Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định mới quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hộ kinh doanh; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định trên thay thế Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định số 05/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
Cụ thể, ngoài các quy định chung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Nghị định mới còn quy định cơ chế phối hợp liên thông điện tử tự động giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thông qua quy trình tạo và sử dụng mã số doanh nghiệp.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp.
Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất sử dụng mã số doanh nghiệp để quản lý và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
Việc liên thông điện tử tự động giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin đăng ký thuế sẽ góp phần rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn nữa cho người thành lập doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuống còn 3 ngày
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người thành lập doanh nghiệp, Nghị định mới đã bổ sung quy định về Phòng Đăng ký kinh doanh. Theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Một điểm mới nữa của Nghị định này là việc rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và quy định về cơ chế liên thông điện tử giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Theo đó, thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
DN có thể có nhiều con dấu
Nghị định mới cũng bổ sung quy định về hồ sơ thông báo mẫu dấu theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thông báo mẫu dấu, góp phần cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh của nước ta theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Nghị định mới quy định, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau.
Việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được kỳ vọng như một công cụ tiện lợi, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, minh bạch hóa công tác đăng ký doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Do đó, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký thành lập thông qua hình thức này, quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Nghị định mới được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Cụ thể, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung một số quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...
Nhân sự mới Bộ KHCN và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định phê chuẩn nhân sự Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Đặng Minh Thông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đỗ Minh Dân, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
20 ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư phát triển
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, vốn này được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được thuộc 20 ngành, lĩnh vực gồm: 1- Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; 2- Công nghiệp; 3- Thương mại; 4- Giao thông; 5- Cấp nước, thoát nước và xử lý rác thải, nước thải; 6- Kho tàng; 7- Văn hóa; 8- Thể thao; 9- Du lịch; 10- Khoa học, công nghệ; 11- Thông tin; 12- Truyền thông; 13- Công nghệ thông tin; 14- Giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; 15- Y tế, dân số và vệ sinh an toàn thực phẩm; 16- Xã hội; 17- Tài nguyên và môi trường; 18- Quản lý nhà nước; 19- Quốc phòng, an ninh; 20- Dự trữ quốc gia.
Ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo
Theo Quyết định, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của quốc gia, của các ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.
Quyết định nêu rõ, ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước.
Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các cấp, các ngành.
5 tiêu chí phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương
Quyết định cũng nêu rõ tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối (không bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết) cho các địa phương gồm 5 nhóm:
1- Dân số (số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số của các địa phương).
2- Trình độ phát triển (tỷ lệ hộ nghèo, số thu nội địa (không bao gồm số thu sử dụng đất) và tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương).
3- Diện tích (diện tích đất tự nhiên của các địa phương và tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên).
4- Đơn vị hành chính cấp huyện (gồm số đơn vị hành chính cấp huyện; số huyện miền núi; vùng cao, hải đảo; biên giới đất liền của từng địa phương).
5- Các tiêu chí bổ sung (tiêu chí xã ATK thuộc vùng căn cứ kháng chiến (ATK lịch sử); tiêu chí các xã biên giới đất liền, gồm: các xã biên giới Việt Nam - Trung Quốc, các xã biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia).
Từng tiêu chí được tính theo điểm. Căn cứ vào các tiêu chí trên để tính ra số điểm của từng tỉnh, thành phố và tổng số điểm của 63 tỉnh, thành phố làm căn cứ để phân bổ vốn đầu tư trong cân đối.
Tăng cường quản lý xe 4 bánh chạy điện
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo quản lý đối với hoạt động của xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trong quá trình thực hiện thí điểm.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ; trong đó lưu ý xem xét đưa loại hình xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện và các loại phương tiện giao không khác (nếu có) vào điều chỉnh trong Luật.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện để chở khách du lịch trong phạm vi hẹp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, ngoài 4 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm, còn có một số địa phương Khánh Hòa, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa loại hình xe 4 bánh chạy năng lượng điện này vào hoạt động chở khách du lịch theo nhu cầu thực tế của địa phương.
Thực tế tại 10 địa phương trên, hiện có tổng số 30 doanh nghiệp, một số hộ kinh doanh cá thể với 1.086 phương tiện đang hoạt động.
Sau một thời gian triển khai, các Dự án sử dụng phương tiện nêu trên phục vụ nhân dân và du khách đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: cơ bản đảm bảo tuyệt đối an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác, tốc độ di chuyển của phương tiện thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông, chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này gây thương tích cho người và phương tiện khác khi lưu thông.
Đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường; hoạt động của xe 4 bánh chạy năng lượng điện đang rất được người dân quan tâm; nó đã thể hiện tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, hiện đại.
Nhưng loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ,... đều gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện.
Đầu tư lưới điện truyền tải
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án Đầu tư lưới điện truyền tải, phân kỳ 3 vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW).
Dự án trên có tổng mức vốn đầu tư là 462 triệu USD. Trong đó, vốn ODA 317,36 triệu USD và vốn đối ứng 144,64 triệu USD.
Dự án được thực hiện trong 3 năm (2015-2018) với mục tiêu mở rộng và phát triển hệ thống lưới truyền tải điện trên toàn lãnh thổ; giảm quá tải cho lưới điện quốc gia và đáp ứng nhu cầu điện năng tại các khu vực có Dự án; truyền tải kịp thời công suất từ các nhà máy điện mới đến các trung tâm phụ tải đang tăng trưởng; duy trì độ an toàn, nâng cao độ tin cậy và chất lượng điện của hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Phê duyệt danh mục Khoản vay ADB đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Khoản vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ II của Dự án Đường cao tốc GMS Bến Lức - Long Thành.
Cụ thể, tổng giá trị Khoản vay ADB lần II cho Dự án là 286 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường (OCR). Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ Dự án.
Dự án đầu tư xây dựng 25,2 km đường cao tốc 4 làn xe (phần phía Đông) của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành để khai thác đồng bộ toàn tuyến vào quý II năm 2019.
Dự án áp dụng cơ chế vay lại 100% vốn vay nước ngoài. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2016 đến 2019.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ giải ngân khoản vay lần I đáp ứng đúng tiến độ thực hiện Dự án.
Chính sách cho lao động dôi dư khi CPH Đoạn Đường bộ Hải Dương
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư khi cổ phần hóa Đoạn Đường bộ Hải Dương.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hải Dương vận dụng Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20/8/2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu để giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư khi cổ phần hóa Đoạn Đường bộ Hải Dương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương và doanh nghiệp thực hiện.
Đoạn Đường bộ Hải Dương là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động trực thuộc Sở Giao thông vận tải, có chức năng quản lý, duy tu, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất cầu, đường bộ, bến phà được giao; quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo giao thông thông suốt và tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoạn theo quy định.
Phát triển hệ thống tài chính vi mô
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để đảm bảo mục tiêu và các giải pháp về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam để xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền về hoạt động tài chính vi mô theo qui định của Quyết định 2195/QĐ-TTg.
Đồng thời khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành trước ngày 1/12/2015 các văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tổ chức tín dụng về hoạt động tài chính vi mô, theo hướng khuyến khích phát triển để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, phù hợp với hoạt động thực tế trong thời gian qua, tạo điều kiện để phát triển ở các vùng khó khăn, phục vụ người nghèo, cận nghèo.
Bên cạnh đó nghiên cứu áp dụng cơ chế lãi suất phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô, đảm bảo đủ bù đắp chi phí, phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận để góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý bất cập về quy định lãi suất của Bộ Luật dân sự đối với hoạt động tài chính vi mô.
Trước ngày 1/11/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về nguồn vốn đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô để cho vay người nghèo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho hoạt động tài chính vi mô theo hướng khuyến khích sự tham gia các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2015.
Hỗ trợ Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội tài chính vi mô theo hướng kế thừa các hoạt động hiện tại của mạng lưới tài chính vi mô tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thuế, phí, cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp với hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg, phù hợp với qui định về chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư năm 2014; nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô được cấp phép tiếp cận các nguồn vốn vay ODA hoặc vay trực tiếp từ nước ngoài, các nguồn vốn vay ưu đãi khác, được hưởng nguồn vốn dành cho xóa đói giảm nghèo từ các quỹ quốc tế tài trợ.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về tài chính vi mô để tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò của hoạt động tài chính vi mô đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi; tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các chương trình, dự án tài chính vi mô triển khai hoạt động trên địa bàn và mở rộng hoạt động ra các xã, huyện mới.
UBND các tỉnh, thành phố phân bổ hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn khác cho hoạt động tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn; tạo điều kiện về việc cơ sở vật chất (cấp đất xây dựng trụ sở, tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương...) cho các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn./.