In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2015.

30/09/2015 19:47
Công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư

Theo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư vừa được Chính phủ ban hành, công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật Đầu tư công và Nghị định này.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có quyền yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư: Quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc; đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Đối với các chương trình, dự án đầu tư có nguồn vốn và công sức của cộng đồng, dự án sử dụng ngân sách cấp xã hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã, ngoài các nội dung trên, chủ chương trình, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thêm thông tin về quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại và định mức vật tư; kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.

Quyền giám sát đầu tư của cộng đồng còn thể hiện qua việc kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án trong 2 trường hợp sau: 1- Phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hoá - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; 2- Chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2015.

Nhiều chính sách cho lao động nữ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.

Nghị định trên quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ gồm: Đại diện của lao động nữ; quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyên vọng chính đáng của lao động nữ.

Về chế độ chăm sóc sức khỏe, Nghị định quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Nhà nước cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Để hỗ trợ lao động nữ nuôi dạy con, Nghị định quy định căn cứ điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ.

UBND các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai việc tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ như: quy hoạch xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp các khu công nghiệp đã hình thành nhưng chưa có quy hoạch nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cần quy hoạch bổ sung để xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo; có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo...

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động nữ. Cụ thể, người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.

Phân công chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, dự án Luật sẽ được trình bày tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2015, bế mạc ngày 30/11/2015.

Theo sự phân công của Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cập nhật tiến độ thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, gửi Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo tổng hợp của Chính phủ.

Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 97/2015/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 và định hướng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Báo cáo của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; Dự án Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phí, lệ phí.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn bị Báo cáo về tình hình quốc phòng năm 2015; Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Bộ trưởng Bộ Công an chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật  và tội phạm năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; Báo cáo của Chính phủ về tình hình an ninh năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; Báo cáo của Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi); Báo cáo của Chính phủ về công tác bồi thường của Nhà nước năm 2015; Dự án Luật đấu giá tài sản; Dự án Luật tiếp cận thông tin.

Báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại của Nhà nước; Dự án luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) sẽ do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khí tượng thủy văn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; Dự án Luật về hội; Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình trật tự an toàn giao thông; Báo cáo về tình hình thực hiện công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh; phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi).

Dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sẽ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị dự án Luật báo chí (sửa đổi); phối hợp chuẩn bị Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật an toàn thông tin.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2012/QH13 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự án thủy điện Lai Châu; Báo cáo về tình hình thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Báo cáo về kết quả hoạt động và việc sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân sẽ do Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tổng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2016, năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, năm 2016 và Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Khai thác nguồn gen thành sản phẩm thương mại

Đến năm 2020, khai thác và phát triển ít nhất 100 nguồn gen có giá trị ứng dụng để phát triển phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh - quốc phòng.

Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, khai thác trực tiếp các nguồn gen có đặc tính quý hiếm, có giá trị kinh tế đã được đánh giá trong giai đoạn bảo tồn để phát triển thành các sản phẩm thương mại mang thương hiệu Việt, có tính cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, khai thác các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm có giá trị khoa học, giá trị y - dược, có triển vọng phát triển sản phẩm mới nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.

Khai thác và phát triển nhanh những nguồn gen có khả năng làm vật liệu cho công tác chọn tạo giống (cung cấp vật liệu khởi đầu cho chọn giống, dòng bố mẹ cho lai tạo giống).

Xác định các nguồn gen ưu tiên cần thu thập, bảo tồn

Cũng theo Chương trình, cần thu thập, lưu giữ an toàn nguồn gen sinh vật. Cụ thể, xác định các nguồn gen ưu tiên cần thu thập, bảo tồn. Đặc biệt chú trọng các nguồn gen có khả năng tạo ra sản phẩm chủ lực có giá trị cao, các nguồn gen đặc sản, đặc hữu, các nguồn gen có nguy cơ thất thoát và tuyệt chủng cao.

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ từng bước chuẩn hóa quốc tế phương pháp bảo quản, lưu giữ nguồn gen trong bảo tồn chuyển chỗ.

Mở rộng nghiên cứu bảo tồn tại chỗ các giống cây trồng, vật nuôi bản địa và các loài hoang dã có quan hệ gần với các giống vật nuôi, cây trồng, cây làm thuốc, các chủng vi sinh vật quý, hiếm; thực hiện bảo tồn chuyển chỗ, bảo tồn trên đồng ruộng phù hợp với từng đối tượng nguồn gen.

