In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2015.

28/12/2015 18:00
Dân quân tự vệ phối hợp bảo vệ biên giới, biển, đảo

Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.

Cụ thể, trong bảo vệ biên giới đất liền, Nghị định quy định Dân quân tự vệ phối hợp với đơn vị Bộ đội Biên phòng và lực lượng liên quan bảo vệ đường biên giới quốc gia, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trái phép tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia; đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, phản cách mạng, gián điệp, thổ phỉ, biệt kích, các tội phạm khác xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền; đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới theo quy định của pháp luật, truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa.

Trong hoạt động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam, Dân quân tự vệ phối hợp với các đơn vị Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và lực lượng liên quan đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam; nắm tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn, an ninh, trật tự, các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam, báo cáo người chỉ huy trực tiếp và thông báo kịp thời cho đơn vị chủ trì; ngăn chặn, xua đuổi, bắt giữ người, phương tiện, tàu, thuyền vi phạm pháp luật Việt Nam, chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam; bảo vệ ngư dân, ngư trường và tài nguyên biển; phối hợp huấn luyện, diễn tập, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao.

Khi xảy ra tình huống tranh chấp, khiếu kiện đông người, có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân ở cơ sở, biểu tình trái phép, Dân quân tự vệ phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết, xử lý tranh chấp, khiếu kiện có hành vi vi phạm pháp luật; phá hoại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân; chủ trương, biện pháp của cấp uỷ, chính quyền cấp xã, cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn; phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan nắm tình hình, báo cáo cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, thông báo kịp thời với Công an có thẩm quyền.

Đồng thời, Dân quân tự vệ phối hợp với Công an cấp xã và lực lượng liên quan phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, kích động phá hoại tài sản, phạm pháp quả tang và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước

Nghị định hướng dẫn về dự  án quan trọng quốc gia vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định này hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, bao gồm: Tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước; hồ sơ, thủ tục trình thẩm định và nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia; thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.

Trong đó, Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi) để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Hội đồng thẩm định nhà nước gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thẩm định và các hoạt động thẩm định theo nhiệm vụ  được giao; ý kiến đánh giá kết quả thẩm định, kết luận và kiến nghị của Hội đồng thẩm định nhà nước về các nội dung của dự án quan trọng quốc gia.

Hội đồng thẩm định nhà nước có quyền xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, chương trình và kế hoạch công tác của Hội đồng và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia, thanh toán các chi phí thẩm tra, thẩm định theo dự toán và tiến độ thực hiện công việc thẩm định đã được phê duyệt; yêu cầu nhà thầu tư vấn cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.

Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế  độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được uỷ quyền). Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước.
 
Ông Trần Thanh Liêm giữ chức Chủ tịch tỉnh Bình Dương

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các Quyết định phê chuẩn nhân sự UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Cụ thể, Thủ tướng đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đặng Minh Hưng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Hoàng Thao, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Giám đốc Công an Tỉnh và ông Nguyễn Thanh Trúc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng thời, Thủ tướng cũng ký Quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Văn Nam để nhận nhiệm vụ mới; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Võ Thành Đức, Thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an Tỉnh, để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ.
 
Viettel được tăng vốn điều lệ lên 300.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Tập đoàn Viettel).

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức vốn điều lệ giai đoạn 2015-2020 của Tập đoàn Viettel là 300.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Viettel thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này. Hết năm 2020, trường hợp nguồn bổ sung vốn điều lệ không đủ, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và bên vững liên tục trong nhiều năm, đến nay Tập đoàn Viettel đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu Quốc gia trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Năm 2014, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt 193.134 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2009, lợi nhuận là 42.219 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với năm 2009; bảo đảm việc làm ổn định cho 27.132 lao động với mức thu nhập bình quân là 25 triệu đồng/người/tháng. Tại thời điểm 31/12/2014, vốn chủ sở hữu là 101.813 tỷ đồng, tổng tài sản là 140.876 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, mục tiêu phát triển của Viettel vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng được Đảng và Nhà nước giao. Xây dựng Viettel trở thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn viễn thông - công nghệ thông tin toàn cầu có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

Đến năm 2020, tổng doanh thu ước đạt 548.784 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2014; tổng tài sản ước đạt 437.285 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với thời điểm 31/12/2014; tổng lợi nhuận trước thuế từ năm 2015 đến 2020 ước đạt 415.979 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với giai đoạn 2010 - 2014. Tổng giá trị đầu tư, xây dựng tài sản cố định là 419.648 tỷ đồng...

