Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu (ATK), vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Để ghi nhận công lao đóng góp và tri ân đồng bào các dân tộc trong các xã ATK, vùng ATK cách mạng đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã có 22 Quyết định công nhận 217 xã là xã ATK cách mạng và 5 vùng là vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dự kiến trong thời gian tới, cả nước có gần 420 xã ATK sẽ được công nhận là xã ATK cách mạng.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, tình hình kinh tế-xã hội các xã ATK nói riêng và của vùng ATK nói chung trong cả nước đã có nhiều bước phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân dần được cải thiện về vật chất, tinh thần làm cho nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong số 217 xã được công nhận là xã ATK cách mạng đã có hơn 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới tập trung ở các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Ninh Bình, Hòa Bình, Bến Tre…, tuy nhiên đa số các xã ATK, vùng ATK trong cả nước nói chung còn gặp nhiều khó khăn, quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và các địa phương còn gặp nhiều hạn chế, bất cập như có nhiều nhóm chính sách trong các giai đoạn khác nhau; nhiều xã mới được công nhận chưa được hưởng chính sách của Nhà nước.
Để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và thực thi đồng bộ các chính sách nhằm tri ân và nâng mức sống cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sinh sống trong các xã ATK, vùng ATK cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước và của từng địa phương; bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu ATK cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện mục tiêu hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện từ năm 2020 các chính sách: Tiếp tục thực hiện chính sách chương trình 135 cho tất cả các xã ATK cách mạng (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã được công nhận ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135); hoàn thành việc xây dựng và áp dụng từ năm 2021 các chính sách: (i) Chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã ATK; (ii) Chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân trong các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách BHYT theo quy định hiện hành). Thời gian thực hiện từ năm 2020 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương nghiên cứu bổ sung chính sách mới: xây dựng chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân các xã ATK cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách BHYT theo quy định hiện hành), chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng các xã ATK, vùng ATK, các thiết chế văn hóa xã ATK cách mạng. Tiếp tục thực hiện chính sách Chương trình 135 cho tất cả các xã ATK cách mạng (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã được công nhận ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135). Tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành liên quan đến đối tượng thụ hưởng là xã ATK, vùng ATK cách mạng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục xem xét, công nhận các xã ATK, vùng ATK cách mạng nhằm kịp thời ghi nhận công lao của nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng. Triển khai đồng bộ các chính sách mới, hoàn thiện các chính sách đang triển khai phù hợp với điều kiện hiện nay theo hướng ưu tiên cho các xã ATK cách mạng là địa bàn có điều kiện khó khăn về kinh tế-xã hội, đồng thời có công với cách mạng.
Tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các xã ATK
Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, các dự án có tính lan tỏa, các dự án ở vùng trung tâm ATK; bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng như hang động, hầm hào, công sự, trạm kỹ thuật, xưởng công binh; phục dựng các di tích lịch sử của quân đội nhân dân, các bộ ngành Trung ương tại các căn cứ ATK cách mạng nhằm thu hút phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng.
Bên cạnh đó, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để nhân dân và các nhà đầu tư tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư, các nguồn lực xã hội hóa cho các xã ATK cách mạng nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng ATK cách mạng.
Kịp thời bổ sung danh sách các xã ATK đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận khi phân bổ ngân sách theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các địa phương có xã ATK cách mạng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì việc theo dõi, đánh giá chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, kịp thời bổ sung danh sách các xã ATK mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận khi phân bổ ngân sách theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các địa phương có xã ATK, vùng ATK cách mạng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc kịp thời bổ sung vốn sự nghiệp theo các chính sách mà đối tượng là xã ATK cách mạng được hưởng cho các địa phương có các xã ATK cách mạng. Phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho nhân dân các xã ATK cách mạng.
Bố trí nguồn lực xây dựng các công trình vùng ATK
UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương cách mạng của các xã ATK, vùng ATK cách mạng. Quan tâm bố trí nguồn lực để xây dựng các công trình, dự án tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm phát triển kinh tế-xã hội, du lịch nhất là du lịch về cội nguồn; phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các xã ATK cách mạng.
Chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân trong các xã ATK, vùng ATK cách mạng. Tạo điều kiện thu hút đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tại các xã ATK, vùng ATK cách mạng. Xây dựng quy chế quản lý, bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử sau khi được công nhận xã ATK, vùng ATK cách mạng.
Các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và địa phương quan tâm chăm lo đến chính sách hỗ trợ cho các xã ATK, vùng ATK cách mạng; quan tâm kêu gọi đầu tư, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các xã ATK, vùng ATK cách mạng; phối hợp với các địa phương trùng tu các di tích lịch sử cách mạng nơi các bộ, ngành, cơ quan đã từng hoạt động trên địa bàn xã ATK, vùng ATK cách mạng; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về đất nước con người Việt Nam nói chung, trong đó có các chiến khu ATK cách mạng nói riêng để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, khách du lịch trong và ngoài nước biết đến truyền thống hào hùng của chiến khu ATK cách mạng trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
Đối với hành vi không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn ao, hồ, khu chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hoá chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước.
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:
- Không có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí, tập trung, tuyến giao thông đường thuỷ, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các công trình khác có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;
- Không có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển khi hoạt động trên biển.
Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không có biện pháp bảo đảm an toàn để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai khoáng và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn đối với ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải đối với nước thải chứa chất thải nguy hại.
Phạt tiền từ 200-220 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
- Bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.
- Không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền khi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước.
Nghị định nêu rõ, các mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/5/2020.
Quy định mới về xác định thị trường liên quan và thị phần
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, trong đó quy định cụ thể về xác định thị trường liên quan và thị phần.
Xác định thị trường liên quan
Về xác định thị trường liên quan, Nghị định quy định, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.
Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như: đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; thành phần của hàng hóa, dịch vụ; tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa; tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng; khả năng hấp thu của người sử dụng; tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ.
Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau.
Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự. Trường hợp có sự chênh lệch nhau trên 5%, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia xác định hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về giá cả căn cứ thêm vào một số yếu tố hoặc thực hiện theo phương pháp quy định.
Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
Ranh giới của khu vực địa lý quy định trên được xác định căn cứ theo yếu tố: a) Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hoá, dịch vụ liên quan; b) Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a để có thể tham gia cạnh tranh với các hàng hoá, dịch vụ liên quan trên khu vực địa lý đó; c) Chi phí vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; d) Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ; đ) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; e) Tập quán tiêu dùng; g) Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ.
Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây: a) Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá của hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10%; b) Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.
Xác định thị phần
Nghị định nêu rõ, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp quy định tại Điều 10 Luật Cạnh tranh.
Trong quá trình xác định thị phần, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.
Nghị định cũng quy định cụ thể về xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết. Theo đó, doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết được xác định như sau: a- Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ để xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết được tính bằng tổng doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với loại hàng hóa, dịch vụ đó của tất cả doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết; b-Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết không bao gồm doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào từ việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết.
Thị phần của doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp liên kết là thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết đó.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020./.