Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 3/4/2017 về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới công sở; một số địa phương đã triển khai thủ tục và thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động, cải thiện điều kiện làm việc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; góp phần chỉnh trang đô thị.
Tuy nhiên, trong công tác đầu tư xây dựng công sở và khu hành chính tập trung còn có một số tồn tại, hạn chế: Một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả; quy mô đầu tư chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, gây lãng phí.
Tạm dừng khởi công mới Dự án khu hành chính tập trung thuộc nhóm A
Để khắc phục các tồn tại, bất cập và bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tạm dừng khởi công mới các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thuộc nhóm A trong giai đoạn 2017 - 2020, trừ những trường hợp đáp ứng được các yêu cầu sau: i- Dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 của địa phương; đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; phù hợp với khả năng tự cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 và thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác; ii- Phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án tổng thể về xử lý, sắp xếp lại công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung thuộc nhóm A đã khởi công xây dựng và đang thực hiện dở dang, các địa phương được phép tiếp tục triển khai đối với trường hợp sau đây: 1- Các dự án chuyển tiếp có sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đảm bảo bố trí được nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, không yêu cầu hỗ trợ ngân sách trung ương; việc triển khai dự án không ảnh hưởng đến các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; 2- Các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công chuyển đổi hình thức đầu tư sang hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoặc được điều chỉnh quy mô dự án, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương; 3- Các dự án thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được ký kết hợp đồng trước ngày ban hành Chỉ thị này.
Trường hợp dự án chuyển tiếp thuộc nhóm A nhưng không đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, không thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc điều chỉnh quy mô dự án, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì phải tạm dừng thực hiện dự án.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung thuộc nhóm B và nhóm C đang triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai trên cơ sở bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật có liên quan và khả năng cân đối vốn đầu tư.
Thủ tướng yêu cầu việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải gắn với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, công chức, công vụ; nâng cao hệ số cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Khuyến khích đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để thay thế cho đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Chỉ xây dựng khu hành chính tập trung mới khi đáp ứng đủ các điều kiện
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ được phép quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
Trụ sở các cơ quan hành chính hiện tại không đáp ứng yêu cầu sử dụng theo một trong các tiêu chí sau: 1- Diện tích làm việc của cán bộ, công chức dưới 70% so với tiêu chuẩn, định mức quy định; 2- Trụ sở hiện có đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng không đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng (thuộc cấp nguy hiểm B, C, D theo TCVN 9381:2012 Hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà); 3- Không phù hợp với công năng sử dụng; 4- Trụ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng hoặc theo yêu cầu sắp xếp lại do không đủ về diện tích đất xây dựng, bố trí rải rác, ở vị trí không thuận lợi, không bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật.
Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định và hiệu quả đầu tư của dự án; chống thất thoát, lãng phí. Việc đầu tư xây dựng công sở, khu hành chính tập trung phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; đảm bảo hiệu quả sử dụng; tránh phô trương hình thức, lãng phí tài sản công gây bức xúc xã hội.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khai thác từ quỹ nhà, đất do xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hoặc sử dụng quỹ nhà, đất tại vị trí cũ để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT) thì nguồn vốn khai thác từ quỹ nhà, đất do xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hoặc giá trị quỹ nhà, đất tại vị trí cũ sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư phải đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung mới.
Trường hợp địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách địa phương, trụ sở cơ quan hành chính không đáp ứng yêu cầu sử dụng, có nhu cầu thực sự cần thiết đầu tư khu hành chính tập trung; dự án đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, cần ngân sách trung ương hỗ trợ một phần thì phải báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bằng văn bản.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra nguyên nhân chìm tàu Hải Thành 26
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 468/CĐ-TTg về việc điều tra vụ chìm tàu Hải Thành 26 tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nội dung công điện như sau:
Tiếp theo Công điện số 438/CĐ-TTg ngày 28/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm kiếm cứu nạn tàu Hải Thành 26 bị chìm tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đối với thân nhân, gia đình các thuyền viên bị nạn; biểu dương các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn tàu Hải Thành 26 đã hoàn thành việc tìm kiếm thi thể của 9 thủy thủ tử vong trên con tàu gặp nạn và yêu cầu:
Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, trách nhiệm của tàu Petrolimex 14 trong việc không cứu nạn sau khi xảy ra va chạm với tàu Hải Thành 26; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án để điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật.
Trường Đại học Việt Nhật là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập theo Quyết định 1186/QĐ-TTg ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trường có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
Trường định hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu châu Á nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến.
Trường tổ chức tiếp nhận chuyển giao tri thức từ Nhật Bản; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản; đóng góp, thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.
