Liên quan đến việc nợ lương người lao động của Công ty KL Texwell Vina, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đối với UBND tỉnh Đồng Nai và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Văn bản nêu rõ, liên quan đến việc Công ty KL Texwell Vina tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nợ lương, gây khó khăn cho hàng ngàn người lao động trước khi nghỉ Tết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động có các giải pháp kịp thời để ổn định tình hình, bước đầu tạm ứng kinh phí, hỗ trợ người lao động của Công ty KL Texwell Vina.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho người lao động của công ty trong dịp Tết.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu và xử lý thông tin phán ánh trên Báo Điện tử Thanh niên về một số quy định đang gây khó cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch.
Báo Điện tử Thanh niên ngày 25/1/2018 phản ánh về một số quy định trong Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017 về kinh doanh dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đang làm khó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trước vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu nội dung báo phản ánh để có hướng xử lý phù hợp; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch.
Phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính liên quan đến lý lịch tư pháp
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực.
Trong đó, về phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an, mở rộng các hình thức bản sao cho phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính, theo đó quy định người yêu cầu có thể lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) với các loại giấy tờ của các thủ tục hành chính sau: Thủ tục tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân tại tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an; tại công an cấp tỉnh: Giấy khai sinh, giấy tờ chứng nhận con thương binh, liệt sĩ; con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thủ tục tuyển lao động hợp đồng trong Công an nhân dân tại tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an; tại công an cấp tỉnh: Giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ nghề, chứng chỉ về chuyên môn nghiệp vụ...
Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, không quy định hình thức bản sao có công chứng; mở rộng các hình thức bản sao cho phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính, theo đó quy định người yêu cầu có thể lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) với các loại giấy tờ của các thủ tục hành chính: Thủ tục chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông; thủ tục chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở; thủ tục xin học lại tại trường khác đối với học sinh trung học: Bỏ thành phần hồ sơ bản công chứng bằng tốt nghiệp cấp học dưới; thủ tục triệu tập thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng đến trường: Học bạ, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh, giấy tờ chứng minh được hưởng chế độ ưu tiên, giấy triệu tập trúng tuyển; thủ tục đăng ký dự thi đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông: Các giấy chứng nhận hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có);...
Về phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng các hình thức bản sao cho phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính, theo đó quy định người yêu cầu có thể lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu đối hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện) với các loại giấy tờ của các thủ tục hành chính sau: Thủ tục phê duyệt cho vay Dự án “Chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng tái thiết Đức (KFW)”: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); thủ tục phê duyệt cho vay đối với Hhộ gia đình: Giấy báo nhập học; thủ tục phê duyệt cho vay đối với học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động: Giấy báo nhập học;...
Đối với việc thực thi Phương án đơn giản hóa quy định tại luật, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực thi Phương án đơn giản hóa trong quá trình xây dựng dự án luật trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua.
Đối với việc thực thi Phương án đơn giản hóa quy định tại nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xây dựng dự thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đối với việc thực thi Phương án đơn giản hóa tại thông tư, thông tư liên tịch, quyết định của bộ trưởng, các bộ, ngành căn cứ vào thẩm quyền quy định thủ tục hành chính theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để xây dựng văn bản với hình thức phù hợp. Thời gian thực hiện trong năm 2018.
Giao Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành văn bản theo thẩm quyền để thực thi nội dung Phương án đơn giản hóa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Chuyển mục đích sử dụng đất tại 2 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Ninh Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 74,99 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý UBND tỉnh Quảng Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 19,04 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.
Tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ me trong tình hình mới
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ me trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành, địa phương quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ me trong tình hình mới.
Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện, bổ sung chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc Khơ me trong tình hình mới; đề xuất cân đối nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khơ me; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Công nhận thành phố Sa Đéc là đô thị loại II
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 210/QĐ-TTg công nhận thành phố Sa Đéc là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Nghiên cứu phản ánh về yếu tố con người trong khởi nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu phản ánh trên báo điện tử Người lao động về vấn đề khởi nghiệp ở Việt Nam bàn nhiều về vốn, chính sách hỗ trợ nhưng lại chưa đề cập đến yếu tố con người.
Trước đó, ngày 24/1/2018, Báo Điện tử Người lao động đưa tin: Khởi nghiệp ở Việt Nam bàn nhiều về vốn, chính sách hỗ trợ nhưng lại chưa đề cập đến yếu tố con người. Các startup Việt Nam thiếu kinh nghiệm kinh doanh, mạnh về kỹ thuật nhưng không hiểu những vấn đề của thị trường.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và xử lý theo chức năng, nhiệm vụ.
