In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3/2022.

22/03/2022 09:12

Chính phủ ban hành Chương trình hành động xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị Quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW; xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể và thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng/người

Mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tỉnh Khánh Hòa đạt 104 triệu đồng/người. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 65%. Có 81,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 40,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10,9% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 77,97%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 46,5%; tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, dân cư nông thôn đạt 70%; tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom là 90% và xử lý tại khu chôn lấp hợp vệ sinh hoặc tại các nhà máy đốt, nhà máy chế biến rác thải là 80%.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng/người. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 70%. Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 81,91%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động triển khai 10 nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của Tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành có thế mạnh, tiềm năng, trong đó lựa chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng và dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp theo hướng bền vững và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế để trở thành trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao. Phát triển ngành công nghiệp hài hòa cả về chiều rộng và chiều sâu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của Tỉnh tạo nền tảng để Khánh Hòa là một cực tăng trưởng của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế.

Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và lưu thông lương thực, thực phẩm.

Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh. Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; các tuyến phố thương mại, tài chính, du lịch. Đầu tư, xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống logistics; đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; phát triển cảng hành khách, cảng hàng hóa quy mô lớn tại Vân Phong,...

Nha Trang-Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á

Tỉnh Khánh Hòa tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gồm: du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch di sản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; phát triển các ngành, nghề phụ trợ và liên kết các tuyến du lịch liên vùng. Phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch; Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia; khu vực Bắc Vân Phong là đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, liên kết khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Đưa thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á.

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế…

Phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.

Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược là đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng. Cụ thể, tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân không thấp hơn 16% GDP và giai đoạn 2026-2030 khoảng 16-17% GDP. Trong đó, tỉ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2021-2025 khoảng 13-14% GDP và giai đoạn 2026-2030 khoảng 14-15% GDP.

Tỉ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách Nhà nước đến năm 2025 khoảng 85-86%, đến năm 2030 khoảng 86-87%.

Quản lý chi ngân sách Nhà nước hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững; ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ, tăng cường nguồn lực ngân sách Nhà nước cho dự trữ quốc gia, tăng chi đầu tư phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 62-63%, tỉ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 28%. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỉ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tích lũy từ ngân sách Nhà nước cho chi đầu tư phát triển.

Giai đoạn 2021-2030, ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước để sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả trong các tình huống đột xuất, cấp bách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công

Giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước; quản lý nợ công chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Cụ thể, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách Nhà nước để đạt được chỉ tiêu bội chi ngân sách trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025 bình quân khoảng 3,7% GDP; đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong giai đoạn 2021-2025, trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính

Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.

Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3-3,5% GDP.

Phát triển ổn định thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đến năm 2025, đảm bảo 100% doanh nghiệp, đơn vị có quy mô lớn được kiểm toán báo cáo tài chính, không phân biệt loại hình hoạt động, hình thức sở hữu; tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực thẩm định giá, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định giá.

Đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập; thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Cụ thể, hoàn thiện thể chế về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với một số lĩnh vực cơ bản. Giai đoạn 2021-2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2026-2030, giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.

Đến năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 2030, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Đẩy nhanh thực hiện giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức quản lý điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đẩy nhanh thực hiện giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công. Đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, đảm bảo kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia.

Xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp công khai, minh bạch và hiệu quả; xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới; dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán Nhà nước số, góp phần hình thành kho bạc số vào năm 2030; đẩy mạnh hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng dự trữ quốc gia, quản lý giám sát thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại, hiệu quả.

3 đột phá chiến lược tài chính

Quyết định nêu rõ 3 đột phá chiến lược tài chính gồm:

1- Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập; thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững.

2- Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.

3- Khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế.

Ban hành Quy chế làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Tổ Trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố vừa ký Quyết định số 29/QĐ-TCT ngày 21/3/2022 ban hành Quy chế làm việc của Tổ công tác này.

Quy chế này quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, chế độ báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định, hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua cuộc họp về các hoạt động cụ thể theo kế hoạch của Tổ công tác. Khi cần có ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc, Tổ công tác sẽ lấy ý kiến bằng văn bản.

Các thành viên Tổ công tác làm đầu mối phối hợp giữa cơ quan công tác với Tổ công tác trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của Tổ công tác và thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Tổ công tác thành lập các Đoàn kiểm tra, rà soát để kiểm tra, rà soát những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 04 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh, thành phố khác khi có yêu cầu.

Thanh tra Chính phủ làm đầu mối tiếp nhận các văn bản báo cáo, kiến nghị, hồ sơ, tài liệu của địa phương và các cơ quan có liên quan gửi đến để tổng hợp, báo cáo Tổ công tác.

Cơ cấu Tổ công tác gồm Tổ trưởng, Tổ phó Thường trực, Tổ phó và các thành viên theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/1/2022. Cụ thể, Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra, rà soát khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh, thành phố.

Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương…

Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội

Tại Công văn số 1703/VPCP-CN, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến: Căn cứ ý kiến thống nhất của các Thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND thành phố Hà Nội rà soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nêu trên.

Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 3 TPHCM

Trong Công văn số 1705/VPCP-CN, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo căn cứ ý kiến thống nhất của các thành viên Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh rà soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, xây dựng Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký./.