Căn cứ Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập doàn Viettel được điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 100.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng.
 
Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ

Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý, nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, hình thành lực lượng chuyên gia khoa học và công nghệ trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, sẽ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 150 chuyên gia (giai đoạn 2016 - 2020) và  khoảng 200 chuyên gia (giai đoạn 2021 - 2025) ở nước ngoài nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng nghiên cứu và triển khai những vấn đề khoa học và công nghệ của ngành, lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới; tạo nguồn để phát triển thành nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.

Hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia là tuyển  chọn các chuyên gia thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đi đào tạo, bồi dưỡng thông qua làm việc có thời hạn hoặc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hoặc doanh nghiệp ở nước ngoài. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng không quá 2 năm, trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50 nhóm nghiên cứu (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 80 nhóm nghiên cứu (giai đoạn 2021 - 2025) ở nước ngoài nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của ngành, lĩnh vực. Tuyển chọn các nhóm nghiên cứu hình thành từ viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trường đại học hoặc doanh nghiệp đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, thông qua triển khai nhiệm vụ nghiên cứu. Thời gian đào tạo, bồi dưỡng không quá 6 tháng.

Bồi dưỡng sau tiến sỹ cho khoảng 100 người (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 200 người (giai đoạn 2021 - 2025) ở trong nước và nước ngoài để phát triển và hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu và triển khai; tạo nguồn để hình thành chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng sau tiến sỹ là tuyển chọn nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có trình độ tiến sỹ, đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc doanh nghiệp đi bồi dưỡng ở trong nước hoặc nước ngoài, thông qua triển khai nhiệm vụ nghiên cứu. Thời gian bồi dưỡng không quá 2 năm.

Bồi dưỡng khoảng 200 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 300 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ (giai đoạn từ 2021 - 2025) về kiến thức, kỹ năng quản lý khoa học và công nghệ, quản lý đổi mới sáng tạo ở trong nước và nước ngoài. Tuyển chọn nhân lực quản lý khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp đi bồi dưỡng ở trong nước (kết hợp mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy) hoặc ở nước ngoài, thông qua các khóa học chuyên đề hoặc các hình thức thiết thực khác. Thời gian bồi dưỡng không quá 3 tháng.
 
Không cấp bảo lãnh CP cho Tập đoàn có khó khăn tài chính

Không cấp bảo lãnh Chính phủ  đối với các Tập đoàn, Tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Đó là một trong những đề nghị của Bộ Tài chính về việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các năm tiếp theo vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Theo đó, duy trì yêu cầu về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (3 lần) khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ; chủ yếu bảo lãnh các khoản vay trong nước cho các dự án cấp bách, đã vay một phần nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ; giảm dần việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay trong nước riêng lẻ.

Hạn chế áp dụng cơ chế  đặc thù khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự  án, đặc biệt là việc chấp thuận tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý không cấp bảo lãnh Chính phủ đối với các Tập đoàn, Tổng công ty có khó khăn tài chính, có nợ với Quỹ Tích lũy hoặc đang trong quá trình phải xử lý nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hoặc nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Không cấp bảo lãnh Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 cho một chủ đầu tư để thực hiện nhiều dự án trong một năm kế hoạch với trị giá cấp bảo lãnh vượt quá 500 triệu USD/dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi hoặc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05/01/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Bộ Tài chính hướng dẫn, tổng hợp các chương trình đầu tư trung hạn 3 năm và kế hoạch điều chỉnh từng năm theo đăng ký của các chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn được Chính phủ bảo lãnh để xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ hạn mức bảo lãnh.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo và có chính sách ưu tiên, khuyến khích thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng nhất là trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, BOT để tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, giảm sức ép huy động vốn do Chính phủ bảo lãnh.

