Chính phủ vừa ban hành Nghị định 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động.
Theo đó, đối tượng áp dụng Nghị định này là cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh:
- Phó Trưởng Ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội.
- Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp phó các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương.
- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật.
- Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng.
- Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng thuộc đối tượng áp dụng Nghị định này.
Điều kiện để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn
Cán bộ, công chức thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn quy định tại Nghị định này phải đáp ứng 2 điều kiện: 1- Có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ; 2- Không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.
Đối với cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh nêu trên, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm, nhưng không vượt quá 60 tuổi. Các cán bộ này khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Đối với những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm, nhưng không quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2015.
Các quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2015.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2015/NĐ-CP quy định về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Theo đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, bao gồm các cơ sở dữ liệu thành phần: Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương và Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được xây dựng thống nhất, dùng chung trên toàn quốc nhằm cung cấp chính xác, kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật, nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nghị định nêu rõ, văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật gồm: Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành hoặc phối hợp ban hành và văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (văn bản hợp nhất).
Nghị định quy định trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật; kể từ ngày ký xác thực đối với văn bản hợp nhất, đơn vị giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì soạn thảo văn bản phải gửi bản giấy và bản điện tử văn bản đến đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản phải đăng tải văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Đối với, văn bản quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ngày ký ban hành phải được gửi ngay đến đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản trong ngày công bố hoặc ký ban hành. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trên, đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản phải đăng tải văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Về trách nhiệm cập nhật văn bản, Nghị định quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác ở Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; văn bản hợp nhất thuộc thẩm quyền hợp nhất theo quy định của Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và cập nhật văn bản hợp nhất của Quốc hội do mình chủ trì soạn thảo.
Đối với các văn bản do Quốc hội ban hành hoặc phối hợp ban hành mà không do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương chủ trì soạn thảo thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện việc cập nhật;
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành.
Tăng cường giải pháp cấp bách đảm đảo ATGT
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và tai nạn giao thông tại các đoạn đường bộ giao cắt với đường sắt.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do người lái xe vi phạm quy định về trật tự ATGT đường bộ, nhất là vượt quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ...; tai nạn giao thông đường sắt có nguyên nhân chủ yếu của người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định khi tham gia giao thông tại đường ngang giữa đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó có sự buông lỏng quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải; công tác quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế...
Công bố danh sách các xe ô tô chở khách quá hạn đăng kiểm
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phân tích dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và trực tiếp kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp vận tải có nhiều xe vi phạm tốc độ và hành trình trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến nay; kiểm tra công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải đối với các Sở Giao thông vận tải có tỷ lệ xe ô tô kinh doanh vận tải đang quản lý vi phạm cao; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, lập danh sách các xe ô tô chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; đồng thời để người dân và cơ quan truyền thông cùng tham gia giám sát.
Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các điểm, vị trí đường ngang gây mất ATGT, đề ra biện pháp khắc phục về kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, đường ngang không có người gác có nguy cơ mất ATGT đường sắt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các địa phương có đường sắt đi qua, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm ATGT đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang đường sắt; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; hướng dẫn quy tắc ATGT đường sắt cho người được các địa phương bố trí cảnh giới tại các đường ngang; cung cấp lịch trình chạy tàu cho lực lượng Công an và Thanh tra giao thông để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đầu tư xây dựng các đường gom, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ mà có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm siết chặt quản lý kinh doanh và các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường kết nối các phương thức vận tải; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách đường sắt, hàng không, đường thuỷ nội địa nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm ATGT đường sắt, nhất là vốn đầu tư xây dựng các đường ngang, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Ứng dụng công nghệ trong phát hiện, xử lý vi phạm
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách, chú trọng tuần lưu, đặc biệt là trên các tuyến đường có lưu lượng xe khách lưu thông cao, các tuyến đường đang thi công nâng cấp, mở rộng; phối hợp với các đơn vị của ngành giao thông vận tải để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện quá niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, ATGT đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách.
Đồng thời chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; trong đó lưu ý chỉ đạo Công an các địa phương nắm vững lịch trình chạy tàu qua địa bàn để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô do địa phương cấp giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đồng thời triển khai kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, chú trọng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ, tránh vượt, nồng độ cồn, phần đường, làn đường; khẩn trương đầu tư xây dựng các đường gom, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban An toàn giao thông, phối hợp UBND cấp huyện và doanh nghiệp khai thác, bảo trì đường sắt xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trong đó quan tâm tuyên truyền, phổ biến quy tắc giao thông và cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông tại các đường ngang; tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm ATGT tại các đường ngang giữa đường bộ và đường sắt; bảo vệ hành lang an toàn đường sắt; phân công cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức, thực hiện kế hoạch.
Kiểm tra thông tin phản ánh về chất lượng công trình đập dâng Lạc Tiến (Hà Tĩnh)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra thông tin báo điện tử Vietnamnet phản ánh về chất lượng công trình Đập dâng Lạc Tiến (Hà Tĩnh).
Trước đó, báo điện tử Vietnamnet ngày 26/5/2015 có đăng bài phản ánh công trình Đập dâng Lạc Tiến có nhiều biểu hiện chất lượng công trình không đảm bảo.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này./.