In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/1/2022.

27/01/2022 08:33

Thu hút nhà đầu tư lớn đến đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam

Ngày 26/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 632/VPCP-CN về đề xuất phát triển ngành xe điện Việt Nam.

Trước đó, Công ty cổ phần ô tô TMT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp đồng bộ mời gọi các nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam, tiến tới xuất khẩu trong vòng 5 năm tới.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp gỡ, trao đổi về các đề xuất, kiến nghị của Công ty cổ phần ô tô TMT để có giải pháp đồng bộ phát triển ngành xe điện, đồng thời thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam, tiến tới xuất khẩu trong 5 năm tới; tham mưu Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành.

Xử lý nghiêm mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường

Tại Công văn số 647/VPCP-NN ngày 26/1/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2022; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên.

Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 138/QĐ-TTg ngày 26/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Theo đó, bổ sung thêm mục tiêu cụ thể của đề án là: Đến năm 2025, cơ sở dữ liệu 4.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 400 công nghệ được chuyển giao; 10 công nghệ được giải mã, làm chủ; 4.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 200 đối tác công nghệ quốc tế; số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 10%/năm; 30% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ.

Đến năm 2030, cơ sở dữ liệu 10.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 1000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được giải mã, làm chủ; 10.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế; số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 15%/năm; 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ.

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án, Quyết định cũng sửa đổi nội dung về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ thông qua đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài làm việc và đào tạo tại Việt Nam.

Hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng về tìm kiếm, đàm phán, đánh giá, thẩm định giá, chuyển giao, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Giải pháp về triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam cũng được sửa đổi. Theo đó, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp: nghiên cứu, đào tạo, tìm kiếm, phân tích, đánh giá, thẩm định, giải mã, chuyển giao công nghệ; chi phí thuê chuyên gia công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia công nghệ nước ngoài trong việc kết nối, tìm kiếm, tư vấn chuyển giao công nghệ.

Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án chuyển giao, giải mã, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác tài sản trí tuệ, tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng.

Xuất cấp gạo cho các địa phương dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2022

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 133/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 7.820,76 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum, Lạng Sơn, Lai Châu để hỗ trợ cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xuất cấp 6.346,155 tấn gạo để hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho: Tỉnh Bình Định 2.360,955 tấn, tỉnh Hà Giang 401,55 tấn, tỉnh Đắk Nông 452,085 tấn, tỉnh Tuyên Quang 291,105 tấn, tỉnh Đắk Lắk 1.057,5 tấn; tỉnh Bình Phước 560,595 tấn, tỉnh Quảng Trị 1.064,73 tấn, tỉnh Kon Tum 157,635 tấn.

Đồng thời, xuất cấp 1.474,605 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói dịp giáp hạt đầu năm 2022 cho: Tỉnh Lạng Sơn 331,575 tấn, tỉnh Lai Châu 548,19 tấn, tỉnh Đắk Nông 498,225 tấn, tỉnh Kon Tum 96,615 tấn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

UBND các tỉnh: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum, Lạng Sơn, Lai Châu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu chung là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2025, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Cụ thể, về tiếp cận giáo dục trực tuyến, 50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

Về môi trường giáo dục trực tuyến, hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh, sinh viên sử dụng; hình thành kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông; hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.

Về quy mô hoạt động trực tuyến, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học; tỉ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%; trong số người học lấy văn bằng đại học thứ hai, có ít nhất 50% theo hình thức trực tuyến (với thời lượng trực tuyến chiếm hơn 50%).

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án là tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử (HCI); huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách.

Trong đó, triển khai, thí điểm triển khai các mô hình dạy-học tiên tiến trên nền tảng số theo hướng dạy học kết hợp (lớp học thông minh, nhóm học tương tác, tự học với trợ lý ảo) phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục, gồm bài giảng điện tử, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ (như trợ lý ảo, trả lời tự động); thử nghiệm nền tảng dùng chung giải quyết một số thủ tục hành chính không dùng giấy tờ trong ngành giáo dục dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Triển khai nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục nhằm tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học; đảm bảo kết nối, báo cáo liên thông dữ liệu từ cơ sở giáo dục với hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc ngành giáo dục.

Trên nền tảng cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử, liên lạc giữa nhà trường với gia đình, thanh toán không dùng tiền mặt, truyền thông và kết nối với các nền tảng ứng dụng trong và ngoài ngành giáo dục; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số đảm bảo thiết thực và hiệu quả.

Rà soát, quản lý hoạt động xét thưởng, vinh danh thương hiệu

Ngày 26/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 630/VPCP-KTTH về thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021. Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát thực trạng và có giải pháp quản lý Nhà nước đối với các hoạt động xét thưởng, vinh danh có liên quan đến thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, đảm bảo các tổ chức liên quan thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện và thẩm quyền quy định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Khoản 1 Điều 12 Quyết định 30/2019/QĐ-TTg ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; đồng thời nghiên cứu kiến nghị của Bộ Công Thương về việc bố trí kinh phí cho các hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam để xem xét, xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng  Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền.

Bộ Công Thương và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 648/VPCP-NN ngày 26/1/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 26/1/2022 kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Trưởng ban.

Các Phó Trưởng ban gồm: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Phó Trưởng ban Thường trực), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Minh Quang, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc.

Các thành viên gồm: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tổ công tác liên ngành xây dựng Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và ban hành Kế hoạch.

Phân công các thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng trong phạm vi các bộ, ngành, lĩnh vực mình quản lý và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Chỉ đạo Tổ công tác liên ngành tổng hợp kết quả tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng trong phạm vi toàn quốc; chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo tổng kết và kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.

Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ, cơ quan nơi công tác để điều hành hoạt động, giải quyết công việc của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thành lập Tổ công tác liên ngành do một đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là cán bộ thuộc các cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo.            

Thanh tra Chính phủ là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.

Công nhận huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 26/1/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 139/QĐ-TTg công nhận huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

UBND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Gò Công Tây tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.