Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1251/CĐ-TTg về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Nội dung công điện như sau:
Trong thời gian qua, tình hình an ninh, trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có nhiều diễn biến phức tạp; hiện tượng các lái xe chèn ép nhau để tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến và tạo dư luận xấu trong xã hội.
Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và ổn định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, tạo sự yên tâm, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Giao thông vận tải
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Hà Nội và Hải Phòng; trong đó, xác định rõ lộ trình giữa bến đầu và bến cuối; xác định rõ các điểm đón, trả khách dọc trên tuyến; tổng số chuyến xe trong ngày và tần suất tối đa trong mỗi giờ cao điểm; xây dựng lịch trình khai thác cụ thể cho từng chuyến xe trên tuyến, thống nhất với Sở Giao thông vận tải địa phương, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời gian chưa công bố phương án điều chỉnh quy hoạch, chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác tuyến Hà Nội-Hải Phòng đối với phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung giữa tất cả các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
- Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở Giao thông vận tải thí điểm tổ chức điều hành tập trung theo lộ trình, lịch trình được công bố trong phương án quy hoạch chi tiết điều chỉnh; tổ chức sơ kết, đánh giá, làm căn cứ để tiếp tục triển khai trong cả nước.
- Giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan truyền thông và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất phát động phong trào xây dựng (nếp sống văn hóa mới) văn hóa giao thông.
2. Bộ Công an
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng triển khai đồng bộ các lĩnh vực công tác nghiệp vụ; chủ động phòng ngừa, rà soát, lên danh sách các đối tượng hình sự hoạt động trên tuyến; kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu "bảo kê", những đối tượng có hành vi đe dọa, cố ý gây thương tích cho các lái xe và phụ xe, gây rối trật tự công cộng để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với lái xe, chủ xe của các nhà xe đe dọa, sử dụng vũ lực để tranh giành khách, vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, vi phạm tốc độ, dừng, đỗ không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, không nhường đường cho xe ưu tiên…; mở đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm tại các bến xe và dọc tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
- Chỉ đạo công an địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cá nhân, đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các bến xe và trên tuyến còn để xảy ra vi phạm và mất trật tự trên địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công quản lý.
- Chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi ném đá vào các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; chỉ đạo Công an địa phương phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông vận tải tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các phương tiện lưu thông vào các tuyến đường dân sinh, đường địa phương trái quy định, nhằm tránh các trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
3. UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý đối với các bến xe, quy hoạch mạng lưới tuyến, tổ chức quản lý các điểm đón, trả khách dành cho xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định; phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho các đơn vị kinh doanh vận tải; nghiên cứu, lắp đặt hệ thống giám sát tại các bến xe và một số điểm trọng yếu trên tuyến để phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm, nhất là "xe dù", xe chạy vượt tuyến, xe chạy sai hành trình, đón, trả khách sai quy định và các hành vi vi phạm khác.
- Chỉ đạo Giám đốc Sở Giao thông vận tải quy định rõ hình thức, biện pháp xử lý đối với giám đốc, ban quản lý các bến xe và thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Sở Giao thông vận tải để xảy ra các vi phạm trên địa bàn hoặc lĩnh vực quản lý. Đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự thì thực hiện các hình thức xử lý như: Đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi biển hiệu, phù hiệu hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải; đồng thời, thông báo cụ thể danh sách xe, lịch trình, tuyến đường hoạt động cho lực lượng cảnh sát giao thông để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
4. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia
- Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phố biến, hướng dẫn các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải hành khách để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin, dữ liệu về vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trước mắt là chia sẻ thông tin giữa lực lượng cảnh sát giao thông với các cơ quan chức năng của ngành Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải) về vi phạm và xử phạt vi phạm đối với người điều khiển và chủ phương tiện kinh doanh vận tải.
Phê chuẩn nhân sự 5 tỉnh, thành phố
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố là TPHCM, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Nam, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2016-2021.
Cụ thể, đối với TPHCM, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2011-2016.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Lê Thanh Liêm, ông Lê Văn Khoa và ông Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2011-2016; bà Nguyễn Thị Thu và ông Huỳnh Cách Mạng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2011-2016.
Với tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Lại Thanh Sơn và ông Dương Văn Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011-2016; bà Nguyễn Thị Thu Hà và ông Lê Ánh Dương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Với tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011-2016.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011- 2016; ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011-2016; ông Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2011-2016.
Với tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2011-2016.
Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: Ông Trần Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2011-2016; ông Cao Huy, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, ông Trương Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2011-2016.
Còn với tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2011-2016.
Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2016-2021 đối với: ông Đặng Văn Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Trường Thọ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2011-2016; ông Đặng Ngọc Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà.
Cơ chế đặc thù Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh-Hà Đông.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về dự toán: Tổng thầu tự quyết định và chịu trách nhiệm việc áp dụng định mức, đơn giá; triển khai theo hình thức giá hợp đồng trọn gói bảo đảm không vượt giá hợp đồng trọn gói đã được ký kết và không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt.
