Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản QPPL quy định thủ tục hành chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký Quyết định số 42/QĐ-BCĐCCHC ngày 6/4/2022 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo.
Mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) trong công tác cải cách hành chính, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2022.
Gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính....
Về công tác chỉ đạo, điều hành, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến cải cách hành chính.
Quý II năm 2022, Bộ Nội vụ triển khai xác định và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, năm 2022, các bộ, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, bảo đảm chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa số quy định, chi phí tuân thủ, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đạt ít nhất 10%.
Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước; hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thống kê, rà soát, đơn giản hóa, công bố, công khai thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với nhau; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022, tại bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022 theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực.
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; cho ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành đề xuất; khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức
Về cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế; quyết định phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ trong Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức thực hiện và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ trong Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả mô hình dịch vụ công trực tuyến; rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương, tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Văn phòng Chính phủ tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia; vận hành Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.
Điều kiện, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng tại 4 tỉnh, thành phố
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Cần Thơ tại các nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua.
Quyết định này quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh, cụ thể như sau:
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn thành phố Hải Phòng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh Nghệ An quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn thành phố Cần Thơ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Quyết định quy định cụ thể điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư:
1- Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
2- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
3- Đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất; đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND cấp tỉnh thông qua.
4- Có phương án trồng rừng thay thế và đảm bảo kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án đối với dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế hoặc phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.
Thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng
Căn cứ quy định điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nêu trên, nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất đăng ký nhu cầu sử dụng đất tại UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp gửi sở TN&MT để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với sở TN&MT nơi thực hiện dự án.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, sở TN&MT trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sở TN&MT phối hợp với các tổ chức có nhu cầu sử dụng đất, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có đất lấy ý kiến theo quy định.
Hồ sơ trình UBND cấp tỉnh gồm có: Tờ trình HĐND về việc chuyển mục đích sử dụng đất; danh mục dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; trích lục bản đồ khu vực chuyển mục đích sử dụng đất có xác nhận của sở TN&MT.
Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn không quá 2 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo cho sở TN&MT.
Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định, sở TN&MT có trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận.
UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Quy chế làm việc của HĐND cấp tỉnh.
Sau khi có văn bản chấp thuận của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan./.