Chủ động ứng phó bệnh viêm gan cấp ở trẻ em
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản 2956/VPCP-KGVX ngày 12/5/2022 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về bệnh viêm gan cấp ở trẻ em.
Cụ thể, theo thông tin của WHO, thời gian qua một số nước đã phát hiện bệnh viêm gan cấp ở trẻ em, chưa xác định được nguyên nhân, với tỉ lệ chuyển nặng cao. Để chủ động phòng ngừa căn bệnh này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu:
Bộ Y tế trao đổi, cập nhật thông tin với WHO về căn bệnh này để chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống căn bệnh này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi bệnh có diễn biến phức tạp.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển để phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, kịp thời báo cáo Bộ Y tế để có hướng dẫn, quản lý phù hợp.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao.
Chỉ thị nêu rõ: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã xác định nhiệm vụ đối với giáo dục đại học là tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đầu tư và có nhiều chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (đào tạo sau đại học). Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ tại một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; chất lượng của không ít luận án chưa đáp ứng yêu cầu về khoa học và thực tiễn.
Nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với chuẩn mực quốc tế
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực đào tạo quốc tế, đặc biệt ở các ngành có nhu cầu đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý: Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam về số lượng và chất lượng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của khu vực và thế giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong đào tạo sau đại học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tăng cường kiểm tra đào tạo sau đại học
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo sau đại học xây dựng và ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn trong công tác đào tạo sau đại học theo thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện chuẩn chương trình đào tạo; quy chế tuyển sinh và đào tạo sau đại học hiện hành; kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; thực hiện nghiêm quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sau đại học, khuyến khích kiểm định theo các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế có uy tín.
Đồng thời, thực hiện nghiêm công khai, minh bạch các bước từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, bảo đảm việc phản biện đồng đẳng, sự giám sát của xã hội và các bên liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học trong quy trình đào tạo.
Đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học; thực hiện liên kết đào tạo sau đại học với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ: quy trình lựa chọn đề tài và hướng nghiên cứu; tiêu chuẩn và điều kiện của người hướng dẫn, phản biện độc lập, các thành viên hội đồng đánh giá luận văn, luận án; trách nhiệm của các nhà khoa học có liên quan đối với chất lượng của luận văn, luận án; việc công bố các kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn, luận án trên các tạp chí khoa học ở trong nước và quốc tế.
Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở đào tạo sau đại học phải chú trọng công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; ưu tiên đầu tư tạo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh và đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có cán bộ được cử tham gia đào tạo sau đại học tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đào tạo, sử dụng sau đào tạo, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định.
Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Cụ thể, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gồm:
1- Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê.
2- Vật nuôi: Trâu, bò, lợn.
3- Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (20% phí bảo hiểm nông nghiệp) khi đáp ứng đầy đủ quy định sau:
+ Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
+ Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
+ Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quyết định cũng quy định cụ thể rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; trâu, bò, lợn; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra như: Thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...); dịch bệnh đối với cây lúa (bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, đạo ôn...); dịch bệnh đối với trâu, bò, lợn (bệnh lở mồm long móng, tai xanh, nhiệt thán, xoắn khuẩn).
Quyết định nêu rõ: Không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với cây cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
Quyết định quy định cụ thể địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, trong đó, đối với cây lúa, tại 7 tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.
Đối với cây cao su, tại 8 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai.
Đối với cây cà phê, tại 7 tỉnh: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.
Đối với cây hồ tiêu, tại 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với cây điều, tại 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai.
Đối với trâu, bò, tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương.
Đối với lợn, tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai.
Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tại 5 tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày 24/6/2022 đến hết ngày 31/12/2025.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 12/5/2022 cử ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thay cho ông Tô Anh Dũng./.