Hà Tĩnh xây dựng KKT Vũng Áng phát triển nhanh, bền vững

Hà Tĩnh quyết xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng phát triển nhanh, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển dịch đúng hướng, có bước đột phá nhảy vọt. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng nhanh. Các dự án trọng điểm trên địa bàn được quan tâm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án tại KKT Vũng Áng. Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành và về đích trước một năm các chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Đồng thời, tỉnh cũng cần huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm; tiếp tục đầu tư vào KKT Vũng Áng, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xây dựng KKT Vũng Áng phát triển nhanh, bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững...

Bổ sung vốn nâng cấp Quốc lộ 3B

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chuyển phần vốn trái phiếu Chính phủ không sử dụng hết của Dự án kéo dài và nâng cấp đường hạ cất cánh 35R-17L cảng hàng không Đà Nẵng và Dự án cải tạo nâng cấp QL4B đoạn Km0-Km33 để bổ sung vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa - cửa khẩu Pò Mã (Km0 00 - Km66 600).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về số vốn dư của hai dự án nêu trên; thực hiện điều chỉnh dự án Quốc lộ 3B theo thẩm quyền, đúng quy định hiện hành, bảo đảm không thay đổi quy mô dự án và không vượt tổng vốn trái phiếu Chính phủ đã giao cho Bộ.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ngày 31/10/2008 với tổng mức đầu tư là 2.191 tỷ đồng. Dự án khởi công từ 2010, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011, Dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ sau 2015.

Ngày 21/2/2014, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh phân kỳ đầu tư Dự án thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 chỉ thi công hoàn thiện đoạn đèo Áng Toòng; 5 cầu trên tuyến và 3,5km đoạn tránh thị trấn Yên Lạc; giai đoạn 2 bao gồm các hạng mục còn lại. Đến nay, khối lượng thi công giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành.

Kiểm tra thông tin tàu du lịch vịnh Hạ Long bị "làm luật"

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo chí phản ánh về việc hàng trăm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bị "làm luật".

Trước đó, ngày 25/9/2015, một số báo phản ánh về việc hàng trăm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị "làm luật" có việc lạm thu, những nhiễu đối với các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.

Về việc trên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo nêu trên, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 9/10 tới.

Đẩy nhanh cổ phần hóa Công ty Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Chu Lai trong năm 2015.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai, Quảng Nam, tiền thân là Công ty Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, sau 3 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (2012-2014) Công ty đã tạo ra bước chuyển đáng kể, đặc biệt trong thu hút đầu tư cơ bản lấp đầy KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 1; tạo nguồn thu trên 180 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 2; hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Thăng.

Theo kế hoạch trung hạn, Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng KCN giai đoạn 2 theo phương thức đầu tư cuốn chiếu, đầu tư hạ tầng đến đâu kêu gọi đầu tư đến đó, phấn đấu đến 2020 về cơ bản lấp đầy toàn KCN.

Chấn chỉnh công tác quản lý đất nông lâm nghiệp tỉnh Bình Phước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giao đất, cho thuê đất sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng đất tại các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn; việc triển khai các đề án, dự án tổng thể bố trí đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gắn với các chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất... trên địa bàn đảm bảo sự công khai, minh bạch và các quy định của pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng người dân trên địa bàn không có đất ở, thiếu đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.

UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến xảy ra tình trạng chậm thực hiện các thủ tục cải tạo rừng nghèo kiệt, chậm hoặc chưa thực hiện thủ tục về đất đai và làm rõ những thiệt hại cụ thể để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời chỉ đạo việc hoàn thiện thủ tục pháp luật về đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho thuê đất trồng cao su, đã hoàn thiện đề án, dự án, các thủ tục chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su theo quy định, nay có nhu cầu tiếp tục thuê đất đảm bảo đúng đối tượng theo quy định.

Bên cạnh đó có giải pháp xử lý quyết liệt, kiên quyết thu hồi lại đất sau khi thực hiện rà soát, kiểm tra các trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục, chậm thực hiện dự án hoặc không có đơn xin thuê đất, không trực tiếp sản xuất để đất hoang hóa, gây lãng phí đất đai; vi phạm pháp luật đất đai để quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, tránh tình trạng gây bức xúc trong dư luận.

Đầu tư trực tiếp đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý áp dụng cơ chế nhà nước đầu tư trực tiếp đối với Khoản vay hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục kiểm soát chi và thanh toán nợ khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật nói trên theo cơ chế tài chính mới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh các điều khoản liên quan của Hiệp định vay hỗ trợ kỹ thuật theo cơ chế tài chính mới./.