Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc chiều 24/11.
Trong số các vấn đề được thảo luận và quyết định tại kỳ họp, ngoài các nội dung như thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn…, dư luận đặc biệt quan tâm tới những quyết sách lớn mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng và hoàn thiện thể chế - hai trong số ba khâu đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về cơ sở hạ tầng, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng, xem xét khách quan, toàn diện các yếu tố và thông qua các Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây đều là những dự án hạ tầng rất lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước ta trong thời gian tới.
Trong khi đó, những quyết sách mang tính đột phá về thể chế mà Quốc hội thảo luận và thông qua có thể chia thành hai nhóm lớn.
Nhóm quyết sách thứ nhất liên quan tới việc hoàn thiện nền tảng thể chế, chính sách chung cho cả nước. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 6 luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển lâm nghiệp, thủy sản, tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Trong đó, những tư tưởng cải cách, đổi mới của Luật Quy hoạch được cho là sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch, lâu nay manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường. Hai trong số những tư tưởng đổi mới nổi bật của Luật Quy hoạch, đó là sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với việc xây dựng được quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích hợp, việc huy động, phân bổ và sử dụng, khai thác các nguồn lực quốc gia sẽ hiệu quả hơn, mang tính thị trường hơn.
Còn Luật sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng với nhiều quy định mới được xem là đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho tới nay, nợ xấu vẫn là một “điểm nghẽn”, là “cục máu đông” cần được xử lý triệt để để nền kinh tế phát triển bền vững.
Quốc hội cũng đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Trong số đó, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thực sự đóng vai trò là một bản “Hiến pháp của nền kinh tế thị trường”, bảo vệ môi trường cạnh tranh, hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp khi nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Còn dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thực tế đã cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ, công chức. Thực tiễn đang đòi hỏi phải có công cụ sắc bén hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống “giặc nội xâm” tham nhũng.
Nhóm quyết sách lớn thứ hai về thể chế mà Quốc hội thảo luận, thông qua cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt khi đặt ra vấn đề xây dựng cơ chế đặc thù cho một số địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã làm nức lòng người dân Thành phố lớn nhất cả nước, đồng thời nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cử tri cả nước và các chuyên gia.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, “chiếc áo mặc cho TP.HCM đã chật", giờ cần có thể chế cho phù hợp và Chính phủ đã trình với Quốc hội để xin thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Thể chế này mặc dù dành cho TP.HCM, nhưng cũng không chỉ riêng cho TP.HCM mà còn cho chung cả nước theo tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM".
Trong khi đó, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã nhận được các ý kiến rất nhiều chiều về một số vấn đề. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật nhằm xây dựng thể chế mới, chính sách vượt trội cho các đơn vị này trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành, phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế và có tính cạnh tranh quốc tế
Việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu lớn là đưa các đặc khu này – với vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội và có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi - trở thành cực tăng trưởng của cả nước, đồng thời đóng vai trò “phòng thí nghiệm thể chế” để từ đó có thể nhân rộng ra các vùng, địa phương khác, thậm chí là cả nước.
Theo nhiều chuyên gia, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách riêng cho một số địa bàn đặc biệt đã cho thấy bước đột phá về trong tư duy phát triển, tư duy quản lý. Đó là không đặt ra một chiến lược “quả mít” – có quá nhiều mũi nhọn, chỗ nào cũng là mũi nhọn, thay vào đó, tập trung nguồn lực cho một số địa bàn có thể phát triển bùng nổ, từ đó lan tỏa ra các khu vực khác và cả nước.
Có thể nói, kỳ họp Quốc hội lần này đã ghi một dấu ấn mới về các mũi đột phá thể chế, tiếp tục khẳng định những nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ.
Hà Chính