In bài viết

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/5/2020.

26/05/2020 08:23

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

Tại Quyết định 686/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Đinh Thị Lụa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam.

Trước đó, ngày 12/5, tại kỳ họp thứ 14 (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh Hà Nam khoá XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đã bầu bà Đinh Thị Lụa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

*Tại Quyết định 687/QĐ-TTg, Quyết định 688/QĐ-TTg, Thủ tướng Chinh phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trương Minh Hiến và ông Bùi Quang Cẩm để nghỉ hưu theo chế độ.

Xuất gạo dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị để hỗ trợ cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2020.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.439,85 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Bình (855,99 tấn) và tỉnh Quảng Trị (583,860 tấn) để hỗ trợ nhân dân.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. UBND các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Hưng Yên phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện

Hưng Yên đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phát để tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Năm 2019, kinh tế của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tăng trưởng kinh tế đạt 9,72% (cao hơn cả nước 7,02%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ lệ 92%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 74 triệu đồng/năm; là một trong 8 tỉnh hoàn thành 100% số xã chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo còn 1,9% (thấp hơn mức bình quân cả nước 4%).

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 quý I/2020, tăng trưởng đạt gần 7%. Hưng Yên là một điểm sáng trong duy trì tăng trưởng cao mà ít địa phương đạt được.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Hưng Yên còn một số hạn chế cần khắc phục: Quy mô nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp; cơ sở hạ tầng nhiều khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế...

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới cần đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế, có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để Hưng Yên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Cụ thể, tỉnh phải phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Hưng Yên không chỉ là tỉnh phát triển về kinh tế, còn là tỉnh văn hóa của vùng Bắc Bộ, đặt mục tiêu phát triển toàn diện để Hưng Yên trở thành một trong những địa phương đi đầu trong vùng và cả nước, đóng góp xây dựng một Việt Nam hùng cường; đẩy mạnh phát triển các ngành: Giao thông vận tải, công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp dịch vụ (logistics, du lịch, vận tải...); đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới tới đầu tư; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp.

Đưa Hưng Yên là tỉnh nông thôn mới năm 2020

Đồng thời, tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chú trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung ứng kết nối hiệu quả với thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa Hưng Yên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; hoàn thành 100% cấp huyện đạt nông thôn mới, đưa Hưng Yên là tỉnh nông thôn mới năm 2020.

Đổi mới thu hút đầu tư phát triển du lịch, đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể để từng bước đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch Hưng Yên phải làm nổi bật bản sắc văn hóa, các lợi thế về du lịch sinh thái, tâm linh, lễ hội và đặc sản địa phương để tham gia vào các chuỗi giá trị du lịch trong khu vực; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch-du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, chú trọng các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn. Nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% thậm chí 0,5%. Đẩy mạnh xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tu bổ, bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, di tích lịch sử, hệ thống đền chùa, các làng nghề truyền thống.

Cùng với đó là phát triển đô thị, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng Hưng Yên trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, sạch đẹp, hấp dẫn để thu hút người tài về sống và lập nghiệp. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn; kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường...

Bổ sung KKT Quảng Yên vào Quy hoạch phát triển các KTT ven biển

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển ở Việt Nam đến năm 2020 với quy mô 13.303 ha.

UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, nội dung báo cáo, ý kiến giải trình; quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu kinh tế; bảo đảm việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật đầu tư, đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước và pháp luật liên quan; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện quy hoạch KKT; việc thành lập KKT Quảng Yên được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm phát triển KKT không ảnh hưởng đến môi trường, quốc phòng an ninh, bảo tồn diện tích rừng, di tích lịch sử, văn hóa và không làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Đồng thời, thực hiện phân kỳ đầu tư phù hợp, lựa chọn lĩnh vực và nhà đầu tư để thu hút đầu tư hợp lý cho các khu chức năng trong KKT, trên nguyên tắc tận dụng và phát huy lợi thế, đảm bảo sự tương hỗ của từng khu; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài KKT đảm bảo tính liên kết giữa KKT Quảng Yên và các khu vực phát triển kinh tế khác nhằm hình thành vùng kinh tế động lực cho Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ./.