Trường Đại học Việt Nhật đào tạo các trình độ đại học và sau đại học chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và là thế mạnh của Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản; góp phần thực hiện mục tiêu của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường có nhiệm vụ tổ chức đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; của tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế.
Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển và tiếp nhận chuyển giao tri thức trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành phục vụ đào tạo và cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; thực hiện hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức; đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học, viên nghiên cứu, doanh nghiệp Nhật Bản; huy động các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để phát triển mạnh khoa học và công nghệ.
Cơ cấu tổ chức Trường Đại học Việt Nhật gồm: Hội đồng trường; Ban giám hiệu; Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn khác; các phòng chức năng; các khoa, viện; trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ; phân hiệu, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước (nếu có); tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng và cung cấp dịch vụ; công viên khoa học công nghệ và tạp chí khoa học; các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin 'mỏ thuế lộ thiên’; nộp lệ phí quá rườm rà
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra thông tin một số báo phản ánh về: thị trường chứng khoán; việc nộp lệ phí và thuế.
Một số báo ngày 27/3/2017 nêu: Nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang ở một chu kỳ tăng trưởng mới và chứng khoán được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn năm 2017. Một số tổ chức tài chính quốc tế gần đây đã có những nhận định khá tích cực về kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn cho rằng mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá khá tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng lo ngại về mức độ minh bạch của thị trường chứng khoán.
Việc thị trường chứng khoán phát triển mạnh sẽ tạo thuận lợi cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đưa các cổ phiếu lên sàn cũng như thoái vốn. Tuy nhiên, quy mô thị trường chưa lớn, sức hấp thụ còn yếu nên cần tính toán lộ trình phù hợp và cần có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư trong, ngoài nước, trong đó chú trọng 2 điểm: (i) bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch, thường xuyên và (ii) bảo vệ nhà đầu tư.
Ngày 27/3/2017, Báo điện tử Vietnamnet cũng có bài "Ôm tiền tỷ nộp lệ phí trước bạ ô tô: Quá rườm rà". Trong đó phản ánh việc rườm rà nộp lệ phí trước bạ không chỉ làm mất thời gian của người dân mà còn đi ngược lại với mục tiêu của Chính phủ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Báo Thanh niên cũng có bài "Những "mỏ thuế" lộ thiên" phản ánh các quán nhậu, những sạp hàng trong chợ đầu mối... có doanh thu lên tới hàng chục tỷ nhưng chỉ đóng thuế khoán vài triệu, thậm chí vài trăm ngàn đồng đang gây thất thu cho ngân sách rất lớn. Hiện có 500.000 doanh nghiệp, nhưng số hộ kinh doanh là 4,6 triệu, trong đó nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn hơn cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng số thuế thu từ các hộ kinh doanh trong năm 2014 là 12,362 tỷ đồng, chỉ chiếm 2% tổng nguồn thu.
Trước những thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra.
Bổ sung QL21B kéo dài vào quy hoạch GTVT đường bộ
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch Quốc lộ 21B kéo dài vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường trong quá trình đầu tư, xây dựng tuyến đường theo đúng quy định của pháp luật.
Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Bắc Giang
Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 69,38 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.
Kiện toàn Ủy ban Quốc gia APEC 2017
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vừa ký quyết định kiện toàn Ủy ban này.
Theo quyết định, Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đồng thời là Chủ tịch SOM) và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Các Ủy viên Ủy ban gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái; Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga; Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm.
Ủy ban Quốc gia APEC 2017 có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hòa, đôn đốc và phối hợp việc chuẩn bị và tổ chức các hoạt động của Diễn đàn APEC tại Việt Nam trong năm 2017 và trong quá trình chuẩn bị của các cơ quan, địa phương liên quan.
Xây dựng khu tái định cư đường HCM đoạn Chợ Mới - Chợ Chu
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn, tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, giai đoạn 1 Chợ Mới - Chợ Chu.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tạm ứng từ nguồn vốn của dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn để UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện xây dựng các khu tái định cư theo quy định. UBND tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất, tiền mua nhà của hộ dân được bố trí vào khu tái định cư theo quy định để hoàn trả kinh phí đã tạm ứng.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên xác định phần chênh lệch (nếu có) để bổ sung vào kinh phí đầu tư của dự án theo quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan, khi phối hợp với các địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện chi trả tiền bồi thường, cần xác định rõ các trường hợp có nhu cầu vào khu tái định cư để chuyển trực tiếp kinh phí cho địa phương xây dựng khu tái định cư. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bảo đảm thực hiện thống nhất, đúng quy định của pháp luật./.