Đề cao trách nhiệm và sự chủ động trong phối hợp với các Bộ chuyên ngành, nâng cao chất lượng thẩm định phương án đầu tư tổng thể (nhất là về công nghệ, năng lực tài chính, quản lý dự án của chủ đầu tư, cơ sở pháp lý trong việc huy động vốn đề nghị Chính phủ bảo lãnh) trước khi quyết định đầu tư.

Các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu tài chính đối với các dự án đang gặp khó khăn; thực hiện các giải pháp tái cấu trúc tài chính để bảo đảm vốn chủ sở hữu theo quy định, nâng cao năng lực tài chính, khả năng trả nợ và hiệu quả hoạt động; giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần xử lý.
 
Tiêu chí xác định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng 5 tiêu chí.

Quyết định quy định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng 5 tiêu chí sau:

1- Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng.

2- Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng, tập trung vào các nhóm sản phẩm sau:

a- Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội;
b- Sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao; chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia (Viet GAP).

3- Công nghệ ứng dụng là các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường. Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động.

4- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng chuyên canh, diện tích liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên thích hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thuỷ lợi, điện, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.

5- Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng:
a) Sản xuất hoa diện tích tối thiểu là 50 ha;
b) Sản xuất rau an toàn diện tích tối thiểu là 100 ha;
c) Sản xuất giống lúa diện tích tối thiểu là 100 ha;
d) Nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu diện tích tối thiểu là 5 ha;
đ) Cây ăn quả lâu năm diện tích tối thiểu là 300 ha;
e) Cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, hồ tiêu) diện tích tối thiểu là 300 ha;
g) Thủy sản: Sản xuất giống diện tích tối thiểu là 20 ha; nuôi thương phẩm diện tích tối thiểu là 200 ha;
h) Chăn nuôi bò sữa số lượng tối thiểu là 10.000 con/năm; bò thịt tối thiểu 20.000 con/năm;
i) Chăn nuôi lợn thịt số lượng tối thiểu là 40.000 con/năm; lợn giống (lợn nái) tối thiểu 2.000 con/năm;
k) Chăn nuôi gia cầm số lượng tối thiểu là 50.000 con/lứa.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Công nhận huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng NTM".

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, thời gian qua, huyện Lâm Thao đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của người dân, tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của Trung ương, của tỉnh đã tạo sự thay đổi tích cực trên vùng quê giàu truyền thống văn hóa. Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh đủ điều kiện đạt chuẩn huyện NTM.

Nhiều xã của huyện Lâm Thao đã có sự khởi sắc rõ rệt, mà điều nhận thấy trước tiên là hệ thống hạ tầng cơ sở được nâng cấp. Với tổng mức đầu tư đạt hơn 584 tỷ đồng, 4 năm qua Lâm Thao đã bê tông hóa được trên 473 km đường giao thông nông thôn; thêm 60 km kênh mương được cứng hóa đưa tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa của toàn huyện lên 57,65%; đảm bảo các điều kiện thực hiện chuẩn hóa 49/53 trường học các cấp; xây dựng 100% khu dân cư có nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng; cải tạo, nâng cấp và xây mới 5 chợ nông thôn... Cùng với các công trình phúc lợi và dân sinh được cải thiện, công trình nhà ở dân cư ở các địa phương - một trong những tiêu chí chủ chốt của Bộ tiêu chuẩn NTM, cũng không ngừng được nâng cấp...

Mục tiêu của Lâm Thao thời gian tới là nâng cao chất lượng các tiêu chí  đã đạt được để việc chuẩn hóa diện mạo nông nghiệp nông thôn của huyện thực sự là bước đột phá mang tính bền vững./.