Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.
Nghị định này quy định chi tiết một số nội dung của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, gồm: Lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng; quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng; giấy phép quy hoạch.
Lập quy hoạch xây dựng vùng đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia hiệu quả
Theo đó, các vùng liên tỉnh (bao gồm cả vùng đô thị lớn), vùng chức năng đặc thù, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh được lập quy hoạch xây dựng vùng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu quản lý, đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả.
Các vùng tỉnh được lập quy hoạch xây dựng vùng làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, quy hoạch chung các đô thị và quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù trong tỉnh...
Khu chức năng đặc thù trên 500ha được lập quy hoạch chung xây dựng
Nghị định cũng nêu rõ, các khu chức năng đặc thù trong và ngoài đô thị được thực hiện lập quy hoạch xây dựng theo quy định tại Nghị định này. Các khu chức năng đặc thù có quy mô trên 500 ha, được lập quy hoạch chung xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch đô thị; làm cơ sở lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng.
Các khu vực trong khu chức năng đặc thù hoặc các khu chức năng đặc thù có quy mô dưới 500 ha, theo yêu cầu quản lý và phát triển, được lập quy hoạch phân khu xây dựng làm cơ sở xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết xây dựng.
Các khu vực trong khu chức năng đặc thù, khi thực hiện đầu tư xây dựng thì lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng hoặc giấy phép quy hoạch; đảm bảo việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với không gian kiến trúc khu vực.
Quy hoạch xây dựng nông thôn
Đối với quy hoạch xây dựng nông thôn, Nghị định quy định, các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện, làm cơ sở xác định các dự án đầu tư và lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Các điểm dân cư nông thôn, khi thực hiện đầu tư xây dựng thì phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung và làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng.
Lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng
Bộ Xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương và UBND cấp tỉnh có liên quan về nội dung đồ án quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ mình tổ chức lập trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng phối hợp với UBND các cấp có trách nhiệm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, vùng chức năng đặc thù thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Đối với quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng phối hợp với UBND các cấp có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù. Trường hợp đồ án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù do Bộ Xây dựng tổ chức lập, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh liên quan có trách nhiệm phối hợp lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan tại địa phương trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng.
Còn đối với quy hoạch xây dựng nông thôn, cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng phối hợp với UBND xã có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư có liên quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch.
Phấn đấu xây dựng Nghệ An là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, tỉnh Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2016 - 2020 đạt 9,5 - 10,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.800 - 3.500 USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm từ 2,5 - 3% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020).
Phấn đấu tăng trưởng công nghiệp 16 - 17%/năm
Về phát triển công nghiệp - xây dựng, tỉnh Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm 14 - 15%, trong đó tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 16 - 17%/năm.
Tập trung xây dựng vùng Hoàng Mai - Đông Hồi gắn với khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó phát triển nhiệt điện, xi măng, luyện thép, cơ khí, cảng biển,... xây dựng khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng, trọng tâm là công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo, thiết bị công nghệ cao, công nghiệp chế biến. Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp -thương mại, dịch vụ - đô thị và các dự án lớn vào khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp; xây dựng khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế ven biển trọng điểm.
Đầu tư phát triển công nghiệp, gắn vùng nguyên liệu với khai thác, chế biến khoáng sản, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp để khai thác vùng miền Tây của tỉnh.
Đầu tư hoàn chỉnh thêm từ 5 - 10 cụm công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề ở các huyện, xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng thêm khoảng 25 - 30 làng nghề, đưa tổng số làng nghề đạt 155 - 160 làng nghề vào năm 2020.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Quyết định nêu rõ, phát triển nông nghiệp của tỉnh Nghệ An toàn diện theo hướng nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao. Tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi và thủy hải sản. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp thời kỳ 2016 - 2020 đạt 4,5 - 5,0%.
