In bài viết

Thông qua nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách TP giai đoạn 2011-2015

HNP - Sáng 8/12, HĐND TP Hà Nội tiếp tục thảo luận về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 và định mức phân bổ chi ngân sách TP; Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP Hà Nội năm 2011.

09/12/2010 09:03


Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/HĐND về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chia giữa các cấp ngân sách sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đã tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện cơ chế chính sách về tài chính, ngân sách, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, sự phân cấp cũng tạo sự chủ động, tích cực khai thác quản lý nguồn thu trên địa bàn. Năm 2010, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 109,8% so dự toán và ước tăng 18,5% so với năm 2009. Năm 2010, ước có 29/29 quận, huyện, thị xã đạt và vượt dự toán HĐND TP giao.
Đại biểu Trần Văn Quýnh đã bày tỏ sự nhất trí với báo cáo của UBND TP và khẳng định: Đưa chủ trương phân cấp cho cơ sở là chủ trương lớn của TP, đảm bảo các quận, huyện có trách nhiệm cụ thể đối với các nhiệm vụ của mình. Năm qua, công tác phân cấp đã tạo được nhiều kết quả tốt.
Đại biểu Triệu Đình Phúc cũng hoàn toàn đồng ý về nguyên tắc phân cấp, gắn nhiệm vụ phân cấp với phát triển kinh tế- xã hội và nhiệm vụ chi. Đại biểu cũng đánh giá cao những mặt được trong tờ trình UBND TP.
Tuy nhiên, hiện nay, sự phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, khó khăn trong thực hiện như: nhiều cơ chế chính sách của Trung ương quy định còn chưa phù hơp với những thực tiễn về kinh tế xã hội của từng địa phương, sự biến động nhanh về phát triển đô thị đã tác động đến quản lý điều hành của các cấp chính quyền về ngân sách...Trong tờ trình của UBND TP về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, đã đưa ra nội dung sửa đổi, bổ sung.
Về phân cấp nguồn thu NSNN: cơ bản giữ nguyên phân cấp các khoản thu theo phân cấp ngân sách giai đoạn 2009-2010 theo Nghị quyết 15/2008/NQ- HĐND, đề nghị điều chỉnh phân cấp 5 khoản:
Về thu tiền sử dụng đất: Để tăng cường quản lý và thực hiện cơ chế khuyến khích sử dụng khai thác nguồn lực tài chính đất đai theo quy hoạch và hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch...Việc quy định tỷ lệ điều tiết cho các cấp ngân sách như sau: Điều tiết 100% cho ngân sách quận, huyện, thị xã đối với tiền sử dụng đất với quy mô diện tích dưới 5000m2 (nhỏ lẻ, xen kẹt) không tiếp giáp với đường, phố; Thực hiện phân nhóm các quận, huyện, thị xã để phân nhóm điều tiết khác nhau, trong đó ưu tiên bố trí tỷ lệ điều tiết cao cho các huyện KT-XH chưa phát triển và có số thu tiền sử dụng đất thấp đối với đất có quy mô diện tích từ 5000m2 trở lên hoặc có quy mô diện tích dưới 5000m2 tiếp giáp với đường phố.
Riêng các dự án thực hiện theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg sẽ thực hiện theo quy định riêng của CP, không phân chia cho ngân sách quận, huyện. Ngoài ra, thực hiện cơ chế chuyển tiếp, TP sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế đầu tư trở lại tiền sử dụng đất một số dự án cho các dự án hạ tầng khu vực có dự án đấu giá đất đã được Thường trực HĐND thống nhất.
Về phân cấp thuế môn bài từ cá nhân, hộ kinh doanh, đề xuất: ngân sách phường hưởng 30%, ngân sách quận hưởng 70% thuế thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; Ngân sách xã, thị trấn hưởng 100% thuế thu từ cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh trên địa bàn xã, thị trấn.
Về phân cấp thu lệ phí trước bạ xe máy, ô tô, tàu thuyền và tài sản khác: đề nghị phân cấp số thu lệ phí trước bạ xe máy, ô tô, tàu thuyền và tài sản khác dựa vào danh mục các khoản thu phân chia chung để xác định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách các quận, huyện, thị xã.
Về phân cấp các khoản thuế thu nhập cá nhân: Để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân, đồng thời, tăng cường khả năng tự cân đối cho ngân sách quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, đề nghị đưa vào danh mục các khoản thu phân chia chung để xác định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách quận, huyện, thị xã.
Về phân cấp các khoản thuế Giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt khu vực kinh tế ngoài quốc doanh: đề nghị đưa toàn bộ số thu thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh vào danh mục các khoản phân chia chung để xác định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách quận, huyện, thị xã.
