In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

17/04/2020 08:17

11 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thuỷ văn, trong đó sửa đổi bổ sung quy định công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn.

Cụ thể, công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật khí tượng thủy văn gồm:

1- Sân bay dân dụng.

2- Đập, hồ chứa nước thuộc loại quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông (sau đây gọi tắt là đập, hồ chứa).

3- Bến cảng thuộc cảng biển loại I và loại II theo danh mục cảng biển, bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải công bố.

Trường hợp cảng biển có nhiều bến cảng thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, tổ chức lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, cơ quan khí tượng thủy văn tại địa phương khu vực cảng biển quyết định lựa chọn, chỉ định một hoặc một số bến cảng có tính đại diện về điều kiện tự nhiên khí tượng thủy văn cho khu vực cảng biển để tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này. Các bến cảng còn lại được quyền khai thác, chia sẻ thông tin quan trắc và có nghĩa vụ đóng góp kinh phí theo tỷ lệ bình quân để thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này.

Bến cảng thuộc cảng quân sự thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

5- Cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên.

6- Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp.

7- Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch.

8- Vườn quốc gia.

9- Tuyến đường cao tốc tại khu vực thường xuyên có thời tiết nguy hiểm được xác định theo phân vùng rủi ro thiên tai do Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và được cập nhật định kỳ 3 năm một lần.

10- Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên.

11- Công trình mang tính chất đặc thù gồm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thuộc các cụm Dịch vụ Kinh tế - Kỹ thuật (DK1), sân bay quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Chủ sở hữu đối với đập, hồ chứa, tổ chức quản lý trực tiếp vườn quốc gia, công trình mang tính chất đặc thù phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đối với sân bay, bến cảng, cầu, tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình, cáp treo, tuyến đường cao tốc, cảng thủy nội địa quy định nêu trên có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để tổ chức thực hiện quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2020.

Giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 442/CĐ-TTg về việc giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Công điện nêu rõ:

Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội và Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án), Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã rất tích cực triển khai các hạng mục công việc, đã khởi công xây dựng một số gói thầu thuộc 3 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công; sơ tuyển nhà đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư… và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến.

Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835 ha, tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB (1.245 vị trí giao cắt đường điện phải cải tạo di dời (trong đó 125 vị trí cao thế, 369 vị trí trung thế, 751 vị trí hạ thế) 25.436 m đường ống cấp nước các loại; 46.529 m cáp viễn thông các loại; 131 m đường ống xăng dầu)

Theo kế hoạch, các Tỉnh sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành GPMB vào quý II/2020. Tuy nhiên, đến nay tiến độ GPMB của các dự án chậm so với tiến độ yêu cầu; mới chi trả tiền đền bù, đủ điều kiện bàn giao mặt bằng cho 457,42km/653,61km chiều dài tuyến (đạt khoảng 70%); hầu hết các địa phương chưa hoàn thành công tác bồi thường đất nông nghiệp; bồi thường đất ở đang ở giai đoạn lập phương án, chưa phê duyệt; một số địa phương chưa thi công xây dựng khu tái định cư (Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang). Khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất lớn, hiện mới đang ở bước khảo sát, lập phương án đền bù, di dời. Vì vậy, nếu các địa phương, các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong Quý II/2020.

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án đi qua phải xác định nhiệm vụ GPMB phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; vì vậy, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này; cần tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng GPMB địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 30%), cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công Dự án trong quý II/2020;

- Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện hoàn thành 114 khu tái định cư trong quý II/2020 theo yêu cầu để di dời các hộ dân vào khu tái định cư (đặc biệt các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang);

- Phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật để thống nhất hoàn thành phương án đền bù, triển khai di dời các công trình bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 6/2020;

- Rà soát, chuẩn xác lại kinh phí GPMB thực tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phần kinh phí tăng thêm, đáp ứng kinh phí phục vụ cho công tác GPMB;

- Chủ động xử lý các vướng mắc kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, đảm bảo tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành.

