In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

17/12/2018 19:34
Giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 đợt 3

Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3) cho các bộ, UBND các tỉnh theo ngành, lĩnh vực, chương trình và danh mục dự án.

Trong đó, giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3) cho Bộ Giao thông vận tải là 320,01 tỷ đồng, 22 địa phương 5178,034 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ danh mục dự án và tổng số kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3), quyết định giao cho các bộ và UBND các tỉnh danh mục và chi tiết mức vốn của các dự án; thực hiện các quy định tại khoản 1, Điều 4 Quyết định số 2131/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 (đợt 3) được giao, các bộ, UBND các tỉnh: Giao danh mục và mức vốn cụ thể của từng dự án cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện; báo cáo kết quả giao, thông báo kế hoạch vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ năm 2018 đợt 3 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/12/2018.

Đồng thời, định kỳ hằng tháng, quý và cả năm báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 theo quy định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin về các dự án đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ, địa phương quản lý. Trường hợp phát hiện các thông tin không chính xác, phải kịp thời gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng trả lời chất vấn về chế  độ, chính sách đối với cán bộ y tế

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ ngành y tế phát triển.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chấn vấn của Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân: Cử tri ngành y tế mong muốn được nâng mức lương khởi điểm và đặc biệt là được hưởng phụ cấp thâm niên nghề; quan điểm của Chính phủ về kiến nghị trên và giải pháp về chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ ngành y tế ngày càng phát triển.

Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, viên chức ngành y tế được áp dụng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù ngành y tế.

Cụ thể, phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ; phụ cấp đặc thù quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn quy định tại Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ và phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe và trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, thì các đơn vị sự nghiệp y tế được tự chủ về các khoản thu, mức thu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và được tự chủ trả lương cho viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, được trích quỹ để chi trả tiền lương tăng thêm, chi trả cho chuyên gia, thầy thuốc giỏi.

Như vậy, viên chức ngành y tế đã được hưởng tổng thu nhập (bao gồm tiền lương theo bậc trong chức danh nghề nghiệp viên chức, các loại phụ cấp lương và thu nhập tăng thêm từ nguồn thu sự nghiệp) là có cải thiện hơn so với nhiều ngành, nghề khác, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành y tế.

Chế độ tiền lương từ năm 2003 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, chính vì vậy, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII và đã thông qua tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, trong đó tại Khoản 3 Mục II của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định nội dung cải cách: "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021.

Thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị, thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Ủy ban.

Các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm Tổng Thư ký Ủy ban.

Các Ủy viên của Ủy ban gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương về các lĩnh vực công tác có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Cụ thể, Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề liên quan; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ, vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 gồm 5 Tiểu ban: Nội dung, Lễ tân, Tuyên truyền-Văn hóa, Vật chất-Hậu cần, An ninh-Y tế; và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban; triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ủy ban; ban hành quy chế làm việc và phối hợp của Ủy ban...

Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh An Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 170 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

UBND tỉnh An Giang chỉ  đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

Tổng kết Đề án phát triển sản xuất giống

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án "Phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020" theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 15/12/2009 làm cơ sở để xây dựng Đề án giống giai đoạn 2021 - 2030.

Để việc tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức tổng kết Đề án bảo đảm thống nhất, toàn diện.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai tổ chức tổng kết thực hiện Đề  án và gửi báo cáo sơ kết về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/12/2018.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổng hợp tài liệu, chuẩn bị nội dung, công tác hậu cần để tổ chức Hội nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đề án "Phát triển sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản" được phê duyệt tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 15/12/2009.

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thuỷ sản theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, để tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và thu nhập của nông dân một cách bền vững.

Đề án góp phần tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành; đồng thời, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất giống, ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong chọn tạo, để tạo ra nhiều giống mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt cho sản xuất đại trà; phục tráng giống đặc sản địa phương gắn với việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống, hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống được hiện đại hoá; bảo vệ và phát triển nguồn giống sinh sản tự nhiên, bảo đảm tài nguyên động vật, thực vật hoang dã và thuỷ sản phát triển bền vững.

Phấn đấu đúng tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Thông báo nêu rõ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có dự án đi qua nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan đã rất tích cực phối hợp triển khai thực hiện các công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đến nay tiến độ cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Để sớm thực hiện các công việc tiếp theo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm tổ chức cuộc họp do Phó Thủ tướng chủ trì với các địa phương trên tuyến Dự án về công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất cụ thể về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng để phục vụ thi công Dự án, trên tinh thần giảm thủ tục nhưng bảo đảm đúng quy định của pháp luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phù hợp về thẩm quyền.

Đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lựa chọn đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan, rà soát hệ thống định mức, chi phí công tác tư vấn, quản lý dự án các công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình giao thông, xem xét điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, bảo đảm tính đúng, tính đủ; hoàn thành trong Quý I/2019.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8729/VPCP-NN ngày 12/9/2018, nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 47/2014/NĐ-CP đối với nội dung lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ dự án, trình Chính phủ trong Quý I/2019.

Theo chức năng, nhiệm vụ các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng thực hiện hướng dẫn các nội dung liên quan: Xác định vốn lưu động trong tổng vốn đầu tư; xác định về mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; hoàn thuế GTGT của phần vốn đầu tư Nhà nước hỗ trợ (vốn VGF); xác định dự phòng trượt giá đối với một số chi phí trong giai đoạn khai thác (chi phí quản lý vận hành, chi phí bảo trì, thay thế thiết bị...) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.