In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/2/2020.

19/02/2020 09:42
Phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021.

Trong đó, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33) và quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng quản lý ) gồm 11 thành viên. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện cho tới khi Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên Hội đồng quản lý theo quy định.

Trong thời hạn 6 tháng, Hội đồng quản lý quyết nghị trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn: Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện.

Hội đồng quản lý có các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 33 và quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

Ban Kiểm soát có 7 thành viên. Tiêu chuẩn; thành phần; quy trình bầu, phê chuẩn Trưởng ban và thành viên Ban kiểm soát; cách thức hoạt động của Ban kiểm soát; phê duyệt quy chế hoạt động của Ban kiểm soát được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33. Quyền và nghĩa vụ của Ban Kiểm soát thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 và Quy chế hoạt động của Bệnh viện, Ban Kiểm soát Bệnh viện

Về tổ chức và bộ máy lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai, Quyết định nêu rõ: Bệnh viện Bạch Mai có các bệnh viện thành viên như quy định tại Nghị quyết 33, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bộ máy lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Hội đồng quản lý và Ban Giám đốc. Ban Giám đốc Bệnh viện gồm Giám đốc và phó Giám đốc.

Bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công và Nghị quyết số 33; phân phối kết quả tài chính trong năm bảo đảm công khai, minh bạch, tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh.

Bệnh viện được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Xuất cấp gạo cho 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Đắk Nông.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 374,580 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân tỉnh Lai Châu; 1.005,360 tấn gạo để hỗ trợ cho nhân dân tỉnh Điện Biên và 163,170 tấn gạo để hỗ trợ cho nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. UBND 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Đắk Nông tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện hỗ trợ vẫn còn khó khăn, địa phương có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Becamex Bình Định

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Becamex Bình Định.

Dự án nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp với quy mô 1.000 ha tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

Nhà đầu tư là Công ty cổ phần Becamex Bình Định. Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.333,040 tỷ  đồng, bao gồm vốn góp của Nhà đầu tư là 499,956 tỷ đồng, vốn vay là 2.000,042 tỷ đồng và vốn huy động khác là 833,042 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 10 năm kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư.

Giao UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định yêu cầu nhà đầu tư: phân kỳ dự án đầu tư; cụ thể hóa tiến độ triển khai dự án đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư, trong đó lưu ý bảo đảm tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu phải phù hợp với quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Bình Định thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo các giai đoạn của dự án đầu tư và quy định của pháp luật. Bảo đảm quyền sử dụng địa điểm đầu tư của Nhà đầu tư, không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm, bảo đảm nhà đầu tư có đủ điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện mức ưu đãi về tiền thuê đất thấp hơn so với mức ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành;...

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với diện tích khoảng 2.171,33 km2. Trong đó, diện tích đất tự nhiên là 581,83 km2, diện tích vùng biển là 1.589,5 km2.

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển-đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đến năm 2030, Vân Đồn có dân số khoảng 140.000-200.000 người (dân số thường trú khoảng 90.000-140.000 người, dân số quy đổi khoảng 50.000-60.000 người). Nhu cầu sử dụng đất xây dựng các khu chức năng khoảng 5.500 ha; đến năm 2040, dân số khoảng 300.000-500.000 người (dân số thường trú khoảng 180.000-300.000 người, dân số quy đổi khoảng 120.000-200.000 người). Nhu cầu sử dụng đất xây dựng các khu chức năng khoảng 12.050 ha.

Cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: 1- Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; 2- Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; 3- Vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); 4- Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); 5- Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).

Đảo Cái Bầu được tổ chức thành 6 khu vực phát triển gồm: Khu vực Cái Rồng, khu vực bán đảo cổng chào, khu vực sân bay (phía Tây đảo Cái Bầu), khu vực Bắc Cái Bầu, khu vực Đông Bắc Cái Bầu, khu vực đồi núi đảo Cái Bầu.

UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng công bố công khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040; phê duyệt và ban hành Quy định quản lý theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040; tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị cho các khu chức năng trong khu kinh tế làm cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư xây dựng.

Đồng thời, xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực, thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh./.