2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án:

- Phối hợp với các địa phương, các chủ quản lý sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác GPMB, bàn giao trong quý II/2020;

- Rà soát kinh phí GPMB thực tế tại các địa phương, trường hợp kinh phí này tăng vượt tổng mức đầu tư của Tiểu dự án GPMB (bao gồm cả chi phí dự phòng) trong tổng mức đầu tư được duyệt, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xem xét xử lý, đảm bảo đủ kinh phí, kịp thời phục vụ công tác GPMB.

3. Các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, viễn thông, xăng dầu… thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình đẩy nhanh tiến độ công tác lập, phê duyệt phương án và triển khai thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong quý II/2020.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, điều chỉnh giảm 21,315 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn và điều chỉnh tăng 101,961 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các dự án trong nội bộ của Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội và tỉnh Sóc Trăng

Điều chỉnh tăng 676,032 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho các dự án của các bộ, cơ quan: Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Tòa án nhân dân tối cao, Đại học Quốc gia Hà Nội và các tỉnh: Đắk Nông, Sóc Trăng.

Giao chi tiết 6.278,814 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án của các bộ, cơ quan: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tòa án nhân dân tối cao, Hội nhạc sỹ Việt Nam và các tỉnh: Đắk Lắk, Yên Bái, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 được giao, điều chỉnh, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục dự án và mức vốn từng dự án theo quy định; gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/4/2020.

Triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT quý II/2020

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II năm 2020.

Quý II năm 2020 cả nước tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ và quyết liệt lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19, nhằm ngăn ngừa lây nhiễm, phát hiện, cứu chữa kịp thời người bệnh để giảm thiểu thiệt hại về con người, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục duy trì và khẩn trương phục hồi tăng trưởng kinh tế ngay sau khi hết dịch. Nhằm khắc phục ngay các tồn tại của quý I và thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý II và những tháng còn lại của năm 2020, theo đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”; theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo thực hiện các giải pháp hiệu quả để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19; tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tập trung xây dựng Luật giao thông đường bộ (sửa đổi); chủ trì xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, đảm bảo tiến độ và chất lượng, cập nhật đầy đủ những cam kết quốc tế về bảo đảm an toàn giao thông mà Việt Nam đã tham gia; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa.

Tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sửa chữa đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất…; ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên đường bộ và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt; xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ.

Triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với hành khách, người lao động và cộng đồng.

Chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm hoạt động kinh doanh vận tải an toàn, thông suốt, hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Kết hợp xử lý vi phạm trật tự ATGT với nhiệm vụ phòng chống COVID-19

Bộ Công an tập trung hoàn thành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông năm 2020, đặc biệt là sớm hoàn thiện và ban hành quy định và hướng dẫn việc thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ phù hợp với thông lệ quốc tế; nghiên cứu đề xuất các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường lực lượng, kết hợp hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, tập trung phát hiện xử lý các lái xe có hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần dường, làn đường; xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất theo quy định pháp luật đối với các hành vi tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; cương quyết trấn áp, trừng trị những đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ; xử lý nghiêm lái xe, chủ xe vi phạm quy định về tải trọng phương tiện; người đi mô tô, xe máy vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe về tác hại của ma túy; kiểm tra sàng lọc sử dụng chất ma túy thường kỳ và ngẫu nhiên đối với lái xe.

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn giao thông để kết nối, chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Phối hợp với ngành Giao thông vận tải rà soát, đánh giá, kiến nghị phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Bảo đảm ATGT cho HS, SV đến trường ngay sau khi hết dịch

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng dạy và học cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; kịp thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các giải pháp tuyên truyền giáo dục và bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên đến trường ngay sau khi hết dịch, trong thời gian nghỉ hè và kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2020; xây dựng và hoàn thiện chương trình giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các địa phương hướng dẫn và phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVDI-19 trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông; ngay sau khi hết dịch cần khẩn trương tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc, đồng thời phối hợp với ngành Giao thông vận tải tổ chức thực hiện khám sức khoẻ định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải, xét nghiệm ma tuý đối với toàn bộ lái xe được khám sức khoẻ.

Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch sẵn sàng ngay sau khi hết dịch phải tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt tại các địa phương; kiểm tra tình hình vi phạm quy định pháp luật về xây dựng trên hành lang an toàn giao thông tại Quốc lộ 1, 5, 18, báo cáo kết quả tại kỳ họp trực tuyến toàn quốc về trật tự an toàn giao thông quý III năm 2020.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và Nghị định số 214/2013/NĐ-CP.

Đổi mới cách thức tuyên truyền về đảm bảo trật tự ATGT

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường thời lượng, đổi mới cách thức, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó ưu tiên tuyên truyền, phổ biến các chỉ đạo và giải pháp về tham gia giao thông an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID -19; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”.

Bộ Quốc phòng triển khai dán thẻ thu phí điện tử không dừng cho xe ô tô quân sự; tăng cường công tác kiểm tra xe quân sự, chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm hoạt động của lực lượng kiểm tra xe quân sự, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp trong quân đội vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương ưu tiên tuyên truyền việc thực hiện các giải pháp tham gia giao thông an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2020 tại địa phương, trong đó:

- Triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đợt nghỉ lễ 30/4-01/5; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 16/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

- Chỉ đạo lực lượng Công an địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải thực hiện đồng thời nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ưu tiên kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng trên đường bộ, không đội mũ bảo hiểm đối khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, người đi ô tô không thắt dây an toàn theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự.

- Chỉ đạo ngành Giao thông vận tải địa phương tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng trong công tác đăng kiểm; ưu tiên khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, làm gờ giảm tốc; xây dựng đường gom xoá lối đi tự mở, tổ chức cảnh báo bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt với đường sắt.

- Kết nối, khai thác dữ liệu từ các hệ thống camera giám sát của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; khai thác dữ liệu giám sát hành trình từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam để giám sát và quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế ra đường (trừ trường hợp thật sự cần thiết); tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chung tay cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tiếp tục thiết lập lại và duy trì trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, ưu tiên sử dụng vỉa hè cho người đi bộ; xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch và xây dựng đô thị gây mất trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông đô thị.

* Quý I năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương triển khai Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương (số vụ giảm 13,92%, số người chết giảm 13,96%, số người bị thương giảm 18,21%); năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hỗ trợ 2 tỉnh hơn 1.162 tấn gạo

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.162,08 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Đắk Nông và Đắk Lắk để hỗ trợ cho nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2020.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Đắk Nông 326,340 tấn gạo; tỉnh Đắk Lắk 835,740 tấn gạo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Nông và Đắk Lắk tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng kx mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan và việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung nêu trên trước ngày 18/4/2020.

Xây dựng chuỗi bảo đảm cung ứng thịt lợn trong mùa dịch

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao, nguyên nhân do nguồn cung thấp hơn cầu (do đàn lợn bị giảm do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây ra), bên cạnh đó, còn có các yếu tố chủ quan khác tạo ra như: do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch COVID-19; có hiện tượng găm hàng, tích trữ lợn thịt để đẩy giá lên cao; cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lý (chi phí trung gian lớn 40-45%). Giá thịt lợn cao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Mặt khác, có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, cần phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai chủ trương kiểm soát giá thịt lợn đã được nhiều doanh nghiệp rất đồng tình, giảm giá bán lợn thịt.

Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh lợn thịt, thịt lợn chưa triển khai tích cực, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán và người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Phó Thủ tướng biểu dương các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Chính phủ, cùng người dân đã giảm giá bán lợn thịt thời gian qua; đặc biệt biểu dương tất cả các doanh nghiệp dự họp đã cam kết giảm giá lợn hơi tại cửa chuồng, trang trại xuống 70.000 đ/kg kể từ ngày 01/4/2020.