Phú Yên tạo dựng môi trường phát triển kinh tế-xã hội năng động
Trong Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Yên tổ chức, vận động nhân dân, tạo dựng môi trường phát triển kinh tế-xã hội năng động, lành mạnh, phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, hành động mạnh mẽ, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị; tổ chức, vận động nhân dân, tạo dựng môi trường phát triển kinh tế-xã hội năng động, lành mạnh, phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 của Chính phủ với phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm phát triển bền vững, phù hợp biến đổi khí hậu; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chủ động tăng cường liên kết vùng để có thể mở rộng, phát huy tối đa nguồn lực và tiềm năng phát triển của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; triển khai, hoàn thành các công trình, dự án lớn. Tăng cường quản lý đầu tư, hạn chế tình trạng chậm tiến độ hoặc không triển khai dự án.
Khuyến khích khởi nghiệp, khuyến khích kinh tế tư nhân, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, phát triển thị trường công nghệ, tăng mạnh số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; phấn đấu tăng năng xuất lao động xã hội, tìm tòi và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn; đổi mới sáng tạo trong cách làm để những sản phẩm truyền thống cũng có được giá trị gia tăng mới.
Xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Yên Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh; thu hút được các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; hình thành các khu, tuyến du lịch và kết nối với các tuyến du lịch của địa phương khác. Tăng cường xúc tiến du lịch, khuyến khích người dân tham gia quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung giải quyết đồng bộ, hiệu quả những vấn đề yếu kém trong nông nghiệp (năng suất, chất lượng, quy mô), thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ... Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở nông thôn.
Phát triển ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, góp phần phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tập trung đổi mới công nghệ đánh bắt, bảo quản để nâng cao giá trị, hiệu quả; hỗ trợ ngư dân bám biển; tuyên truyền, hướng dẫn, ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép; tăng cường công tác quản lý trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tránh tình trạng nuôi tự phát, không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các cấp chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư; nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số PAPI, chỉ số PAR...
Bình Định tập trung phát triển các ngành kinh tế trụ cột
Bình Định cần tập trung phát triển các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh: Du lịch, ngư nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng logistic, công nghiệp chế biến; trong đó quan tâm xem xét, giải quyết hiệu quả sự xung đột giữa phát triển công nghiệp-du lịch-môi trường, không để triệt tiêu lợi thế phát triển của tỉnh.
Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong công tác lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cần đặt trong tổng thể phát triển chung của vùng miền Trung, Tây Nguyên, trong mối liên kết với các địa phương trong cả nước và trong khu vực. Chủ động tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa nguồn lực và tiềm năng phát triển của tỉnh và cả vùng.
Tỉnh Bình Định cần tập trung phát triển các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh: Du lịch, ngư nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng logistics, công nghiệp chế biến; trong đó quan tâm xem xét, giải quyết hiệu quả sự xung đột giữa phát triển công nghiệp-du lịch-môi trường, không để triệt tiêu lợi thế phát triển của tỉnh.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh các loại quy hoạch phù hợp định hướng phát triển trong tình hình mới; trong đó làm rõ hơn quy hoạch phát triển một số cơ sở hạ tầng giao thông nòng cốt như cảng biển, sân bay, quốc lộ,… Phát huy lợi thế cảng Quy Nhơn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thông qua nghiên cứu, rà soát, xác định vị trí xây dựng cảng lớn, đa năng, bảo đảm phương thức quản lý tốt hơn của Nhà nước.
Bên cạnh đó phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, gắn với thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp và làng nghề. Tập trung thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng, thân thiện môi trường làm động lực phát triển; chú trọng công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, các ngành có lợi thế của địa phương; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế sẵn có và phù hợp định hướng phát triển trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Định chú trọng phát triển hệ thống phân phối, các hình thức thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Đẩy nhanh phát triển các dịch vụ, nhất là các dịch vụ có lợi thế như vận tải biển, hàng không, đường sắt, dịch vụ logictics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông…). Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường; tăng cường liên kết với các địa phương trong nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Phát triển các loại hình du lịch biển
Du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh; cần tập trung phát triển các loại hình du lịch biển, sinh thái, văn hóa, lịch sử. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp. Phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, khai thác không gian văn hóa Chăm, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước, với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Bình Định cần phát triển thủy sản thành ngành kinh tế lớn, nâng cao hiệu quả nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, trọng tâm là nguồn lợi cá ngừ đại dương. Thực hiện tốt hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển khai thác xa bờ, không đánh bắt bất hợp pháp. Phát triển nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh theo hướng công nghệ cao. Chú trọng thu hút đầu tư vào chế biến thủy sản, hệ thống kho bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản để tạo thêm giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tập trung đáp ứng nhu cầu các ngành, lĩnh vực quan trọng. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người có công; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, người thu nhập thấp, công nhân ở các khu công nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Tiếp tục có biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông./.