùy theo điều kiện của ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Ý kiến về kéo dài thời hạn trả nợ đối với học sinh, sinh viên, Thống đốc nói người vay là học sinh, sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu trước khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Như vậy, học sinh, sinh viên đã được ân hạn 1 năm kể từ khi kết thúc khóa học thì mới bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi tiền vay, thời hạn trả nợ bằng thời hạn phát tiền vay. Có nghĩa là học sinh, sinh viên nhận tiền vay 4 năm thì thời hạn trả nợ là 4 năm và tổng thời hạn cho vay là 9 năm vì tính thêm 1 năm ân hạn. Khi đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng nếu học sinh, sinh viên gặp khó khăn khách quan mà chưa trả được nợ thì được xem xét cho gia hạn nợ và thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời gian trả nợ. Do đó, một học sinh, sinh viên học đại học 4 năm thì khi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội thì thời hạn trả nợ nếu tính cả thời hạn được cho gia hạn thì tối đa là 7 năm. Theo Thống đốc, đó cũng là một thời gian tương đối dài cho học sinh, sinh viên khắc phục được vượt qua những khó khăn.
Ý kiến đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) về giải pháp hỗ trợ người vay gặp thiên tai bão lũ, Thống đốc cho biết đối với hậu quả do thiên tai lũ lụt, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55 Chính phủ về chính sách tín dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cụ thể là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và khoanh nợ để tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Thứ hai là trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị mà gặp rủi ro thì khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ nhưng vẫn gặp khó khăn có thể trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét xóa nợ. Ngay sau các thiệt hại, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thống kê, qua thống kê sơ bộ thì số dư nợ vay vốn bị thiệt hại do bão số 2, mưa lũ tháng 8 và cơn bão số 10 vừa qua là hơn 1.000 tỷ đồng, với số lượng khách hàng vay vốn bị thiệt hại hơn 23.000 khách hàng. Các tổ chức tín dụng đang tiếp tục rà soát và thống kê thiệt hại của người dân do mưa lũ tháng 10 và cơn bão số 12 vừa qua để đề xuất các giải pháp tiếp tục xử lý đối với các dư nợ bị thiệt hại nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và người vay vốn.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội thì sẽ phải thực hiện cơ chế xử lý nợ bị rủi ro theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ như gia hạn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay và xóa nợ. NHNN đã rất chủ động triển khai trong việc rà soát đánh giá thiệt hại và tiếp tục trong thời gian tới sẽ yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cũng như các ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát và có những biện pháp cụ thể để khoanh nợ, giãn nợ và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và tiếp tục cho vay mới.
PV