Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu nội dung báo chí phản ánh về vấn đề du lịch, di sản văn hóa và có giải pháp xử lý.
Trước đó, báo Vietnamnet ngày 3/12/2019 có bài viết "Việt Nam bước vào cuộc đua mới 919 tỷ USD", trong đó có nêu: "Du lịch chăm sóc sức khỏe dự kiến tăng trưởng khoảng 7,5%/năm, có giá trị 919 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam có nhiều cơ hội khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, hướng đi thông minh và không quá khó khăn để đầu tư xây dựng môi trường kinh doanh du lịch chăm sóc sức khỏe. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn về du lịch nghỉ dưỡng đã tham gia phân khúc này và đang triển khai nhiều dự án".
Báo VietnamPlus điện tử ngày 9/12/2019 có bài viết "Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc bị đe dọa trước áp lực đô thị", trong đó có nêu: "Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị ở thành phố đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình phát triển đô thị".
Ngày 9/12/2019 báo VTV điện tử có bài viết "Lượng khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chưa tới 40%", trong đó có nêu: "Lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm tăng cao, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp, chỉ từ 10-40%. Chi tiêu của khách du lịch cũng không cao, trung bình hơn 1.000 USD cho một chuyến 9 ngày".
Về những nội dung nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để nghiên cứu và có giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thuốc; xử lý nghiêm các sai phạm.
Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế chủ trì, làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) để thường xuyên công bố, đưa ra cảnh báo trong Chương trình Thời sự của Đài THVN về các loại sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về quảng cáo và pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo có nội dung phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm chức năng, thuốc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Đài THVN siết chặt việc quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình theo đúng quy định của pháp luật, có giải pháp hạn chế dần và tiến tới loại bỏ các quảng cáo không đúng sự thật, có nội dung phản cảm về thực phẩm chức năng, thuốc trong các khung giờ vàng tại các chương trình của Đài THVN.
Về hệ thống thông tin an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng giao các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước và nhân dân.
Trước ngày 25/12/2019, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cung cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ các dữ liệu về các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm (như các trang trại sạch, cơ sở giết mổ đạt yêu cầu, danh sách các phòng kiểm nghiệm...) để cập nhật vào chuyên mục an toàn thực phẩm và bản đồ số thuộc hệ tri thức Việt số hóa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Nội vụ để giải quyết dứt điểm việc thành lập các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực nước mắm; sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước mắm.
Hoàn thiện cơ chế thanh toán dự án BT
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc giải quyết vướng mắc, bất cập khi sử dụng quỹ đất, trụ sở làm việc để thanh toán Dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện cơ chế thanh toán dự án BT tại dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (dự thảo Luật PPP) trong quá trình tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIV), hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai... bảo đảm đồng bộ với dự thảo Luật PPP về cơ chế, phương thức thanh toán dự án BT và cơ chế đấu giá, sử dụng tài sản công là đất đai để thanh toán hợp đồng BT.
Khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai, lựa chọn phương án tối ưu đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề xuất đầu tư xây dựng Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.
Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018; trong đó xác định Khu kinh tế mở Chu Lai là một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là khu vực phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên...
Cảng hàng không Chu Lai đã được quy hoạch đến giai đoạn năm 2030 là cảng hàng không quốc tế, với công suất 5 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, với tầm nhìn đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 15/5/2018, yêu cầu tốc độ tăng trưởng GRDP gấp trên 2,5 lần năm 2020; trong đó, về giao thông vận tải hàng không sẽ khai thác, sử dụng có hiệu quả và đầu tư nâng cấp mở rộng cảng hàng không quốc tế Chu Lai để dần chuyển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay tầm cỡ khu vực. Vì vậy, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Tại Thông báo số 141/TB-VPCP ngày 12/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc điều chỉnh quy hoạch và nhà đầu tư thực hiện, cải tạo, nâng cấp cảng hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách Nhà nước hay vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đúng pháp luật. Do đó, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức triển khai lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai, lựa chọn phương án tối ưu đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.