In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 4/9/2018.

04/09/2018 19:43
Xử lý phản ánh về phát triển các dự  án điện mặt trời

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý thông tin Báo Thanh niên phản ánh về phát triển các dự án điện mặt trời.

Trước đó, ngày 8/8/2018 Báo Thanh niên có đưa tin: Theo giám đốc Trung tâm năng lượng và tăng trưởng xanh, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy các dự án điện mặt trời, nhưng với quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BTC ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương, thời gian vận hành thương mại để được hưởng ưu đãi rất ngắn, chỉ 2 năm. Đây là nguyên nhân khiến các dự án điện mặt trời đua nhau triển khai.

Trong khi đó, các dự án năng lượng (kể cả nhiệt điện than) đang làm phát sinh các hệ lụy về môi trường. Cho nên cần xem xét tạm ngưng cấp phép các dự án điện chưa triển khai để đánh giá lại nhu cầu thực tế bài toán phát triển điện lực toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây nguyên và Nam Trung Bộ. Dồn nguồn lực cho năng lượng sạch, tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan các nhược điểm của nguồn điện gió và điện mặt trời, tránh đầu tư tràn lan sẽ kém hiệu quả, khiến tài nguyên lãng phí trong khi lưới điện chưa đáp ứng được việc truyền tải liên vùng.

Về thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý.

Giao các bộ, ngành nghiên cứu, thực hiện ý kiến Phó Chủ tịch Quốc hội

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị.

Trong đó, về những giải pháp thiết thực về cơ chế, chính sách phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây; phát huy tiềm năng của Khu kinh tế Lao Bảo; xúc tiến hợp tác với các nhà đầu tư để triển khai khu công nghiệp chung Việt Nam-Singapore; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng phát triển của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định.

Về sửa đổi mức hỗ trợ đầu tư cho các nội dung Chương trình 135 để phù hợp với thực tiễn địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đánh giá mức độ  đầu tư của Chương trình 135 để sửa đổi phù hợp với thực tiễn địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và đồng bào thiểu số; có chính sách tín dụng phù hợp để thúc đẩy các địa bàn khó khăn của Tỉnh vươn lên.

* Về một số kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn tại Báo cáo số 1976/BC-VPQH ngày 7/8/2018 của Văn phòng Quốc hội, trong đó đối với các kiến nghị tăng tổng mức đầu tư cho hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự  án Hồ chứa nước Nặm Cắt; về nâng cấp, cải tạo QL3B đoạn Xuất Hóa-Cửa khẩu Pò Mã; Quốc lộ 3 mới đoạn từ xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn; tuyến đường mới từ xã Quân Bình, huyện Bạch Thông đến hồ Ba Bể; cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh tuyến đường kết nối Ba Bể (Bắc Kạn) với Na Hang (Tuyên Quang); về thực hiện một số chính sách liên quan đến bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, cải tạo những diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, kém chất lượng, chuyển đổi thành rừng sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 600/TB-VPCP ngày 23/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều chỉnh Dự án hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia tại Việt Nam”, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức.

Cụ thể, tăng tổng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức từ 4 triệu Euro thành 4,6 triệu euro. Đóng góp của phía Việt Nam không thay đổi.

Bên cạnh đó, điều chỉnh các hoạt động chính của Dự án. Với hợp phần 3, điều chỉnh nội dung của hợp phần từ "Thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và kiểm chứng quốc gia cho các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu" thành nội dung "Xây dựng Cổng thông tin theo dõi, đánh giá (MRV)".

Đồng thời, bổ sung hợp phần 5, 6: Hỗ trợ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm cả việc rà soát và cập nhật NDC; quản lý và điều phối hoạt động của các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Khí hậu toàn cầu tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và  Đầu tư thông báo cho phía Đức biết Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ để phối hợp thực hiện; Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan trong quá trình hoàn thiện, phê duyệt điều chỉnh Văn  kiện và Quyết định đầu tư Dự án.

Thủ tướng tặng bằng khen Đội tuyển bóng đá Olympic quốc gia

Tại văn bản 1090/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho Đội tuyển bóng đá Olympic quốc gia, đã có thành tích thi đấu xuất sắc tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) tổ chức tại Indonesia năm 2018.

Tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) tổ chức tại Indonesia năm 2018, vòng đấu bảng, Đội tuyển Bóng đá Olympic quốc gia đã đứng đầu bảng D gồm 4 đội: Việt Nam, Nhật Bản, Pakistan, Nepal.

Các vòng đấu tiếp theo, Đội tuyển bóng đá Olympic quốc gia đã lần lượt thắng đội tuyển bóng đá Olympic Bahrain, Olympic Syria, qua đó lần đầu tiên lọt vào bán kết môn bóng đá nam Á vận hội và trở thành một trong 4 đội mạnh nhất châu lục.

Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Mục tiêu nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.

Đồng thời, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực.

Phạm vi quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình có diện tích 30.583 ha, bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển như sau:

Huyện Thái Thụy gồm 14 xã và 01 thị trấn: Thị trấn Diêm Điền, các xã: Thụy Hải, Thụy Lương, Thụy Hà, Thụy Tân, Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Liên, Thái Nguyên, Thái Thượng, Thái Hòa, Thái Đô, Thái Thọ, Thái Xuyên, Mỹ Lộc.

Huyện Tiền Hải gồm 16 xã: Đông Trà, Đông Hải, Đông Long, Đông Xuyên, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Cơ, Đông Lâm, Tây Giang, Tây Sơn, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Phú.

