In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/4/2019.

17/04/2019 08:00
Phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là xác định, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và người dân sống dọc các tuyến đường thủy nội địa; tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đối với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: Cải tạo 100% các điểm đen tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa chính; cải tạo các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa ở mức cao trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

Đối với phương tiện thủy: 100% phương tiện thủy nội địa được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS, thiết bị thông tin liên lạc VHF và được đăng ký, đăng kiểm theo quy định; 100% phương tiện thủy chở khách ngang sông được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách trên phương tiện theo quy định.

Đối với thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, người tham gia giao thông đường thủy nội địa: 100% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; 100% người tham gia giao thông đường thủy nội địa, chủ cảng, bến thủy nội địa, chủ phương tiện, thuyền trưởng, người lái phương tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến đường thủy nội địa được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Định hướng sau năm 2030, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy hoạch và cơ chế chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; áp dụng khoa học-công nghệ tiên tiến trong hoạt động quản lý về an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa một cách bền vững.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đặt ra nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch và cơ chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; giải pháp về nguồn vốn; quản lý an toàn giao thông.

Trong đó, về công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa: áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng đào tạo và thi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo; nghiên cứu, bổ sung các hình thức, phương pháp thi khoa học và phù hợp với một số loại, hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ học vấn thấp và đồng bào dân tộc thiểu số.

Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa và hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng, bến sông an toàn”, mô hình “Cụm, khu dân cư an toàn giao thông đường thủy nội địa”.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến về quy tắc giao thông đường thủy nội địa; các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện; các điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn, không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện và không chở quá tải trọng theo quy định. Tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025”.

Mục tiêu đến năm 2023 thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự. Từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ chức mô hình đào tạo từ xa dạy tiếng dân tộc, kiến thức về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo; dạy nghề cho thanh niên các dân tộc thiểu số tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam.

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số: bảo đảm 80% các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số Việt Nam được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện (Multi-media) và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin; xây dựng thư viện điện tử về công tác dân tộc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đồng bào dân tộc thiểu số chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng.

Cụ thể, xây dựng bộ dữ liệu về các dân tộc thiểu số, tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các dân tộc thiểu số; các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; thông tin địa lý vùng dân tộc thiểu số có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

Xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chẩn đoán, khám, chữa bệnh từ xa đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự; xây dựng và phát triển Bộ từ điển tiếng dân tộc điện tử; tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

Nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin

Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án khác là nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Cụ thể, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc phù hợp với mô hình tổ chức, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương bảo đảm khả năng tích hợp, đồng bộ, truy xuất, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan đến công tác dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, thiết kế, nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin bảo đảm an toàn, thuận tiện giữa Ủy ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, xây dựng thư viện điện tử về công tác dân tộc có khả năng trao đổi, liên kết với các cơ quan thông tin thư viện khác trong và ngoài hệ thống để hỗ trợ chuẩn nghiệp vụ, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin; cung cấp nguồn thông tin đa dạng, phong phú cho người làm công tác dân tộc; ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ về phần mềm phù hợp với các định hướng phát triển của Đề án.

Ngoài ra là các nhiệm vụ, giải pháp: Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông cho người làm công tác dân tộc.

Tăng cường giám sát xây dựng, tu bổ công trình di tích văn hóa, tôn giáo

Trên tờ Dân Việt điện tử ngày 21/2/2019 có bài "Kinh doanh tâm linh: Nhập nhèm công trình thương mại-địa điểm tâm linh"; trong đó có phản ánh ý kiến của Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: "Nhiều quốc gia phân định rất rõ ràng giữa địa điểm phục vụ mục đích tu hành và địa điểm phục vụ du khách hành hương vãn cảnh, không hề có sự lập lờ như tại nhiều địa điểm tâm linh ở Việt Nam".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ngành chức năng của địa phương tăng cường giám sát việc đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan làm rõ việc quản lý các hoạt động thương mại, dịch vụ, thu tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm tâm linh gắn với các lễ hội nói chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra phản ánh gần 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang

Phản ánh của Đài truyền hình VTV ngày 4/3/2019 liên quan đến gần 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, các chủ đầu tư đưa ra lý do là điều chỉnh lại quy hoạch vì khi chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, khó giải phóng mặt bằng nên không triển khai; trong khi thật ra là do thị trường bất động sản tại đây đóng băng. Trong khi đó, phần lớn các dự án đã huy động vốn từ khi chưa giải phóng mặt bằng; có dự án đã bán, thu tiền 100% giá trị lô đất. Nếu thành phố Hà Nội không có chế tài nghiêm khắc, câu chuyện còn tiếp diễn.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra và chỉ đạo./.