Về trồng trọt, chuyển diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị gia tăng cao hơn, ổn định sản xuất lúa trên diện tích đất 2 vụ chủ động tưới nước với diện tích gieo trồng khoảng 170 ngàn ha; hình thành và phát triển vùng sản xuất rau tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển vùng nguyên liệu mía, chè, cao su, cây ăn quả,... bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy; nghiên cứu mở rộng diện tích trồng sắn tại các huyện miền núi để đáp ứng nguyên liệu cho một số nhà máy chế biến tinh bột sắn. Xây dựng vùng sản xuất tập trung các loại cây dược liệu (gấc, chanh leo, gừng, nghệ,...) để tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến dược liệu.
Trong chăn nuôi, chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng với các loại con nuôi chủ lực như trâu, bò, thịt, bò sữa, lợn và gia cầm; đẩy mạnh phát triển bò sữa làm khâu đột phá trong chăn nuôi; chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung, quy mô công nghiệp; chú trọng phát triển diện tích trồng cây thức ăn phục vụ chăn nuôi như ngô, cỏ.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giai đoạn 2015 - 2017.
Mục tiêu của việc tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu là nhằm tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thông qua các tư liệu, văn bản, bản đồ, hình ảnh, hiện vật và một số ấn phẩm xuất bản; khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Kế hoạch, bản đồ và tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được triển lãm trong nước tại 48 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: 18 tỉnh, thành phố có biển (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu); 14 tỉnh, thành phố có biên giới với các nước láng giềng (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang) và 16 tỉnh, thành phố còn lại (Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang).
Bản đồ và tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng được triển lãm tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9; Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4; Vùng 1, Vùng 2, Vùng 3, Vùng 4 và Vùng 5 Hải quân nhân dân Việt Nam; Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam.
Thời gian cụ thể tổ chức Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các tỉnh, thành phố, các đơn vị quân đội, Cảnh sát biển và Kiểm ngư quyết định; ưu tiên tổ chức Triển lãm trước tại các tỉnh, thành phố có biển, biên giới, các đơn vị quân đội, hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư rồi đến các tỉnh, thành phố khác.
Triển lãm tại 4 nước
Ngoài triển lãm trong nước, bản đồ và tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng được triển lãm tại Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc dự kiến trong các năm 2015, 2016, 2017.
Triển lãm sẽ được tổ chức kết hợp cùng với một số chương trình thông tin đối ngoại và Triển lãm sách, báo, tuần phim của Bộ Thông tin và Truyền thông tại nước ngoài cho phù hợp với mục tiêu tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền. Thời gian cụ thể tổ chức Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.
Bên cạnh triển lãm trong và ngoài nước, sẽ xuất bản ấn phẩm, phát hành áp phích, tờ rơi và sản xuất phim, phóng sự tài liệu giới thiệu triển lãm, tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Lập Hội đồng Nhà nước thẩm định 2 Chương trình mục tiêu quốc giaThủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 (Hội đồng thẩm định).
Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung là Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các ủy viên gồm lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời, Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ yêu cầu cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình cung cấp các tài liệu, thông tin có liên quan đến Chương trình để phục vụ công tác thẩm định, khi cần thiết yêu cầu cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình sửa đổi, bổ sung hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu thẩm định; xem xét, quyết định kế hoạch thẩm định và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định Chương trình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia biểu dương Phòng Trinh sát (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) trong việc phát hiện, bắt giữ tàu số hiệu QN6688 và các đối tượng liên quan vận chuyển trái phép 82.500 bao thuốc lá có nguồn gốc từ nước ngoài.
Được biết, ngày 8/5/2015, tại vùng biển Quảng Ninh, tổ công tác Phòng Trinh sát (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) phát hiện và kiểm tra tàu vận tải mang số hiệu QN 6688 do ông Bùi Đức Khanh, quê quán Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là đại diện tàu. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên tàu có 9 người không có giấy tờ tùy thân và chứng chỉ hành nghề, phương tiện đang vận chuyển gần 165 thùng cát-tông bên trong chứa 82.500 bao thuốc lá mang nhãn hiệu ba số 5 (555) không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Số thuốc lá có giá trị ước tính gần 2,5 tỷ đồng.