Đối với phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách: Trong chi đầu tư xây dựng cơ bản đề xuất phân chia theo hướng: Đối với nhiệm vụ chi đầu tư thuộc ngân sách TP và ngân sách quận, huyện, thị xã: Quy định cụ thể nhiệm vụ chi đầu tư cho từng cấp ngân sách để làm cơ sở xác định dự toán chi ngân sách cho các năm, trong đó thể hiện từng lĩnh vực cụ thể (giáo dục, y tế, giao thông, môi trường...); Đối với ngân sách xã, thị trấn: Đầu tư các dự án trên địa bàn từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (đối với các xã thực hiện chương trình nông thôn mới) và từ nguồn thu ngân sách xã, thị trấn, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho ngân sách xã, thị trấn; Đối với ngân sách phường: đầu tư các dự án trên địa bàn từ nguồn tăng thu ngân sách phường, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho ngân sách phường.
Về phân cấp nhiệm vụ chi thường xuyên: đề xuất thống nhất về việc quản lý và đồng nhất về việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách; đề nghị phân cấp nhiệm vụ chi chiếu sáng và thoát nước thải các huyện và thị xã Sơn Tây tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện hành; điều chỉnh nhiệm vụ chi thoát nước của quận Hà Đông về ngân sách TP thực hiện. Ngoài ra, bổ sung nhiệm vụ chi đầu tư cải tạo, sửa chữa, quản lý, thoát nước thải ở ngõ, ngách phố cho ngân sách quận thực hiện để đảm bảo sát với yêu cầu thực tế trên địa bàn.
Góp ý cho tờ trình của UBND TP, đại biểu Đào Xuân Dương cho rằng tỷ lệ phân phối ngân sách một số nơi chưa phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, theo đó, cần có sự phân bổ đảm bảo các quận, huyện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cũng với ý này, đại biểu Trần Văn Quýnh cũng đề nghị tăng thêm mức chi ngân sách hơn nữa vì Hà Nội có đặc thù là thủ đô, cần đầu tư để xứng tầm với vị thế.
Đại biểu Triệu Đình Phúc đóng góp ý cần phải cân nhắc đến các điều kiện phát triển KT-XH với nhiệm vụ chi để đảm bảo có phương án đủ nguồn lực cho các quận, huyện triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt đối với các nơi đang triển khai xây dựng nông thôn mới, rất cần huy động nguồn lực và tạo đột phá trong xây dựng hạ tầng. Muốn vậy, theo đại biểu này, cần phải có cơ chế phân bổ nguồn lực thể hiện rõ nét hơn như: mở rộng phân cấp trung tâm y tế cho quận, huyện quản lý, tăng cường trách nhiệm hơn cho các quận, huyện...
Về nội dung cơ chế huy động nguồn lực từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất cho các huyện cao nhất là 50%, đại biểu cho rằng tỷ lệ điều tiết này là thấp và sẽ hạn chế đến việc phát triển của một số nơi, nhất là với những huyện còn khó khăn và dễ nảy sinh tình trạng điều tiết vòng vèo, cơ chế xin cho.
Đại biểu Nguyễn Cao Trí cũng chia sẻ với đại biểu Phúc về ý kiến này và bổ sung nên có cơ chế để khuyến khích các quận huyện làm tốt, tránh tình trạng cào bằng.
Đại biểu Bùi Thị An đồng tình với nguyên tắc xây dựng phân bổ phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi do Thành phố xây dựng là tùy điều kiện cụ thể và cân đối của TP để phân bổ. Bà đề nghị phải đảm bảo nguyên tắc công khai các nguồn chi liên quan đến ngân sách và phân cấp triệt để, ví dụ như thống nhất trong quản lý lòng, hè đường để trách nhiệm quản lý, đầu tư cụ thể hơn. Bà cũng kiến nghị, hàng năm, Thành phố nên có khoản kinh phí ngân sách dành riêng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trên địa bàn TP.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, bổ sung vào tờ trình, Phó chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, và giải trình thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm. Phó chủ tịch UBND khẳng định tiền thu từ nguồn đấu giá sử dụng đất là nguồn lực lớn và vai trò quản lý của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính và sự phát triển trong tương lai. UBND TP sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ chỉnh sửa một số nội dung cho hợp lý, đảm bảo sự điều tiết này phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển và hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội của các quận, huyện. Các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách TP giai đoạn 2011-2015.
Cũng trong sáng nay, UBND TP Hà Nội đã công bố mức chi phí trong 10 ngày Đại lễ. Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cho biết: mức kinh phí xác định chi cho Đại lễ ban đầu là 350 tỷ đồng. Sau khi xác lập dự toán, chi trực tiếp cho Đại lễ là gần 271 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức thực chi đến nay xác định là hơn 265 tỷ đồng.

Vương Vân