In bài viết

Thông hầm Đèo Cả nối 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa

(Chinhphu.vn) – Hầm đường bộ Đèo Cả khi được thông xe sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông khi đi qua đèo Cả, rút ngắn thời gian qua đèo từ 60 phút xuống còn 10 phút.

21/08/2017 13:49

Ảnh: VGP/Phan Trang
Sáng 21/8, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tổ chức Lễ thông xe toàn tuyến, chính thức đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào vận hành khai thác.

Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, điểm đầu dự án tại Km 1353 150 QL1A trên địa bàn tỉnh Phú Yên, điểm cuối dự án tại Km 1374 525 QL1A trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tổng chiều dài dự án 13,19 km, trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125 m, hầm Cổ Mã dài 500 m.

Hai hạng mục chính của dự án là hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã có quy mô và trang thiết bị vận hành hiện đại nhất trong các hầm đường bộ trên QL1 hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn xe khai thác cùng chiều bảo đảm vận tốc khai thác 80 km/h.

Đây là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam.

Việc đưa hầm đường bộ Đèo Cả vào khai thác sử dụng đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực thi công hầm đường bộ, đồng thời sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ùn tắc và mất an toàn giao thông khi đi qua đèo Cả, rút ngắn thời gian qua đèo từ 60 phút xuống còn 10 phút. Qua đó, trực tiếp tạo điều kiện để kết nối 2 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, cũng như tạo thuận lợi về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung bộ và cả nước.

Khi lưu thông qua khu vực đèo Cả, người dân có quyền lựa chọn đi qua hầm với mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ thấp nhất là 60.000 đồng/lượt, cao nhất là 288.000 đồng/lượt. Hoặc, người dân có thể lựa chọn đi qua đường đèo Cả không mất phí, tuy nhiên việc lái xe qua đèo được khuyến cáo sẽ có rủi ro về an toàn giao thông.
Ảnh: VGP/Phan Trang
Ông Nghiêm Sĩ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, mức giá dịch vụ sử dụng hầm đường bộ Đèo Cả hiện nay được các chuyên gia đánh giá là thấp hơn đáng kể so với chi phí (nhiên liệu, khấu hao xe) mà chủ phương tiện phải bỏ ra khi di chuyển qua 22 km đường đèo Cả và đèo Cổ Mã, đó là chưa tính đến chi phí vô hình về lãng phí thời gian và mất an toàn giao thông tiết kiệm được. Ngoài ra, khi lưu thông qua tuyến hầm Đèo Cả, người sử dụng luôn có sẵn dịch vụ hỗ trợ xử lý sự cố xe 24/7 được thực hiện bởi đội ngũ hơn 200 cán bộ, công nhân của Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả và hệ thống thiết bị có năng lực tốt nhất hiện nay.

Ngoài ra, ông Minh cho biết thêm, hầm Đèo Cả sẽ không thu phí từ ngày hôm nay (21/8) đến hết ngày 2/9. Việc thu phí hoàn vốn cho dự án được thực hiện từ ngày 3/9 trên cơ sở hợp đồng dự án và quy định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ được Bộ GTVT quy định tại thông tư số 35/2016/TT-BGTVT.
 
Hạng mục hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn sẽ được đưa vào sử dụng ngay sau buổi lễ thông hầm ngày 21/8/2017. Công trình được khai thác liên tục tất cả các ngày trong năm, hàng ngày đóng hầm 60 phút (từ 3h đến 4h) để vệ sinh và bảo trì. Khi lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả và Cổ Mã, ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, lái xe cần tuân thủ các quy định về xử lý các tình huống khẩn cấp khi trong hầm đã được Bộ GTVT chấp thuận.
 
Trước đó, ngày 15/8/2017, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, sau khi kiểm tra công trình, đã đánh giá hầm đường bộ Đèo Cả đủ điều kiện để đưa vào khai thác, sử dụng.
 
Phan Trang