Trước sự việc trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã biểu dương Phòng Trinh sát (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển). Đồng thời, giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hình thức khen thưởng phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng mở rộng điều tra, làm rõ hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá của các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 6/2015.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 164/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về cơ chế tiền lương đối với Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo thông báo kết luận, việc thực hiện cơ chế tài chính, lao động và tiền lương như doanh nghiệp nhà nước đối với Đài Truyền hình Việt Nam là chủ trương đúng đắn và đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; mở rộng mạng lưới phủ sóng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân; số lượng và chất lượng các chương trình và hoạt động của Đài tăng nhanh; cơ sở vật chất và trang thiết bị được đổi mới, hiện đại; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; tiền lương, thu nhập của người lao động ổn định và tăng lên.
Phó Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện cơ chế tiền lương đối với Đài Truyền hình Việt Nam phù hợp với đặc thù của Đài.
Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện xếp lương theo bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/1/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, làm cơ sở đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và giải quyết các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Đối với khối sản xuất và quản lý, thực hiện quản lý lao động, tiền lương theo quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Khi xác định quỹ tiền lương thực hiện, Đài Truyền hình Việt Nam phải bảo đảm đủ các điều kiện sau: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao; bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước; nộp ngân sách theo quy định của pháp luật.
Quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương bình quân thực hiện, trong đó số lao động thực tế sử dụng bình quân được xác định trên cơ sở kế hoạch sử dụng lao động hàng năm do Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phê duyệt theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Mức tiền lương bình quân thực hiện được xác định trên cơ sở tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề, năng suất lao động thực hiện (tính theo tổng thu trừ tổng chi chưa có lương) so với năm trước liền kề và điều chỉnh theo mức độ bảo đảm doanh thu bù đắp đủ chi phí thực hiện trong năm theo nguyên tắc: Doanh thu bù đắp được chi phí và năng suất lao động tăng thì tiền lương bình quân thực hiện tăng; doanh thu bù đắp được chi phí và năng suất lao động bằng năm trước liền kề thì tiền lương bình quân thực hiện tối đa bằng tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề; doanh thu không bù đắp được chi phí thì mức tiền lương bình quân thực hiện giảm, thấp nhất bằng hệ số lương và phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nhân với mức lương cơ sở.
Tiền lương và phụ cấp lương của Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc được tính trong quỹ tiền lương thực hiện của người lao động, gắn với trách nhiệm quản lý điều hành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, được trả theo Quy chế trả lương của Đài và phải bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân thực hiện không vượt quá mức tăng tiền lương bình quân thực hiện của người lao động. Quỹ lương của Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc được thể hiện thành một mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của Đài.
Tiền lương của người lao động thuộc khối nghiên cứu, đào tạo được xác định theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định.
Tiền lương của người lao động thuộc khối cơ quan thường trú ở nước ngoài được xác định theo quy định tại Nghị định số 157/2005/NĐ-CP ngày 23/12/2005 và Nghị định số 48/2012/NĐ-CP ngày 04/6/2012 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện quản lý lao động và tiền lương đối với Đài Truyền hình Việt Nam; tiếp nhận, kiểm tra, giám sát kế hoạch sử dụng lao động, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện, Quy chế trả lương của Đài đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch.
Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá chung việc thực hiện cơ chế tài chính, lao động, tiền lương theo quy định tại Nghị định số 18/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đồng thời, rà soát hệ thống định mức lao động để xây dựng và phê duyệt kế hoạch sử dụng lao động hàng năm; hoàn thiện Quy chế trả lương của Đài theo nguyên tắc Quy chế trả lương đối với Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc được xây dựng cùng với Quy chế trả lương của người lao động theo quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 và theo các nguyên tắc nêu trên, gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có ý kiến trước khi thực hiện./.