Theo dự báo, đến năm 2040, Khu kinh tế có khoảng 300.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60-70%.

Thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025" (Đề án 844) hỗ trợ các tổ chức ươm tạo, đào tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu đề xuất ban hành các chính sách cần thiết nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển. Thông qua Ban Điều hành Đề án 844, tổ chức các cuộc gặp thường niên với các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng nhận hỗ trợ của Quỹ, trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Cụ thể, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần đảm bảo các điều kiện được hỗ trợ theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đảm bảo các tiêu chí do Quỹ đề ra đối với từng ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng ban hành cơ chế tài chính thực hiện Đề án 844 nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển, trong đó có các nội dung chi phù hợp với khởi nghiệp sáng tạo như chi cho đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tham gia các vườn ươm/khu làm việc chung nổi tiếng trên thế giới; cho các hoạt động của đại diện khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tại một số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cho phép việc tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đối với các nội dung quan trọng như tìm hiểu thị trường, thuê chuyên gia, trả công lao động và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế tài chính cho Quỹ NATIF, trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Theo đó, đối với các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần quy định cụ thể về các hình thức hỗ trợ, hạn mức hỗ trợ cho các nhóm dự án. Xây dựng các nội dung chi và định mức chi phù hợp với hoạt động đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, xây dựng quy trình đánh giá, thẩm định các dự  án để đảm bảo việc hỗ trợ có hiệu quả.

Xem xét, giải quyết kiến nghị của 4 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết một số kiến nghị của các tỉnh: Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của tỉnh Bình Định về cơ chế thẩm quyền quản lý của địa phương đối với Cảng Quy Nhơn, xác định lại tỷ lệ cổ phần theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối và xem xét quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cụm cảng Quy Nhơn.

Đối với đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi về điều chỉnh, bổ sung pháp luật về Tổ chức Quốc hội, Tổ chức chính quyền địa phương để địa phương thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại một số cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trương ương 6 khóa XII, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi về mở rộng đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; đề xuất, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan sớm hướng dẫn UBND tỉnh Phú Yên thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 10/2/2018; xem xét đề nghị của tỉnh về cơ chế, chính sách kết nối Khu kinh tế Nam Phú Yên với Khu kinh tế Bắc Vân Phong; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Về đề nghị của tỉnh Đắk Lắk bố trí đủ vốn để tỉnh sớm hoàn thành các dự án sắp xếp, ổn định dân cư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về công tác di dân toàn quốc dự kiến tổ chức trong quý III/2018.

Truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" vào 17/10 hằng năm

Từ nay đến năm 2020, Chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo" sẽ tổ chức định kỳ hằng năm vào đúng ngày 17/10 là Ngày vì người nghèo.

Chương trình do Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Về Chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau" năm 2018 tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam hoàn thiện Kế hoạch tổ chức Chương trình, trong đó phân công rõ nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan. Sớm xây dựng kịch bản, gửi nhà tài trợ. Nội dung cơ bản của Chương trình gồm: Biểu dương điển hình về vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, nỗ lực của chính quyền, nhân dân các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn để thoát nghèo; ghi nhận, tôn vinh các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp cho Quỹ "Vì người nghèo", an sinh xã hội và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” thời gian qua; vận động doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tiếp tục chung tay đóng góp nguồn lực vào Quỹ "Vì người nghèo" và các chương trình an sinh xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp tổ chức phát động đợt nhắn tin ủng hộ người nghèo, thông tin báo chí về Chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức buổi gặp mặt động viên các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tiếp tục ủng hộ cho Quỹ "Vì người nghèo", các chương trình an sinh xã hội trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đồng ý sử dụng số kinh phí còn lại hơn 1,40 tỷ đồng để hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho cụm dân cư, hộ gia đình nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện, Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương cấp kinh phí để thực hiện.

Siết quản lý hoạt động thanh toán qua POS, ví điện tử

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc rà soát nội dung phản ánh trên báo Lao động về việc chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nội dung quản lý thuế đối với hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các Sở du lịch tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các doanh nghiệp lữ hành để sớm phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bao gồm cả biện pháp thu hồi giấy phép hoạt động; làm đầu mối xây dựng quy chế phối hợp thông tin giữa các bộ, ngành để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là du lịch giá rẻ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, viễn thông… để đề xuất các biện pháp quản lý  đối với hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS, ví điện tử Alipay, Wechat pay, những ví điện tử phổ biến và được ưa chuộng đối với khách du lịch; nghiên cứu xây dựng chính sách để các ngân hàng thương mại Việt Nam cung cấp các hoạt động thanh toán qua ví điện tử thay vì các đối tượng bán hàng cung cấp bất hợp pháp như hiện nay.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng và các địa phương xuất hiện nhiều đoàn khách du lịch chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng và các địa phương liên quan phối hợp cùng với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền.

Xử lý thông tin báo nêu về xây cầu vượt đường sắt cho người đi bộ tại Thanh Hóa

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải để xem xét, xử lý theo thẩm quyền về thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc đầu tư xây dựng cầu vượt đường sắt dành cho người đi bộ tại Thanh Hóa.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản của Tạp chí Mặt trận gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc đầu tư xây dựng cầu vượt đường sắt dành cho người đi bộ để đóng chắn đường ngang Quốc lộ 217 qua xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là chưa phù hợp, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản đến Bộ Giao thông vận tải để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và trả lời cho Tạp chí Mặt trận biết./.