Về quản lý chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Về lựa chọn nhà thầu nước ngoài thực hiện gói thầu tư vấn đánh giá an toàn hệ thống trước khi đưa Dự án vào khai thác, sử dụng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và đáp ứng các yêu cầu của gói thầu.
Về việc ký phụ lục hợp đồng EPC, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tự chịu trách nhiệm đối với những nội dung đã thực hiện; đồng thời, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo việc đàm phán và ký kết phụ lục hợp đồng EPC theo hình thức hợp đồng trọn gói, bảo đảm không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, phát sinh chi phí và không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được phê duyệt.
Đối với việc mua sắm thiết bị, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giá trọn gói mua sắm thiết bị giảm tối thiểu 5% so với dự toán phần thiết bị. Giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, đàm phán với tổng thầu và chịu trách nhiệm toàn diện về giá trọn gói mua sắm thiết bị, bảo đảm chặt chẽ, đạt hiệu quả tối ưu, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát.
Về chi phí đào tạo và mua sắm đoàn tàu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Về nguồn vốn vay bổ sung và giải ngân của Dự án: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để sớm ký kết Hiệp định vay vốn ưu đãi bổ sung cho Dự án. Trong thời gian chờ đợi, đồng ý về nguyên tắc Bộ Giao thông vận tải sử dụng số tiền còn lại từ Hiệp định tín dụng ưu đãi bên mua để giải ngân theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng đã ký kết (khối lượng và tạm ứng bổ sung). Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Tài chính trước khi thực hiện giải ngân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá lại việc chuẩn bị, thực hiện Dự án cho tới nay để nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc triển khai tiếp theo của Dự án và các dự án khác sau này thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC nhằm quản lý dự án chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, tuyệt đối an toàn cho công trình và cộng đồng.
Bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hoá nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030.
Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài nhằm bổ sung và phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, văn nghệ sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Đề án phấn đấu đến năm 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo ở nước ngoài 300 cử nhân, 180 thạc sĩ, 50 tiến sĩ; 40 người có trình độ trung cấp và bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 360 người là giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật toàn quốc theo các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án.
Đề án ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hoá nghệ thuật thuộc 6 lĩnh vực và 1 ngành, gồm: Âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học. Lựa chọn các cơ sở đào tạo uy tín, có thế mạnh đào tạo về văn hóa nghệ thuật thuộc các lĩnh vực và ngành đào tạo của Đề án ở các nước tiên tiến như: Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, trong đó ưu tiên gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đã ký thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh Việt Nam.
Theo Đề án, đối tượng được đào tạo trình độ đại học là học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong nước đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện hoặc đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế; lưu học sinh đã tốt nghiệp trung cấp tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài theo Đề án này được cơ sở đào tạo trong nước cử đi học trung cấp đề nghị dự tuyển trình độ đại học; học sinh, sinh viên xuất sắc thuộc chương trình đào tạo tài năng tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật được lựa chọn để gửi đi đào tạo ở nước ngoài với cùng trình độ hoặc trình độ cao hơn.
Đào tạo trình độ thạc sĩ cho các đối tượng sau: Giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên của cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hoá nghệ thuật trong nước được cơ sở đào tạo, nghiên cứu đề nghị dự tuyển trình độ thạc sĩ; sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tại các cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật trong nước có nguyện vọng đi học tập ở nước ngoài để về làm giảng viên, nghiên cứu viên cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật; lưu học sinh đã tốt nghiệp đại học tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài theo Đề án này được cơ sở đào tạo trong nước cử đi học đại học đề nghị dự tuyển trình độ thạc sĩ.
Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên hoặc các đối tượng là lưu học sinh tốt nghiệp đại học, thạc sĩ ở nước ngoài với kết quả học tập đạt loại xuất sắc và được cơ sở đào tạo nước ngoài nhận đào tạo chuyển tiếp trình độ tiến sĩ.
Kiểm tra thông tin "thực phẩm bẩn-người dân đang bị đầu độc"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khẩn trương kiểm tra sự việc báo nêu tại phóng sự “Thực phẩm bẩn - người dân đang bị “đầu độc” bởi sự vô cảm của các cơ quan quản lý?”.
Trước đó, trong các ngày 6, 7, 8 và 9 tháng 7 năm 2016, Báo Lao động có phóng sự dài kỳ: “Thực phẩm bẩn - người dân đang bị “đầu độc” bởi sự vô cảm của các cơ quan quản lý?”, phản ánh việc sản xuất mỡ bẩn ở thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; chế biến thịt lợn chết ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội và ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; sản xuất “rượu độc” tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, chế biến thực phẩm từ chuột cống ở Từ Sơn, Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh… Các vi phạm trên diễn ra công khai, song các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thờ ơ, bất lực, không phát hiện được và xử lý theo quy định.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khẩn trương kiểm tra sự việc báo nêu, xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các quy định liên quan, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ./.