Tại Quyết định 310/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia thay ông Mai Đức Chính đã nghỉ hưu.
Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hải Sơn
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hải Sơn mở rộng giai đoạn 3 4, tỉnh Long An.
Dự án trên được thực hiện tại ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với quy mô khoảng 77,81 ha.
Dự án được đầu tư với tổng nguồn vốn 489,619 tỷ đồng với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm về các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; đặc biệt việc triển khai thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của nhà đầu tư theo đúng tiến độ, chấp hành quy định về bảo vệ môi trường và nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đã được phê duyệt; chỉ đạo giám sát việc nhà đầu tư góp đủ vốn chủ sở hữu và vốn huy động, đảm bảo đúng tiến độ góp vốn vào Dự án; hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục khác liên quan đến triển khai dự án theo quy định pháp luật.
Tỉnh Long An chịu trách nhiệm đảm bảo quyền sử dụng địa điểm dự án, đảm bảo nhà đầu tư có đủ điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuế đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và đấu thầu; tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng và vận hành khu công nghiệp; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với nhà đầu tư triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động.
Tỉnh Long An giao Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An xem xét việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án theo quy định của pháp luật phù hợp với quy định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; quy định cụ thể tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các nội dung cam kết của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án đầu tư; tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động, tiến độ thực hiện từng giai đoạn; ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan; yêu cầu nhà đầu tư rà soát, điều chỉnh các nội dung chi tiết của Dự án theo các khuyến nghị tại văn bản thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có việc điều chỉnh tỷ lệ đất trồng cây xanh.
Năm 2019 triển khai mới 61 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia
Năm 2019, hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Trên là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Phiên họp lần thứ tư của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Năm 2018, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại đã được triển khai bài bản, toàn diện trong phạm vi cả nước dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ủy ban 1899, với quyết tâm cao của các bộ, ngành, đạt được những kết quả đột phá và tạo ra những thay đổi căn bản. Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, Quyết định số 2026/QĐ-TTg, Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành đã rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết vượt mục tiêu đề ra (tính đến cuối năm 2018 đã cắt giảm được hơn 60% so với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% của Chính phủ) và cắt giảm các danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành được hoàn thiện để đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp. Những kết quả nêu trên đã góp phần đáng kể trong việc giảm thời gian và chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 480 tỷ USD.
Tuy nhiên, công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại vẫn chưa thực sự đi vào thực chất và có chiều sâu, việc tổ chức thực thi trong thực tế còn có khoảng cách so với quy định tại các văn bản pháp luật, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, chưa đảm bảo tạo thuận lợi thương mại với chống gian lận thương mại.
Để tiếp tục thúc đẩy, đạt kết quả tốt hơn trong công tác Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành tập trung triển khai các mục tiêu năm 2019. Cụ thể, về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, năm 2019, hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (bao gồm 18 thủ tục chuyển từ năm 2018 sang và 43 thủ tục của năm 2019 theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg); chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN theo kế hoạch chung của ASEAN; chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai hải quan và C/O điện tử với Liên minh kinh tế Á- Âu và Hàn Quốc.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết 02/2019/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến 2021 và các văn bản liên quan của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai Hiệp định tạo thuận lợi thương mại một cách thực chất, đầy đủ theo đúng lộ trình cam kết với WTO, đặc biệt tập trung vào việc rà soát kết quả thực tế thực thi các cam kết nhóm A, rà soát năng lực và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thực thi các cam kết nhóm B và nhóm C.
Sửa đổi thủ tục xuất nhập khẩu
Để hoàn thành các mục tiêu trên thì các bộ, ngành phải tập trung thực hiện các giải pháp. Cụ thể, về giải pháp triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh theo định hướng: Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp/xuất trình.
Đồng thời, các bộ, ngành rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi thương mại nhưng đảm bảo chống gian lận thương mại.
Năm 2019 các bộ, ngành hoàn thành việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS, có quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm tra.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan, Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoàn thiện Cổng thông tin thương mại quốc gia; xây dựng tiêu chí thành lập, giải thể các địa điểm kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Giải pháp về tạo thuận lợi thương mại, Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiện toàn, đẩy mạnh vai trò thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại trong Ủy ban 1899; rà soát, đánh giá năng lực thực thi các cam kết tại Hiệp định (bao gồm cả việc rà soát về mặt pháp luật) để đáp ứng yêu cầu thực thi cam kết của Hiệp định một cách thực chất; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai Hiệp định; hoàn thiện, nâng cấp Cổng thông tin thương mại Việt Nam nhằm đáp ứng các nghĩa vụ về công bố và minh bạch thông tin theo Hiệp định.
Xem xét cấp giấy phép cho dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xem xét cấp giấy phép cho dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam.
Trước đó, Tập đoàn SCG có thư đề ngày 13/2/2019 về việc chào xã giao và báo cáo tình hình triển khai dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam (LSP).
Về việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, xem xét quyết định theo thẩm quyền việc cấp các giấy phépnhư nêu tại Thư của Tập đoàn SCG kịp thời không để ảnh hưởng đến tiến dộ triển khai dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam; chủ động thông tin cho Tập đoàn về quá trình, kết quả cấp phép. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 3/2019.
Tổng kết 5 năm thực hiện NQ về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo đảm phù hợp với kế hoạch, tiến độ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; trong đó phân tích, làm rõ kết quả, khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đề án được giao, đồng thời đề xuất việc dừng thực hiện, điều chỉnh nội dung hoặc bổ sung các nhiệm vụ mới, các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới./.