Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Hội đồng.
Thành viên Hội đồng bao gồm Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa và đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan và chuyên gia về quy hoạch.
Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định pháp luật về quy hoạch liên quan đến việc thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến, tổ chức họp Hội đồng thẩm định, lập biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định; yêu cầu cơ quan lập quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kết luận của Hội đồng thẩm định.
Tổ chức thẩm định lại Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong trường hợp Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 không được thông qua; dự thảo Báo cáo thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định phê duyệt.
Hoạt động của Hội đồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.
Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn
Chính phủ vừa ra Nghị quyết thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp
Tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.
Đó là mục tiêu lập quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được nêu tại Quyết định 1629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, nội dung lập Quy hoạch gồm phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Thanh Hóa; xác định và lựa chọn phương án phát triển, phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương hướng phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù của Tỉnh.
Về các nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời phải bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế biền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, bảo đảm các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Xử lý thông tin báo nêu về xâm phạm di sản miền núi
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu xử lý thông tin báo nêu hàng loạt vụ việc xây dựng không phép, xâm phạm di sản miền núi nhưng các bộ, ngành đùn đẩy, không đưa ra giải pháp triệt để.
Báo Tuổi trẻ điện tử ngày 6/11/2019 có bài viết "Những dự án mọc giữa... rừng: Cần bịt khoảng trống pháp lý", trong đó thông tin: Thiếu quy hoạch, thiếu văn bản quy định chi tiết quản lý vùng núi, vùng biển, vùng di sản, vùng có tiềm năng du lịch thì không thể quản lý các vùng thiên nhiên rộng lớn. Hàng loạt vụ việc xây dựng không phép, xâm phạm di sản miền núi nhưng các bộ, ngành đùn đẩy, không đưa ra giải pháp triệt để; cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể không gian vật thể.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, nghiên cứu, xử lý.
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpôk.
Theo đó, từ ngày 1/8 đến ngày 30/11 hàng năm, các hồ: Krông Nô 2, Krông Nô 3, Buôn Tua Srah, Chư Pông Krông, Krông Busk hạ, Ea Rớt, Buôn Kuốp, Hòa Phú, Đrây H'Linh, Srêpôk 3, Srêpôk 4 và Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A trên lưu vực sông Srêpôk trong mùa lũ phải vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên sau:
1- Bảo đảm an toàn công trình: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình: Krông Busk hạ, Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpôk 3 không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1000 năm; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình Srêpôk 4 không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ gia cường với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1000 năm; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình: Ea Rớt, Krông Nô 2 và Krông Nô 3 không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình: Chư Pông Krông, Hòa Phú và Đrây H'Linh, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 200 năm;
2- Góp phần giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam và Camphuchia;
3- Bảo đảm hiệu quả cấp nước, phát điện và dòng chảy tối thiểu trên sông.
Nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du là việc thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình được thực hiện theo quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trừ các trường hợp bất thường theo quy định hoặc các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quyết định.
Việc vận hành giảm lũ cho hạ du bảo đảm không được gây đột biến dòng chảy, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian vận hành mùa lũ theo quy định, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt quá mực nước cao nhất trước lũ theo quy định.
Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết hồ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du, vận hành trong tình huống bất thường hoặc vận hành bảo đảm an toàn công trình phải đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ theo quy định.
Sửa quy định cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 33/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2).
Trong đó, sửa đổi quy định cấp bù chênh lệch lãi suất. Cụ thể, Ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách sau:
- Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi, ngân sách Trung ương bảo đảm 100% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
- Đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50%; ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương bảo đảm 50% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đối với các địa phương còn lại, ngân sách địa phương bảo đảm 100% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội.
Quyết định cũng bổ sung thêm quy định mức cấp bù chênh lệch lãi suất được xác định cụ thể như sau:
Mức cấp bù chênh lệch lãi suất = Dư nợ cho vay thực tế bình quân của chương trình x (lãi suất bình quân các nguồn vốn - Lãi suất cho vay thực hiện chương trình).
Trong đó, lãi suất bình quân các nguồn vốn được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Quyết định 33/2019/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 31/12/2019. Việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định này được thực hiện từ năm 2016.
Triển khai Hiệp định thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai các nhiệm vụ như tuyên truyền và công bố thông tin; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; cải tiện hạ tầng kỹ thuật để vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; nâng cao năng lực thực thi Hiệp định VPA/FLEGT; quản lý, giám sát và đánh giá thực thi Hiệp định VPA/FLEGT; hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu; tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản.
Trong đó, về tuyên truyền và công bố thông tin, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT cho các đối tượng có liên quan (nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình trồng rừng, các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, các làng nghề, hộ kinh doanh chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ và các tổ chức xã hội) thông qua các phương tiện truyền thông, các chương trình phát thanh truyền hình, các trang thông tin điện tử, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT.
Đồng thời chú trọng soạn thảo các tài liệu tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT phù hợp với nhu cầu, trình độ và năng lực của các nhóm đối tượng có liên quan trong và ngoài nước về các cam kết cụ thể của Hiệp định, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng về Hiệp định, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.
Cải thiện hạ tầng kỹ thuật để vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, xây dựng và vận hành phầm mềm phân loại doanh nghiệp điện tử kết nối với cơ sở dữ liệu vi phạm pháp luật lâm nghiệp và hệ thống cấp phép FLEGT điện tử; xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật thực hiện Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) và cơ chế cấp phép FLEGT.
Quản lý, giám sát và đánh giá thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, thành lập Ủy ban thực thi chung (JIC) và tổ chức các cuộc họp và hoạt động định kỳ của JIC nhằm thực thi các chức năng và nhiệm vụ theo quy định; xây dựng khung giám sát, đánh giá việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT; thực hiện các biện pháp khắc phục những lỗi sẵn sàng của Hệ thống VNTLAS.
Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu, đẩy mạnh công tác phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam sử dụng nguyên liệu hợp pháp; xây dựng và quảng bá thương hiệu, Hệ thống VNTLAS, giấy phép FLEGT và chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, các hộ gia đình trồng rừng nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của Hiệp định VPA/FLEGT, tận dụng cơ hội và lợi ích của Hiệp định VPA/FLEGT và phát triển bền vững.
Xây dựng các Trung tâm chế biến gỗ nhập khẩu; khu nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước có quy mô lớn; áp dụng thương mại điện tử cung ứng gỗ nguyên liệu gắn kết với cơ sở chế biến, xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, thực hiện nhiệm vụ là Đồng Chủ tịch Ủy ban thực thi chung (JIC) cùng với EU; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai Kế hoạch này.
Chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thái Hà
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 1643/QĐ-TTg chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 1 - tỉnh Hà Nam. Công ty cổ phần đầu tư Khu công nghiệp và Đô thị Thái Hà là nhà đầu tư.
Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Dự án có quy mô 100 ha với tổng vốn đầu tư là 773,42 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 154,684 tỷ đồng.
Thời hạn thực hiện Dự án 50 năm tại các xã Bắc Lý, Nhân Đạo, Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam yêu cầu Nhà đầu tư điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án theo quy định, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án theo đúng tiến độ và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý KCN tỉnh Hà Nam yêu cầu Nhà đầu tư tiếp thu ý kiến của các cơ quan; ký quỹ để bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật; bảo đảm góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện Dự án; bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp đầu tư các dự án và hoạt động kinh doanh khác ngoài Dự án này;...
Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý KCN tỉnh Hà Nam và các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, bảo vệ đê điều theo quy định của pháp luật./.