In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3/2022.

03/03/2022 17:22

Quy chế hoạt động Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số

Ngày 3/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định 24/QĐ-UBQGCDS ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban.

Về nguyên tắc làm việc, Quy chế nêu rõ: Ủy ban làm việc dân chủ, công khai và do Chủ tịch Ủy ban quyết định.

Ủy ban và thành viên Ủy ban, Tổ công tác và thành viên Tổ công tác không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính Nhà nước; đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ủy ban trong hoạt động của Ủy ban và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.

Các thành viên Ủy ban chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Ủy ban có thể làm việc theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc cho ý kiến bằng văn bản.

Ủy ban họp định kỳ 1 quý/lần, sơ kết 6 tháng; họp tổng kết cuối năm với Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hoặc đột xuất theo triệu tập của Chủ tịch Ủy ban. Ngoài ra, có thể họp Thường trực Ủy ban với các cơ quan liên quan. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định. Mỗi lần họp Ủy ban, Tổ công tác phải có báo cáo đề xuất cụ thể, rõ ràng, có mục tiêu, tiến độ và kết quả.

Tổ công tác giúp việc Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban ban hành chương trình, kế hoạch công tác, kiểm tra hằng năm của Ủy ban và tổ chức thực hiện; báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban và kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban.

Đồng thời, giúp việc Ủy ban trong nghiên cứu, đề xuất về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách (bao gồm cơ chế tài chính) và giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Giúp việc Ủy ban trong theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch và giải pháp về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh tại các bộ, ngành, địa phương; kịp thời báo cáo và tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về Đề án "Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)", tại công văn số 1354/VPCP-ĐMDN ngày 3/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến: Tiếp tục thực hiện các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo các quy định hiện hành.

Bộ Tài chính nghiên cứu các kết quả và kinh nghiệm quốc tế để rà soát, bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 và các quy định có liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương "xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp" theo đúng Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội và Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thì kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.