Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1642/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác).
Tổ công tác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng. Hai Tổ phó gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục.
Các thành viên của Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn; Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ (Thường trực Tổ công tác); Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ Vũ Thiện Vương (Thường trực Tổ công tác); chuyên viên chính Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ Nguyễn Thị Loan (Thường trực, Thư ký Tổ công tác).
Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định nêu rõ, Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra việc phân loại văn bản, cập nhật nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại Văn phòng Chính phủ; việc cập nhật kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại các bộ, cơ quan, địa phương.
Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, cơ quan, địa phương. Đánh giá toàn diện, đầy đủ tiến độ, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao so với yêu cầu đề ra; có ý kiến về sự phù hợp của nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao so với thực tiễn. Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo đã giao để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết hoặc có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.
Định kỳ hàng tháng hoặc sau mỗi đợt kiểm tra, Tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo đầy đủ và chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra; kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Tại Quyết định 1600/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là: Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.
Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.
Rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Để đạt được các mục tiêu trên, giải pháp đầu tiên được đưa ra là tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức; đẩy mạnh công tác truyền thông; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình này.
Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thể hiện đầy đủ các nội dung của chương trình, đồng thời phản ánh đặc thù của các địa phương. Xây dựng, ban hành chính sách đối với các vùng đặc thù, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu tư đặc thù rút gọn; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình.
Đa dạng hoá các nguồn vốn huy động
Bên cạnh đó, cần đa dạng hoá các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.
Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình. Từ năm 2017, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới.
Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.
Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng...
Tổng mức vốn từ NSNN tối thiểu hơn 193.000 tỷ đồng
Dự kiến tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương 63.155,6 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách bao gồm: Vốn trực tiếp để thực hiện các nội dung của chương trình khoảng 24%; vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình hỗ trợ có mục tiêu; các dự án vốn ODA thực hiện trên địa bàn khoảng 6%. Vốn tín dụng (bao gồm tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại) khoảng 45%. Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 15%. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.
Cấp phép cho giáo viên nước ngoài dạy tại cơ sở giáo dục phổ thôngThủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc cấp giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Căn cứ Nghị định số 124/2014/NĐ-CP ngày 29/12/2014 của Chính phủ sửa đổi Khoản 6 Điều 31 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xét ý kiến của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trường hợp cấp giấy phép lao động đối với giáo viên là người nước ngoài ít nhất phải có trình độ đại học sư phạm hoặc tương đương (có trình độ đại học và có chứng chỉ sư phạm hoặc chứng chỉ giảng dạy giáo dục phổ thông) giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Quảng Ninh: Lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phục vụPhó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Quảng Ninh theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm mục tiêu phục vụ của các cơ quan.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực dễ xảy vi phạm gây ra tác động xấu đến môi trường và an toàn, trật tự xã hội.
Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 10 tháng 8 năm 2016.
Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiệu quả, Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm chỉ đạo tiếp tục triển khai Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020 một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, tập trung vào nhóm các thủ tục hành chính liên quan đến khởi sự doanh nghiệp, các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, du lịch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật đô thị, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng và hội nhập quốc tế. Gắn cải cách thủ tục hành chính với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ.
Rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Quảng Ninh cần tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương gắn với việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết việc triển khai hoạt động của Trung tâm hành chính công Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; từ kinh nghiệm thực tiễn đổi mới, cải cách hành chính của địa phương, tổng kết và có những đề xuất vào việc xây dựng Đề án của Trung ương về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc chủ trương thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công cấp huyện và giao UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm.
Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Ninh đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về thi tuyển công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực, bình đẳng, tạo cơ hội để người giỏi vào làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, tránh tiêu cực, vi phạm./.