Việc giảm giá thịt lợn, không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, mà còn thể hiện trách nhiệm chính trị, văn hóa của doanh nghiệp và người sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các thành phần liên quan đến chuỗi sản xuất thịt lợn thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát và giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống 70.000 đ/kg kể từ ngày 01/4/2020; tiến tới giảm dưới 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá thịt lợn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tổ chức rà soát, công bố hết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn, tăng đàn; tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn, tăng đàn lợn.

Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường.

Bảo đảm giá lợn ở mức hợp lý

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu và tổ chức nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng: Tăng mạnh đàn lợn trong thời gian tới nhưng đảm bảo cân bằng cung cầu, đảm bảo giá lợn ở mức hợp lý nhưng không tạo ra dư thừa, thiệt hại cho người chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025.

Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo, thực hiện tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng nuôi của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao.

Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên ngành, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép; phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong quản lý và đề xuất chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu bổ sung phần thịt lợn thiếu hụt trên thị trường, không để thiếu nguồn thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Xem xét giảm thuế nhập khẩu thịt lợn

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, sớm đề xuất chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tránh tình trạng găm lợn, đẩy giá tăng cao quá mức; bảo đảm hoài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối, cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng; tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế như thịt gia súc khác, thịt gia cầm, trứng và thủy hải sản.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; khẩn trương rà soát, công bố hết dịch theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi, nhất là mặt bằng đất đai để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thống nhất tăng cường việc nhân giống cung cấp đủ cho người chăn nuôi; đồng thời đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn; đồng loạt giảm giá lợn thịt xuất chuồng xuống 70.000 đ/kg kể từ ngày 01/4/2020; tiến tới giảm xuống 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 517/QĐ-TTg công nhận thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Mỹ Tho tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thành phố Mỹ Tho có 11 phường và 6 xã với diện tích tự nhiên trên 8.154 ha, trong đó khu vực nông thôn chiếm trên 78% diện tích; dân số gần 230.000 người, có trên 40% dân số của thành phố sống ở khu vực này.

Nhận thấy việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ là một hệ thống giải pháp có tính quyết định thúc đẩy phát triển toàn diện về sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn của các xã, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện xây dựng NTM.

Công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố thực hiện thường xuyên gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thành phố cũng phát động và duy trì có hiệu quả chuyên đề thi đua “Mỹ Tho chung sức xây dựng NTM”…

Bên cạnh đó, thành phố tổ chức nhiều lớp khuyến công, khuyến nông và dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Đồng thời, mở rộng đào tạo các ngành nghề mới, tổ chức mở rộng quy mô các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn để tạo thêm việc làm cho người lao động. Cùng với đó là khuyến khích, tạo điều kiện thành lập mới các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất trên địa bàn.

Với sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đến nay các tuyến đường giao thông được mở mới, nâng cấp, mở rộng theo đồ án quy hoạch NTM của các xã, hình thành nên hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ, trong đó 100% đường xã và trên 85% đường ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm...

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 53 triệu đồng/năm, tăng 4,6 lần so với năm 2011. Tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn “3 cứng” theo quy định của Bộ Xây dựng ở các xã đạt 89,86%; không có nhà tạm bợ, dột nát.

Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay thành phố có 6/6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và đều giữ vững đạt 19/19 tiêu chí NTM.

Tổng kết 30 năm xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan đến Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam.

Hội nghị sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với các địa phương vào tháng 11/2020 tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tại 63 điểm cầu của địa phương. 

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình, rà soát báo cáo tham luận để phục vụ cho báo cáo tổng kết tại Hội nghị. Trong đó, cần tập trung đánh giá kết quả được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, xây dựng, quan điểm, mục tiêu, đề xuất mô hình, định hướng chính sách của Việt Nam về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong giai đoạn tới./.