In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/1/2022.

30/01/2022 16:57

Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 157/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển (Ban Chỉ đạo). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế (Phó trưởng Ban thường trực); bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tài chính, Giáo dục và  Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc các bộ, ngành trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành về dân số và phát triển; nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Bộ Y tế là cơ quan thường trực có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 

Ngày 30/1/2022, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 30/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thông báo nêu: Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu; Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.

Cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết.

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban, thành viên là các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo – đã có nhiều nỗ lực trong việc chủ động công bố các cam kết của Việt Nam tại COP26, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập, Quy chế hoạt động, Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc, xây dựng Đề cương đề án Triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Quan điểm, chủ trương triển khai thực hiện

Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tiếp cận tổng thể để đánh giá mọi tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên phạm vi cả nước trong mối quan hệ toàn diện giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Lấy cấp cơ sở là nền tảng, lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.

Cam kết và tham gia cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế tất yếu trong bối cảnh cộng đồng quốc tế quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đồng thời thể hiện quan điểm và chỉ đạo thống nhất của Đảng, của Bộ Chính trị về ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 và hướng tới các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045.

Việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực Nhà nước và tư nhân, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân. Đồng thời, phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.

Chương trình công tác và nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo

Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu trong quý I năm 2022, chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, xây dựng Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Trước mắt, tập trung vào 8 nhiệm vụ trong tâm sau: (i) chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; (ii) giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; (iii) giảm phát thải khí metan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; (iv) khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện; (v) quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ carbon; (vi) nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; (vii) đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; (viii) đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản trị và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra.

Đồng thời, đề xuất các Chương trình, Dự án cụ thể và nhu cầu về vốn, chuyển giao khoa học – công nghệ, nhân lực… nhằm triển khai Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 của bộ, ngành, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo và tổ chức họp với các tổ chức và đối tác quốc tế.

Đối với Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện và tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2022, kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo các vấn đề phát sinh.

Tổng hợp Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 của các bộ, ngành để hoàn thiện Đề  án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, trình Ban Chỉ đạo thông qua trong quý II năm 2022, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt nội dung và công tác tổ chức các Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển trong tháng 2 năm 2022.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ giúp việc gồm các cán bộ từ các bộ, ngành liên quan. Các bộ, ngành có trách nhiệm cử cán bộ có năng lực chuyên môn phù hợp, ngoại ngữ tốt, có trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm, ý chí, khát vọng, nhiệt huyết để giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Tổ giúp việc được bảo đảm về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc.

Đầu tư Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh phải bảo đảm chất lượng, không lãng phí

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 29/TB-VPCP ngày 30/1/2022 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (Dự án).

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng đánh giá cao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các thành viên Tổ công tác đã khẩn trương, tích cực tổ chức nghiên cứu, rà soát Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Đề nghị các địa phương, Thành viên Tổ công tác tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 21/TB-VPCP ngày 24/1/2022 và Thông báo số 23/TB-VPCP ngày 25/1/2022 của Văn phòng Chính phủ.

Đây là Dự án quan trọng quốc gia, có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực. Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp, khối lượng công việc lớn, tuy nhiên yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tư vấn phải thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách, đất đai, môi trường… trong quá trình lập, thẩm định Dự án.

Về nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị Tư vấn, Đơn vị lập Dự án cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc đề xuất các hạng mục công trình, phải có phân tích đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố liên quan để khẳng định sự cần thiết, hiệu quả.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương và các cơ quan xem xét thật kỹ lưỡng về phạm vi đầu tư, quy mô, phân kỳ, tiêu chuẩn thiết kế, chi phí đầu tư… bảo đảm tối ưu về hiệu quả, chất lượng, không được lãng phí, tiêu cực.

Hội đồng thẩm định Nhà nước, Bộ Kế hoạch và  Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng các giải pháp thiết kế, trong đó lưu ý các nút giao, đường lên xuống phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, giảm chi phí xây dựng…

Về bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về phạm vi, khối lượng, đơn giá… bảo đảm tiết kiệm, khả thi, tuân thủ quy định pháp luật, tránh lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt lưu ý các ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về khung chính sách, đơn giá bồi thường đất nông nghiệp.

Về nguồn vốn, trong điều kiện ngân sách Trung ương còn hạn chế, phương án tỷ lệ nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 50% và nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 50% là phù hợp.

Về cơ chế đặc thù, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu áp dụng tương tự các cơ chế đặc thù trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2021 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Về tiến độ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện rà soát, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Tổ công tác tại cuộc họp để hoàn thiện Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, phấn đấu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất ngày 5/2/2022.

Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành thẩm định để trình Thường trực Chính phủ trước ngày 15/2/2022, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp trình Quốc hội trước ngày 20/3/2022.

79 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 156/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

Danh mục gồm 44 dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa; lĩnh vực gia đình có 3 dịch vụ; lĩnh vực thể dục, thể thao có 10 dịch vụ; lĩnh vực du lịch có 6 dịch vụ và 16 dịch vụ khác thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trên; phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc các lĩnh vực: Văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật về giá.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trên quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan trực thuộc lựa chọn đơn vị sự nghiệp công để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; bảo đảm đủ ngân sách để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành./.